Những tổ chức đầu tiên lên kịch bản cho VN-Index trong năm 2024
Các kịch bản của thị trường chứng khoán năm 2024
Tại báo cáo triển vọng 2024, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024.
Về dài hạn, VCBS cho rằng Việt Nam sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 và tiếp tục duy trì sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII). VCBS dự báo mức cao nhất VN-Index có thể đạt được trong năm 2024 là vùng 1.300 điểm. Tuy nhiên, cần lưu ý thị trường khả năng sẽ ghi nhận những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những nhịp tăng điểm.
VCBS dự báo giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên có thể đạt khoảng 16.000 – 17.000 tỷ đồng trên cả ba sàn cho cả năm 2024, tương ứng giảm khoảng 5% so với năm 2023. Khối lượng giao dịch bình quân phiên cũng được kỳ vọng giảm khoảng 5% so với năm 2023, tương ứng đạt khoảng 830 – 850 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn.
Tại toạ đàm đầu tư "2024 - Đi lên từ chân sóng", các chuyên gia của CTCP FIDT nhận định TTCK sẽ được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm sau. Một yếu tố khác là Ngân hàng Nhà nước sẽ gia tăng mua ròng ngoại tệ dựa trên dòng USD nhảy vào Việt Nam như xuất khẩu thặng dư, gia tăng FDI và FII. Câu chuyện mua ròng ngoại tệ này sẽ có tác dụng lớn hơn bơm tiền.
FIDT đưa ra 3 kịch bản chỉ số VN-Index 2024. Tại kịch bản lạc quan, VN-Index có thể đạt 1.420 điểm (biên độ dao động 30 điểm) với các điều kiện tiền đề như: kinh tế Việt Nam hồi phục tốt và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ; Kinh tế Mỹ tăng trưởng gần mức tiềm năng dài hạn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề pháp lý thị trường bất động sản và chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng tốt lên, dòng vốn ngoại trở lại mạnh mẽ cho triển vọng nâng hạng.
Trong khi đó, kịch bản cơ sở là VN-Index đạt 1.300 điểm (biên độ 20 điểm) và kịch bản tiêu cực chỉ số sẽ quanh 1.150 điểm (biên độ 20 điểm).
Báo cáo chiến lược 2024 của FinPeace, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư tốt khi bắt đầu bước vào giai đoạn đầu tiên của chu kỳ tăng giá. Bối cảnh 2024 sẽ le lói những gam màu sáng.
Trong trung hạn, VN-Index đang có cấu trúc tích lũy với việc không có đỉnh cao hơn hay đáy thấp hơn tiếp diễn sau mỗi đợt tăng, giảm của thị trường. Điều này củng cố quan điểm của FinPeace về việc thị trường bước vào giai đoạn tích lũy.
Vùng 1.200-1.250 điểm sẽ đóng vai trò kháng cự quan trọng cần được vượt qua của chỉ số để tiếp tục xu hướng tăng dài hạn. Lưu ý, nếu thị trường thủng đáy đóng nến tháng dưới mốc 876 điểm, mọi kịch bản để ra sẽ cần loại bỏ. Trước mốc 876, vùng 960-980 điểm là vùng FinPeace kỳ vọng VN-Index tạo đáy nếu có tiêu cực xảy ra và thị trường vẫn giữ được kịch bản đi ngang biên độ rộng.
Tại buổi chia sẻ mới đây 15/12, đánh giá chung thị trường năm 2024, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI Research, đưa ra kết luận: "Nhìn chung thị trường năm 2024 vẫn sẽ tăng điểm, tuy nhiên mức độ biến động thị trường vẫn sẽ tiếp tục khá cao. Sẽ có những giai đoạn thị trường cần dừng lại để các yếu tố vĩ mô, cơ bản có thể đuổi kịp để có những chuyển biến mới. Ngoài ra, sẽ có sự phân hóa rất lớn giữa các ngành cũng như là các doanh nghiệp trong từng ngành".
ĐI tìm nhóm cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận khả quan
Cũng tại buổi chia sẻ trên, ông Bùi Văn Tốt Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) chỉ ra 6 ngành triển vọng trong 2024 là công nghệ thông tin do giữ được sự tăng trưởng đều đặn hằng năm, bất động sản khu công nghiệp do đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vẫn rất mạnh mẽ. FDI đăng ký mới năm nay đã tăng khoảng 8% so với cùng kỳ;
Bên cạnh đó là một số ngành liên quan đến xuất khẩu. Theo khảo sát của SSI, đơn hàng ở một số công ty xuất khẩu đã bắt đầu tốt trở lại, một phần do đang ở mùa vụ cuối năm. Cụ thể, giá giấy đang ở mức thấp của nhiều năm, khiến các nhà máy giấy phải đóng cửa, ngừng sản xuất do hoạt động không hiệu quả. Do đó, giá giấy kỳ vọng sẽ tăng trở lại và các công ty trong ngành sẽ được hưởng lợi. Ngành săm lốp hưởng lợi từ việc Mỹ áp thuế lên lốp xe tải, xe buýt của Thái Lan. Ngành tôm với các công ty có sản phẩm chế biến sâu và ngành cảng biển...
Theo ông Tốt, ngành bán lẻ dù định giá không rẻ nhưng về dài hạn khi nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng trở lại sẽ được hưởng lợi, đặc biệt ở các công ty có lợi thế cạnh tranh nhất định. Ngành thép đang trong quá trình hồi phục từ đáy, là thời điểm quý III và IV năm 2022. Với ngành công nghiệp, những công ty đa dạng hóa ngành nghề sẽ hoạt động tốt trong năm 2024.
Quan điểm VCBS cho rằng một số nhóm ngành đáng chú ý trong năm 2024 sẽ là các cổ phiếu ngân hàng, bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp và thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào ở hiện tại là yếu tố hỗ trợ về chi phí vốn cho hoạt động tín dụng của ngân hàng, phần còn lại là vấn đề tìm đầu ra. Dù phần lớn các ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối tích cực so với khối doanh nghiệp sản xuất trong năm 2023, sự phân hóa được kỳ vọng sẽ xuất hiện rõ nét hơn trong năm 2024.
Theo đó, những ngân hàng duy trì được chất lượng dư nợ tín dụng tốt, bất chấp bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn chung, sẽ là những lựa chọn đầu tư có rủi ro thấp với mức lợi nhuận chấp nhận được trong năm 2024.
Tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp vẫn là rất lớn đi cùng với quá trình mở rộng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa. VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể sàng lọc và tìm kiếm cơ hội đầu tư đối với những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đã bước sang chu kỳ bán hàng sau khi hoàn thành xong giai đoạn đầu tư.
Để kích thích tăng trưởng kinh tế, Chính phủ sẽ tiếp tục xu hướng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công với trọng tâm là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, theo đó mang đến tác động tích cực cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị của FIDT, thị trường chứng khoán đang ở điểm khởi đầu của một chu kỳ tăng trưởng mới và có nhiều động lực để tăng trưởng trong năm sau. Ông Tuấn cũng nhận định Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi.
Chính vì vậy, ông Tuấn cho rằng các nhóm ngành đang được hưởng lợi nhờ xu hướng này sẽ có nhiều động lực tăng trưởng trong thời gian tới cụ thể như nhóm cổ phiếu xây lắp công trình dầu khí, xây lắp điện và nhóm xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đang có động lực lớn trong 2024 xoay quanh câu chuyện hệ thống KRX được đưa vào hoạt động và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng vào cuối năm sau.
Bàn về triển vọng đầu tư, các chuyên gia của FinPeace đưa ra 3 nhóm ngành được kỳ vọng tăng trưởng cơ bản khả quan trong năm 2024 gồm thép, điện và dầu khí. Trong ngắn và trung hạn, ngành thép, được kỳ vọng tiêu thụ phục hồi đến từ sự ấm lên của thị trường bất động sản toàn cầu. Về dài hạn, ngành thép Việt Nam còn 10 năm trong chu kỳ phát triển tốt.
Ngành điện vẫn trong giai đoạn tăng trưởng mạnh, trung bình 8,5% trong 8 năm tới. Các chuyên gia kỳ vọng sẽ sớm khắc phục được tình trạng thiếu điện năm 2024, khối lượng công việc nhóm xây lắp điện gấp đôi năm 2023.
Tại nhóm dầu khí, FinPeace chỉ ra chu kỳ tăng trưởng mạnh kéo dài 10 năm đã bắt đầu, dự kiến sản lượng tiêu thụ khí gấp đôi trong 7 năm tới. Trong ngắn hạn, câu chuyện ngành vẫn xoay quanh việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Lô B – Ô Môn. Nhóm doanh nghiệp thượng nguồn đảm bảo tăng trưởng ổn định 10 – 15% trong 3 năm tới.