|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những ý tưởng không còn nằm trên giấy

22:05 | 19/12/2018
Chia sẻ
Vượt qua 200 dự án xuất sắc tại chung kết cuộc thi “Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp – SWIS 2018” do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức chiều tối ngày 16/12, dự án Inut Platform – hệ sinh thái kết nối vạn vật của nhóm sinh viên đến từ Đại học Quốc gia TP. HCM được xướng tên và dự án Nano Rutin của nhóm học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội được xướng tên chung cuộc, với những giải thưởng danh giá nhất.
nhung y tuong khong con nam tren giay
Dự án Inut Platform – Hệ sinh thái kết nối vạn vật đạt giải nhất cuộc thi. Ảnh: Chí Cường

Khác với nhiều cuộc thi, các dự án không chỉ dừng lại ở ý tưởng trên giấy, nhiều dự án tại SWIS 2018 đã gặt hái được những trái ngọt, có doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng. Các dự án được chia theo khối sinh viên đến từ các trường Đại học, Cao đẳng và khối học sinh đến từ các trường Trung học học phổ thông. Nhóm sinh viên đến từ Đại học Quốc gia TP. HCM ra đời dự án Inut Platform, hệ sinh kết nối vạn vật, hoàn toàn chinh phục ban giám khảo và các nhà đầu tư. Và dự án đã giành giải Quan quân trong khối sinh viên.

Dự án iNut Platform với ý tưởng thông minh và ý nghĩa, giúp hệ thống thiết bị và phần mềm được kết nối với nhau một cách an toàn và mở rộng không giới hạn. Bên cạnh đó, người dùng cuối được cung cấp những mã QRcode để có thể đưa các thiết bị thuộc sở hữu của họ, được kết hợp với các bên cung cấp phần mềm qua nút “kết nối thiết bị” của iNut. Với ứng ụng này chỉ một cái chạm tay là mọi người có thể kết nối đến mọi nơi và xử lý các công việc của mình từ xa.

Ứng dụng những công nghệ đột phá trong dự án

Theo dự đoán, đến năm 2024 sẽ có 500 tỷ thiết bị được kết nối, riêng quy mô thị trường IoT Việt Nam trị giá 5 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Đoàn Vinh Phú, Giám đốc vận hành (COO) iNut, chưa DN nào trên thị trường giải quyết được bài toán tạo hệ thống kết nối mở. Hơn nữa, những sản phẩm mang về từ nước ngoài rất khó sử dụng ,vì cần phải lập trình, nghiên cứu về phần cứng. Với một thiết bị được kết nối thành công, trung bình iNut thu 15 USD. Dự kiến năm 2019, iNut đạt doanh thu 9,3 tỷ đồng. “Lợi thế cạnh tranh của iNut là hạ tầng kết nối vạn vật mở, dễ sử dụng và có ưu thế tuyệt đối về cộng đồng Arduino đông đảo với 100.000 lượt truy cập mỗi ngày”, Phú cho biết.

Sau 6 tháng hoạt động, iNut hiện có 72 loại thiết bị được kết nối, 618 thiết bị được bán ra thị trường với doanh thu 725 triệu đồng.1.200 lượt tải ứng dụng trên Android và iOS. Hiện tại, iNut được Công ty CP HTC Viễn thông quốc tế (HTC-ITC) tại Hòa Lạc đầu tư 625 triệu cho 2,5% cổ phần và được định giá 1,1 triệu USD bởi Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator).

Khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế với sự ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain), dự án Nano Rutin của nhóm học sinh trường THPT Phan Đình Phùng – Hà Nội được ra đời, với mong muốn tạo ra một sản phẩm phục hồi và ngăn ngừa đột quỵ. Theo thống kê, mỗi năm hiện nay có 230.000 người bị đột quỵ với tỷ lệ 50% tử vong, 90% số người sống sót phải sống chung với di chứng về thần kinh và vận động. Theo Bùi Hương Ly, trưởng nhóm dự án, trải qua quá trình miệt mài nghiên cứu và tìm hiểu các tài liệu trong nước và quốc tế, dưới sự nhiệt tình hỗ trợ của các nhà khoa học, các bậc phụ huynh, nhóm tiến hành các nghiên cứu và làm những thí nghiệm đầu tiên.

Hàng loạt các công thức khoa học được đưa ra, những lần thử nghiệm sản xuất, cuối cùng, nhóm tìm ra được quy trình điều trị thành công dung dịch Nano Rutin đạt tiêu chuẩn, sản xuất ra thực phẩm bảo vệ sức khỏe được sản xuất từ tinh chất Rutin có trong cây hoa hòe, được trồng phổ biến ở Thái Bình. “Với mong muốn đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, giải pháp Nano Rutin sẽ kết nối người bán trực tiếp với người tiêu dùng, dựa trên nền tảng công nghệ blockchain, đảm bảo thông tin minh bạch, chính xác và tạo hiệu quả bán hàng cao so với các phương pháp truyền thống”, Hương Ly cho biết.

Tiếp sức những dự án khả thi

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1665/QĐ–TTg ngày 30/10/2017 về việc Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025, Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của HSSV 2018, điểm nhấn của chương trình là cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2018” năm đầu tiên trên quy mô toàn quốc. Cuộc thi gần 200.000 HSSV của hơn 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT tham gia cùng khoảng 200 bài dự thi chất lượng, đa dạng, tập trung vào nhiều lĩnh vực như công nghệ, giáo dục, y tế... Trong đó, 15 dự án xuất sắc, bao gồm 10 dự án của sinh viên của 10 trường đại học và 5 dự án của học sinh 5 trường THPT lọt vào vòng chung kết. Chương trình Khởi nghiệp với sự đồng hành hỗ trợ của các đơn vị như Trung Nguyên Legend, Bắc Á Bank, Tập đoàn Egroup và LienVietPostBank.

Chương trình hướng đến truyền cảm hứng cho HSSV dám ước mơ và đưa ra những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, khả thi. Đồng thời, trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng thành lập dự án từ ý tưởng. Thông qua vinh danh những ý tưởng tốt, sáng tạo thành công ngay từ giảng đường và kêu gọi các tổ chức, DN đầu tư cho các ý tưởng xuất sắc nhất, cuộc thi tạo động lực thúc đẩy HSSV dám nghĩ dám làm, để ý tưởng không chỉ là trên giấy.

Chỉ trong thời gian ngắn, cuộc thi đã thu hút được 200 dự án, tuy nhiên, ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội, người cầm cân nảy mực cuộc thi đánh giá “với 10 dự án tốt nhất vào chung kết, nhưng khả năng các dự án được đưa vào thực tế tương đối thấp. Với thang điểm 10, chỉ đạt khoảng 5 điểm”. Ông Vương phân tích, “các dự án không khả thi, được đưa vào cuộc sống với chất lượng tương đối thấp, sẽ không giúp nhiều cho cuộc sống xã hội, mà chỉ dừng lại ở mức ý tưởng”. Bên cạnh đó, kỹ năng trình bày, phối hợp đội nhóm chưa thực sự tốt, mặc dù suy nghĩ về dự án rất tốt. Chính vì vậy, “khởi nghiệp cần sớm được đưa vào trong giảng đường”, ông Vương nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, trưởng ban tổ chức Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của HSSV năm 2018, đây là cơ hội lớn để các đội thi tiếp cận với cơ hội đầu tư cũng như kiến thức từ hội đồng giám khảo danh dự là các DN có khả năng đầu tư.

nhung y tuong khong con nam tren giay
Bà Lê Thục Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Đa khoa Hà Nội và Công ty Đầu tư tài chính VBS. Ảnh: Chí Cường.

Đánh giá cao tính khả thi về mặt triển khai của 2 dự án: sản xuất, phân phối sản phẩm từ lá thông phục vụ đời sống sản xuất và dự án Nano Rutin, bà Lê Thục Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Đa khoa Hà Nội và Công ty Đầu tư tài chính VBS cam kết song hành với hai dự án này, đầu tiên là hoàn thiện ý tưởng sản phẩm. Với Nano Rutin, bà Phương cho biết sẽ sang Nhật Bản để trao đổi với đối tác, giúp sản phẩm này xuất khẩu sang Nhật. “Với sản phẩm từ lá thông, sẽ hoàn thiện ý tưởng về sản phẩm, để sản xuất ra tinh dầu từ lá thông.

Hiện này, tinh dầu lá thông trên thế giới có giá thành khá cao, với 5ml tinh dầu có thể bán với giá thành từ 9 – 20 USD”, bà Phương nói và nhấn mạnh – “ Đồng thời, tôi sẽ liên hệ với Liên đoàn Tinh dầu quốc tế, có trụ sở tại Anh, tài trợ học bổng về khóa học tinh dầu, để giúp các em hiểu sâu sắc hơn về sản phẩm, có thể sẽ phát triển công ty đang ấp ủ. Bên cạnh đó, sẽ tài trợ một dây chuyền sản xuất, chưng cất tinh dầu, sau khi hoàn thiện công đoạn nghiên cứu phát triển sản phẩm”.

nhung y tuong khong con nam tren giay
Ông Trần Anh Vương chia sẻ về các dự án trong cuộc thi. Ảnh: Chí Cường

Ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội: “Với sự ra đời của Nghị định số 38/2018/NĐ–CP của Chính phủ, quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, việc thành lập quỹ tư nhân, quỹ nhà nước rất đơn giản, không phức tạp và không phải thông qua Ủy ban Chứng khoán. Vì vậy, các trường, các tổ chức cần có các chương trình đào tạo cho HSSV về khởi nghiệp. Đặc biệt, có thể huy động các quỹ để ủng hộ và đầu tư cho các em, để các dự án khả thi mang tính khả thi cao và mang hiệu quả lớn cho xã hội”.

Khối Sinh viên:

Giải nhất: dự án Inut Platform – hệ sinh thái kết nối vạn vật của nhóm sinh viên đến từ Đại học Quốc gia TP. HCM.

Giải nhì: dự án VADI – Trợ lý ảo dành cho lái xe, trường ĐH Bách khoa Hà Nội; dự án Finbox – Cố vấn đầu tư 4.0, trường Đại học Ngoại thương.

Khối THPT:

Giải nhất: dự án Nano Rutin của nhóm học sinh trường THPT Phan Đình Phùng – Hà Nội.

Giải nhì: dự án Sản xuất cao điều trị bỏng, trường THPT Phúc Trách – Hà Tĩnh; dự án Sản xuất, phân phối sản phẩm từ lá thông phục vụ đời sống, trường THPT Chu Văn An – Lâm Đồng.

Chí Cường