|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khi dòng tiền ngoại, tổ chức chỉ ở vai ‘thủ lĩnh tinh thần’

15:54 | 17/12/2023
Chia sẻ
Nhà đầu tư tổ chức đem lại sự ổn định dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Nhưng thực tế ở Việt Nam, tỷ trọng giao dịch từ các tổ chức, khối ngoại thấp khiến giới phân tích đánh giá chỉ mang hiệu ứng tâm lý.

Cá nhân trong nước giữ vài trò chủ đạo tại Việt Nam

Có thể nói rằng, thành công lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 4 năm trở lại đây là thu hút sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư cá nhân. Thị trường tăng nhanh theo chiều rộng, lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam tăng lên gần 7,3 triệu đơn vị.

Song, việc số lượng tài khoản thực sự giao dịch (active) chắc chắn nhỏ hơn. Việc một công ty chứng khoán đóng gần 1 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán hai tháng qua trong chiến dịch làm sạch dữ liệu của cơ quan nhà nước càng khiến giới đầu tư hoài nghi về con số hơn 7 triệu tài khoản trên.

Tuy vậy, không thể phủ nhận dòng tiền lớn từ người dân đổ vào kênh chứng khoán. Thanh khoản vượt ngưỡng tỷ USD trong nhiều giai đoạn là minh chứng rõ nét nhất.

Dòng tiền của cá nhân trong nước đối ứng giá trị rút ròng khoảng 3 tỷ USD từ các tổ chức nước ngoài trong 4 năm qua. Tỷ trọng trong thanh khoản của nhóm này cũng tăng lên, duy trì ở tỷ lệ trên 80%, có thời điểm đạt quanh ngưỡng 90%.

Trong một số thời điểm, tỷ trọng giao dịch của các tổ chức trong nước hay nước ngoài tăng vọt nhờ giao dịch đột biến hoặc nhờ thanh khoản chung thu hẹp.

Tỷ trọng giao dịch cổ phiếu theo loại nhà đầu tư tại Việt Nam. Nguồn: SHS.

Đơn cử, khi thanh khoản xuống thấp trong tháng 10, tỷ trọng giao dịch của tổ chức nước ngoài tăng từ 6,93% trong tháng trước đó lên 8,05%, nhưng sau đó giảm còn 7,5% trong tháng 11. Tỷ trọng từ cá nhân trong nước mặc dù giảm hai tháng liên tiếp nhưng vẫn áp đảo với tỷ lệ hơn 84%.

Giao dịch cổ phiếu từ các cá nhân nước ngoài chỉ chiếm phần rất nhỏ (dưới 0,5%). Còn với giao dịch chứng khoán phái sinh, tổng giá trị giao dịch từ khối ngoại chỉ chiếm hơn 2% thanh khoản, cập nhật trong tháng 11.

Cấu trúc thiên lệch về nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước khiến chứng khoán Việt Nam khác biệt đáng kể so với các thị trường khác trong khu vực. Từ đây, dòng tiền ngoại, tổ chức ở vai “thủ lĩnh tinh thần”, thay vì mang tính dẫn dắt, tạo sự ổn định cho thị trường theo đúng nghĩa.

Cấu trúc khác biệt tại các thị trường trong khu vực

Nhìn sang thị trường chứng khoán Thái Lan, quy mô vốn hóa khoảng 486 tỷ USD (tính đến ngày 14/12), gấp đôi quy mô 230 tỷ USD của Việt Nam. Quy mô thanh khoản cổ phiếu bình quân trong tháng 11 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan đạt gần 31.000 tỷ đồng, trong khi Việt Nam là gần 19.300 tỷ đồng.

Khác với Việt Nam, sự sôi động của thị trường chứng khoán Thái Lan được tạo nên bởi nhà đầu tư nước ngoài khi khối này chiếm hơn một nửa giá trị giao dịch. Cá nhân trong nước chiếm 1/3 thanh khoản thị trường. Hai nhóm tổ chức nội và khối tự doanh chứng khoán (proprietary trading) cùng chiếm tỷ lệ quanh 8%.

 Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Trên thị trường chứng khoán Thái Lan, khối ngoại rút ròng khoảng 195,1 tỷ baht (5,6 tỷ USD) kể từ đầu năm. Bên mua vào là cá nhân trong nước (3,5 tỷ USD) và tổ chức trong nước (2,1 tỷ USD).

Thị trường bị rút ròng lớn nhưng chỉ số SET khá ổn định với hai phiên tăng trên 2% và một phiên giảm hơn 3%. Trong khi VN-Index có 3 phiên tăng hơn 3%, 3 phiên giảm 3% và 2 phiên chỉ số mất hơn 4% kể từ đầu năm.

Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại cao tại Thái Lan tương đồng với thị trường chứng khoán Nhật Bản. Ghi nhận trong năm 2022, giao dịch qua môi giới tại Nhật là gần 87%, 13% đến từ giao dịch tự doanh, quỹ đầu tư. Trong đó, hơn 70% giao dịch qua môi giới đến từ khối ngoại. Như vậy, ngoại khối đóng góp hơn 61% giá trị giao dịch. Kết quả này đưa Nhật Bản là thị trường có tỷ lệ giao dịch của người nước ngoài cao nhất khu vực.

Trong năm nay, thị trường chứng khoán xứ mặt trời mọc hấp thụ dòng vốn ngoại lớn nhất châu Á với quy mô hơn 37 tỷ USD.

 Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Trở lại khu vực ASEAN, tại hai thị trường Indonesia và Malaysia, dòng tiền ngoại cùng góp 1/3 thanh khoản. Dữ liệu của Indonesia, nội khối chiếm 68% thanh khoản cổ phiếu trong 12 tháng trở lại đây, 32% thuộc về nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu nhìn sâu hơn, cá nhân đóng góp cao nhất với 38% tổng giá trị mua bán cổ phiếu xứ vạn đảo, không quá áp đảo như Việt Nam. Gần 2/3 giao dịch còn lại xuất phát từ các doanh nghiệp, ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các loại hình tổ chức khác.

Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Tại một thị trường phát triển và tham gia sâu rộng vào Việt Nam như Hàn Quốc, nhóm nhà đầu tư phi tài chính chủ yếu là các cá nhân chiếm khoảng 89% giá trị giao dịch thị trường (theo số liệu từ đầu năm 2023 đến ngày 14/12), còn lại đến từ những tổ chức tài chính (quỹ hưu trí chính phủ, ngân hàng đầu tư, quỹ ủy thác, quỹ cổ phần tư nhân).

Giống như Indonesia, cá nhân trong nước đóng góp khoảng 68% giá trị giao dịch cho thị trường tại Hàn Quốc, 20% từ khối ngoại (cá nhân và tổ chức).

Trên thị trường chứng khoán Đài Loan, với dữ liệu 10 năm qua (2013 – 2022), cá nhân trong nước chiếm 59% quy mô giao dịch, phần còn lại là tổ chức trong nước (14,2%) và tổ chức nước ngoài (26,8%). Xu hướng đầu tư qua tổ chức thịnh hành tại Đài Loan tạo nguồn tiền để các tổ chức phân bổ sang Việt Nam những năm gần đây.

Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Bài toán hút vốn tổ chức nước ngoài

Tham chiếu những thị trường trên cho thấy chứng khoán Việt Nam đang đối mặt hai vấn đề về dòng tiền mặc dù được đánh giá tiềm năng, định giá hấp dẫn. Thứ nhất là khối ngoại đang đóng góp tỷ lệ nhỏ trong cấu trúc thanh khoản. Thứ là là sự thiếu vắng dòng tiền từ các tổ chức, trong khi nhà đầu tư cá nhân trong nước giữ vai trò then chốt.

Dòng tiền cá nhân trong nước ở thế thượng phong chính là tác nhân gây ra biến động mạnh trên thị trường bởi đặc tính bất ổn định. Sự hỗn loạn dễ thấy nhất trong giai đoạn thị trường diễn biến mạnh theo một chiều. Tâm lý hưng phấn quá đà hoặc bi quan thái quá từ nhóm nhà đầu tư cá nhân có thể chi phối thị trường chung.

Trong khi việc thu hút dòng vốn ngoại vẫn còn là bài toán nan giải, thị chứng khoán Việt Nam đang phải đối mặt với xu hướng rút ròng từ khối ngoại, phần lớn là các tổ chức. Tính từ đầu năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 3 tỷ USD. Dòng tiền ngoại rời khỏi cổ phiếu niêm yết và các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tại Việt Nam.

Ngoài điểm sáng là dòng tiền từ Đài Loan, nổi bật là hai quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF và CTBC Vietnam Equity Fund, không nhiều cái tên ngoại thực sự gây chú ý trong 4 năm qua.

Mục tiêu thu hút dòng vốn tổ chức nước ngoài được chuyên gia khuyến nghị và cơ quan quản lý thị trường đề cập nhiều lần. Trong công điện mới đây của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển an toàn, hiệu quả, mục tiêu này một lần nữa được đề cập.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tài chính có những giải pháp đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư theo hướng thu hút sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ đầu tư.

Song song với đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu liên bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan quyết liệt triển khai các nhiệm vụ để nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi nhằm hút vốn đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư, tổ chức.

Với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trước năm 2025, 2024 sẽ là năm then chốt. Cùng với việc tạo nguồn hàng hóa mới như nới room ngoại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, nâng hạng sẽ mở ra cơ hội hấp dẫn dòng tiền ngoại. Khi đó, chứng khoán Việt Nam sẽ thoát cảnh “cá lớn nằm trong ao nhỏ” như cách ví của vị lãnh đạo cơ quan quản lý thị trường.

Lợi Hoàng