Những xu hướng công nghệ đáng chú ý trong năm 2021
Trong thế giới hậu COVID-19, công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống.
Nhân loại đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong một loạt công nghệ hướng đến người tiêu dùng, như thanh toán kỹ thuật số, chăm sóc sức khỏe từ xa, hỗ trợ hoạt động sản xuất, robot hoặc thiết bị điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo giới chuyên gia, một số xu hướng trong số đó là không thể đảo ngược và sẽ tiếp tục định hình sự phát triển của lĩnh vực công nghệ toàn cầu trong năm 2021.
An ninh mạng
Việc con người sử dụng ngày càng nhiều các công cụ công nghệ đang bộc lộ những lỗ hổng bảo mật của mạng Internet và của cả những ứng dụng. Những điểm yếu này có thể đe dọa quyền riêng tư của người dùng cá nhân và bảo mật thông tin đối với các doanh nghiệp.
Ước tính của công ty nghiên cứu và tư vấn bảo mật Cybersecurity Ventures, thiệt hại do tội phạm mạng gây ra dự kiến có thể lên tới 6.000 tỷ USD vào năm 2021.
Mối đe dọa an ninh mạng gia tăng cùng với nhận thức cao hơn của người dùng về vấn đề bảo mật sẽ làm tăng sự tập trung vào vấn đề bảo mật trên môi trường trực tuyến. Ngoài ra, với khả năng kết nối Internet trở nên phổ biến và rộng rãi hơn, nhu cầu về an ninh mạng sẽ mở rộng từ doanh nghiệp sang cả các cá nhân.
Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ có số lượng người sử dụng Internet cao nhất, cũng thuộc nhóm những nước có số cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến và phần mềm độc hại cao hàng đầu. An ninh mạng không chỉ giới hạn ở việc đánh cắp dữ liệu, lừa đảo tài chính mà còn là an ninh quốc gia.
Do vậy, nhiều Chính phủ đang lên kế hoạch xây dựng các chính sách an ninh mạng mới để bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin, xây dựng khả năng ngăn chặn và ứng phó với các mối đe dọa trên không gian mạng.
Công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa
Đại dịch COVID-19 buộc các nước phải tiến hành các đợt giãn cách xã hội kéo dài, nhưng các bệnh nhân rất khó có thể chờ đợi qua giai đoạn phong tỏa. Do đó, hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh từ xa thông qua các phương tiện công nghệ đã tăng vọt, không chỉ về dịch COVID-19 mà còn cho các bệnh mãn tính khác.
Việc “đi khám bệnh” đã thay đổi từ tham gia các cuộc hẹn trực tiếp thành các cuộc gặp trực tuyến với các bác sỹ, dựa vào các ứng dụng như Babylon Health, Ada, WhatsApp và FaceTime.
Trong khi đó, nhiều ứng dụng khác như Calm và Headspace đã ghi nhận số người dùng gia tăng mạnh mẽ khi mọi người cố gắng chống lại các tác dụng phụ của việc phong tỏa, chẳng hạn như rối loạn căng thẳng, lo lắng và cô đơn.
Các thiết bị điện tử đeo trên người (wearable) đã phát triển tới mức cho phép người dùng theo dõi nồng độ oxy trong máu, đo nhịp tim và điện tâm đồ, phát hiện nếu người dùng bị ngã và theo dõi giấc ngủ của họ.
Sự gia tăng ứng dụng công nghệ và việc thay đổi hành vi của bệnh nhân/người dùng dịch vụ trong mùa dịch đã và sẽ giúp đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ chăm sóc y tế từ xa. Và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2021.
Các ứng dụng dựa trên điện toán đám mây
Trong năm 2020, thế giới đã trải qua một sự thay đổi không thể đảo ngược khi rất nhiều người phải “di cư” từ văn phòng làm việc truyền thống sang chủ yếu làm việc tại nhà. Tất nhiên, điều đó chỉ có thể khả thi khi người lao động và các doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng các công nghệ dựa trên điện toán đám mây, bao gồm các ứng dụng họp và làm việc trực tuyến.
Cùng với đó, nhu cầu về hoạt động thương mại điện tử và giải trí trực tuyến của người dân cũng tăng vọt trong mùa dịch. Những xu hướng này đang giúp các nền tảng dựa trên đám mây mở rộng sự hiện diện hơn trong năm 2021, thậm chí xa hơn.
Quá trình chuyển đổi số cũng sẽ nhận được nhiều hỗ trợ từ các công nghệ dựa trên điện toán đám mây. Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường Forrester, 60% công ty sẽ tận dụng các bộ lưu trữ trên nền tảng đám mây công cộng và 25% nhà phát triển sẽ tận dụng khả năng không cần máy chủ của nền tảng công nghệ này vào cuối năm 2021.
Công nghệ blockchain
Phải mất một thời gian dài để công nghệ chuỗi khối (blockchain) thu hút được được sự chú ý. Nhưng khi thế giới ngày càng tin tưởng vào các thuật toán dựa trên công nghệ này, đã đến lúc để blockchain “tỏa sáng."
Trong năm 2021, blockchain sẽ được đón nhận cởi mở hơn trong việc chia sẻ và bảo mật dữ liệu cho cả hoạt động quản lý, cải thiện chuỗi cung ứng lẫn nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Việc triển khai blockchain quy mô lớn vẫn chưa hoàn toàn thành công trên thế giới, nhưng xu hướng số hóa gia tăng và sự thâm nhập sâu hơn của công nghệ tài chính (Fintech) sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn để blockchain được áp dụng trong các chuỗi cung ứng đơn giản.
Bên cạnh đó, các cơ quan chính phủ đang ngày càng tận dụng blockchain cho các hoạt động của mình, thay đổi từ tâm lý hoài nghi sang chấp nhận công nghệ này. Do vậy, các quy định liên quan tới blockchain dự kiến sẽ được xây dựng rõ ràng hơn. Giới quan sát kỳ vọng trong năm năm tới, việc sử dụng blockchain có thể sẽ dễ dàng như việc tạo tài khoản với một ngân hàng truyền thống.
Mạng 5G
Thế giới đã nghe về những lợi ích của mạng 5G trong nhiều năm nay. Nhưng phải đến khi làm việc từ xa, hội nghị trực tuyến và hợp tác trên các nền tảng kỹ thuật số trở thành những yếu tố cốt lõi trong cuộc sống năm 2020, nhu cầu về một kết nối đáng tin cậy và băng thông rộng mới trở thành một lợi ích mà nhiều ngượi thực sự cảm nhận được.
Sự phụ thuộc của con người vào điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị khác càng làm nổi bật nhu cầu về đường truyền viễn thông nhiều làn mà các nhà khai thác mạng luôn nhắc tới. Ngày nay, các doanh nghiệp không thể bị ngắt kết nối và việc triển khai mạng 5G đã trở thành một phần quan trọng của giải pháp. Khi thế giới cùng nhau tiếp tục làm việc và học tập từ xa, giá trị của mạng 5G sẽ ngày càng trở nên rõ nét vào năm 2021.
Mặc dù trong giai đoạn đầu, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn việc triển khai mạng 5G mới. Song những nỗ lực này vẫn được tiếp tục và các thị trường lớn như Trung Quốc đã đạt mục tiêu đạt triển khai 5G vào năm 2020.
Trong khi đó, mọi nhà sản xuất thiết bị cầm tay lớn trên thế giới - từ Samsung và Apple đến Xiaomi và Motorola, đã hoặc sắp phát hành các mẫu điện thoại 5G ở nhiều mức giá khác nhau.
Còn Qualcomm - công ty thuộc nhóm dẫn đầu trong công nghệ 5G, hứa hẹn sẽ giúp công nghệ này có giá cả phải chăng cho nhiều người dùng nhất có thể trong năm tới.
Năm 2020 và đại dịch COVID-19 đã để lại những “vết sẹo” khó lành cho thế giới, đồng thời buộc con người phải dựa nhiều hơn vào công nghệ để có thể duy trì kết nối, làm việc, giải trí và giữ gìn sức khỏe.
Sự phát triển của lĩnh vực công nghệ trong năm 2021 sẽ phần nào tiếp nối đà của năm 2020. Nhưng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vẫn có thể mang tới nhiều biến động và xu hướng mới trong năm nay, buộc các doanh nghiệp và người dân sẽ phải thay đổi thói quen trong một thế giới còn tồn tại nhiều bất ổn khó giải quyết.