|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam giảm mạnh nhất trong 20 năm trở lại

09:41 | 03/10/2020
Chia sẻ
Chỉ 5% số người được hỏi tin rằng nền kinh tế năm nay sẽ tốt hơn năm ngoái, theo kết quả thăm dò của công ty nghiên cứu thị trường Infocus Mekong Research.
Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam giảm mạnh nhất trong 20 năm trở lại - Ảnh 1.

Tâm lí tiêu dùng của người Việt Nam ở mức thấp, họ ngần ngại đi mua sắm do lo ngại dịch bệnh. (Ảnh: Reuters)

Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong ít nhất 20 năm qua. Điều này cho thấy một bức tranh tổng thể mang màu sắc ảm đạm về tác động dai dẳng của đại dịch COVID-19, ngay cả khi nó đã cơ bản được khống chế và nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi.

Trong một cuộc thăm dò từ tháng 7 của công ty nghiên cứu thị trường Infocus Mekong Research công bố hôm 2/10, chỉ có 5% số người được hỏi cho biết họ tin rằng nền kinh tế năm nay sẽ tốt hơn năm ngoái.

Đây là mức giảm mạnh so với mức tin cậy 70% từ cuộc thăm dò tương tự vào tháng 1/2020, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Con số này cho thấy có sự thay đổi rõ rệt đối với niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam, thường được xếp hạng là một trong những người lạc quan nhất thế giới.

Trả lời Nikkei Asian Review, ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành của Infocus Mekong Research, nhận định rằng 5% là mức độ tin cậy thấp nhất của người Việt Nam trong suốt hai thập kỉ khảo sát vừa qua.

"Rõ ràng là mọi người ra ngoài ít hơn và ở nhà nhiều hơn. Nguyên nhân đầu tiên là do hành vi, họ đi ra ngoài ít thường xuyên hơn và thứ hai là vấn đề về tài chính", ông Ralf Matthaes nói.

Số liệu thống kê trên trang World Ometers cho thấy tính đến ngày 3/10, Việt Nam đã ghi nhận 1.096 trường hợp nhiễm COVID-19 và 35 trường hợp tử vong.

Theo Infocus, dù Việt Nam được coi là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 thấp nhất trên thế giới, nhưng người dân địa phương vẫn chưa sẵn sàng đi du lịch, ăn uống bên ngoài hay đi mua sắm.

Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế được dự báo sẽ có tăng trưởng dương vào năm 2020, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 2,62% so với cùng kì năm trước trong quí thứ ba. Nhưng tình trạng suy thoái của thương mại toàn cầu đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, khiến hàng triệu người bị mất việc làm hoặc giảm giờ làm.

Đáp lại, chính phủ đã tăng cường chi tiêu công, hôm 2/10 đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5% xuống 4% và lãi suất chiết khấu từ 3% xuống 2,5%.

Ông Matthaes nói rất nhiều người Việt Nam vẫn đang thắt chặt chi tiêu và tập trung các khoản chi vào đồ dùng thiết yếu. Nhưng bên cạnh đó, có nhiều người Việt Nam chuyển sang mua sắm trực tuyến hơn khi dịch bệnh bùng phát. Theo nhận định của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, thương mại điện tử sẽ tăng trên 30% trong năm nay.

Hiện nền kinh tế Việt Nam đang mở cửa trở lại. Các chuyến bay quốc tế thường lệ đã nối lại vào tháng 9 nhằm phục hồi ngành du lịch và thương mại với tư cách là động lực kinh tế vào năm 2021.

Mặc dù COVID đã gây ảnh hưởng đến tiêu dùng, nhưng theo báo cáo trong tháng 8 của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam vẫn lạc quan hơn hầu hết các quốc gia khác.

Khảo sát của Infocus cũng cho biết ba yếu tố sẽ khuyến khích người Việt Nam bắt đầu chi tiền mặt cho các gói kì nghỉ, ô tô và các mặt hàng có giá trị lớn khác là sự đảm bảo việc làm, tăng lương và chính phủ giải quyết tốt mối đe dọa về dịch COVID-19.

Tường Vy

Bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính, GTVT, Tổng Thư ký Quốc hội
Chiều 28/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Hồng Minh làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Lê Quang Tùng, giữ chức Tổng thư ký Quốc hội.