|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những thủ đoạn 'hút máu' shipper của bọn lừa đảo

23:40 | 10/07/2018
Chia sẻ
Ghi địa chỉ ma, giao hàng ở nơi công cộng, giao sản phẩm vỡ cho shipper rồi bắt đền là những thủ đoạn nhằm vào người giao hàng của bọn bất lương.

Giao hàng vỡ, hỏng cho shipper rồi bắt đền

Nhận một đơn hàng trên phố Bạch Mai, Hà Nội, anh Trần Văn Quyết, sinh viên một trường đại học, hăm hở tới một cửa hàng đồ gia dụng. Theo thỏa thuận từ trước, anh ứng trước 1,8 triệu đồng rồi chở hàng sang Hà Đông với mức thù lao hơn 50.000 đồng.

Đến địa chỉ người nhận, một người đàn ông bước ra, kiểm tra hàng và phát hiện những đồ vật thủy tinh bên trong hộp đã vỡ.

"Quả thực tôi chưa bao giờ nghĩ tới tình huống oái oăm như thế. Tôi không thể biết bình đã vỡ trước hay sau khi tôi nhận hàng. Khoản tiền 1,8 triệu đồng tôi ứng trước mất trắng. Điều khiến tôi bức xúc là người bán không dặn tôi rằng mặt hàng là đồ thủy tinh để tôi cẩn thận hơn. Nhưng tôi nghĩ họ đã bẫy tôi", Quyết tâm sự.

muon ve thu doan hut mau shipper cua bon lua dao
Một shipper lên diễn đàn để cảnh báo mọi người về dấu hiệu của hành vi lừa đảo người giao hàng.

Rút kinh nghiệm từ lần đó, Quyết luôn yêu cầu người bán cho anh kiểm tra hàng trước khi nhận.

"Nếu khách nói rằng tôi không thể kiểm tra vì hàng nhạy cảm hoặc dễ vỡ, tôi sẽ từ chối nhận. Tôi cũng không dám nhận hàng nếu người bán bọc sản phẩm bằng nhiều lớp vỏ hoặc băng keo", Quyết nói.

Đóng gói hàng rẻ tiền rồi chiếm đoạt tiền ứng trước của shipper

Từng trải qua nhiều vụ lừa đảo, Đoàn Xuân Kế, một shipper làm việc cả ngày, khẳng định việc người giao hàng phải ứng tiền trước để nhận hàng đã dẫn đến nhiều chiêu trò tinh vi của những kẻ bất lương.

"Bọn lừa đảo có thể đóng gói mỹ phẩm, hàng điện tử, quần áo rẻ tiền rồi thuê shipper giao hàng tới địa chỉ ma. Chúng đợi shipper ở nơi không phải là nhà của chúng, rồi bắt chúng tôi ứng tiền với giá cao gấp nhiều lần giá trị đơn hàng. Khi shipper tới nơi, gọi điện cho người nhận thì không thể liên lạc, còn địa chỉ do người bán bịa ra. Lúc ấy, shipper gọi điện cho kẻ giao hàng thì cũng không thể liên lạc. Lựa chọn duy nhất lúc ấy là đem hàng về nhà để dùng hoặc vứt", Kế thổ lộ.

Lâm Quang Vũ, một người giao hàng để kiếm thêm ở Ngọc Hồi, Hà Nội, từng mất tới 800 nghìn đồng cho một lọ dầu gội đầu.

"Một thanh niên giao hàng cho tôi khá muộn ở Chùa Bộc. Vì lúc ấy đồng hồ đã điểm 22h và khách có mùi nước hoa thơm phức, mặc áo vest nên tôi mất cảnh giác, không để ý rằng gã đứng trước một cửa hàng của người khác để gặp tôi. Gã yêu cầu tôi ứng trước 800 nghìn đồng và nói hàng là một lọ dầu gội đầu xịn. Tôi gọi điện thoại cho người nhận và có người nghe máy. Nhưng khi đến địa chỉ là số nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, tôi hoảng hốt khi thấy đó là một chung cư. Tôi gọi điện thoại cho cả người nhận lẫn người giao hàng, nhưng hai máy đều tắt. Khi về nhà, tôi kiểm tra lọ dầu gội đầu và thấy nó chỉ là loại cực kỳ rẻ tiền", anh kể.

muon ve thu doan hut mau shipper cua bon lua dao
Một tài xế Grab giao hàng cho khách ở Hà Nội. Ảnh: Nhạc Dương

Phùng Đức Tú, một shipper ở quận Hà Đông (Hà Nội), nói rằng một số kẻ lừa đảo có thể vượt qua sự cảnh giác của shipper bằng cách mặc quần áo chỉn chu và chỉ yêu cầu ứng số tiền nhỏ.

"Phần lớn những kẻ lừa đảo mà cộng đồng shipper bóc phốt đều trưng ảnh khá đẹp trên Facebook, Zalo. Còn khi gặp shipper, chúng thường mặc quần áo sang trọng, thanh lịch và thậm chí có mùi nước hoa", Tú nhận định.

Minh Hiếu, một người giao hàng khác, cũng từng gặp kẻ lừa đảo có diện mạo bảnh bao.

"Gã đó hẹn gặp tôi ở tòa nhà Vincom trên phố Bà Triệu, nói rằng gã làm quản lý bán hàng thời trang của Zara trên tầng 2 của tòa nhà. Khi tôi yêu cầu xem hàng, gã nói sản phẩm là khăn Zara nên tem có thể rách nếu tôi xé gói hàng. Tôi gọi số điện thoại của người nhận nhưng không ai nghe máy. Gã bảo tôi khách sẽ lấy hàng lúc 8h tối, nghĩa là tôi còn gần một giờ nữa. Nhìn gã tôi thấy quần áo sang trọng, dáng vẻ giống người quản lý, nhưng vì gọi cho người nhận 4 lần không được nên tôi không nhận hàng. Sau này nhiều shipper tố cáo gã đó lừa đảo", Hiếu tường thuật.

Ghi địa chỉ sai hoặc không tồn tại

"Hôm 25/5, tôi nhận một đơn từ Hà Đông tới số nhà 26, ngõ 562 đường Láng. Khách là một thanh niên mặc quần âu, áo sơ mi, đeo kính, có vẻ trí thức. Anh ta chỉ yêu cầu tôi ứng 450 nghìn đồng. Tôi đã gọi số điện thoại người nhận ngay trước mặt anh ta và có người trả lời. Nhưng khi tới ngõ 562 đường Láng, tôi phát hiện số nhà 26 không tồn tại. Khi đó, tôi gọi vào số điện thoại của người nhận thì không thể liên lạc. Mở gói hàng, tôi thấy bên trong là mấy quần, áo rẻ tiền", Tú nói.

Trong nhiều trường hợp, kẻ lừa đảo sẵn sàng để shipper chụp chứng minh thư nhằm làm tăng độ tin cậy. Trương Văn Đảng, một người giao hàng sống ở quận Long Biên, Hà Nội, từng nhận hàng ở một ngõ thuộc phố Nguyễn Văn Cừ. Khách yêu cầu Đảng ứng 1,7 triệu đồng và thù lao cho quãng đường khoảng 6 km là 80 nghìn đồng.

"Quãng đường ngắn mà thù lao lại cao nên tôi rất phấn khởi, thành ra không để ý chuyện gã kia đứng ở đầu ngõ. Khi tới điểm đến, tôi gọi điện thoại cho người nhận (tên Trường) và không ai nghe máy. Chột dạ, tôi gọi cho gã kia thì gã tắt máy. Khi hỏi những người sống ở địa chỉ mà người thuê nêu thì họ nói họ không đặt đơn hàng nào và trong nhà không có ai tên Trường", Đảng kể.

Cũng với thủ đoạn tương tự, một kẻ lừa đảo đã chiếm đoạt số tiền ứng trước 1,4 triệu đồng của Thanh Liêm, một sinh viên, khi thuê anh giao hàng tới số nhà 12, ngách 59, ngõ 10 đường Tôn Thất Tùng, Hà Nội.

"Khi tới ngõ 10, tôi nhận thấy ngách 59 không tồn tại. Lúc ấy tôi mới nghĩ tên kia lừa tôi, nhưng đã muộn. Điện thoại của cả người nhận và người giao hàng đều tắt", anh tâm sự.

Lợi dụng cửa hàng để lừa shipper

Vũ Anh Thư là chủ một cửa hàng đồ điện tử ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Một hôm, chị thấy một cô gái bước vào cửa hàng, mua khá nhiều USB, thẻ nhớ với tổng giá trị hơn 900 nghìn đồng. Nhưng sau đó cô gái lại yêu cầu chị ghi hóa đơn trị giá 3 triệu đồng.

"Cô gái đó nói với tôi rằng cô ta mua cho công ty nên nâng giá để hưởng chênh lệch. Vì không ảnh hưởng gì tới tôi nên tôi làm theo", Thư kể.

Sau đó, cô gái gọi một shipper tới để vận chuyển hàng và yêu cầu anh chàng giao hàng ứng 3 triệu đồng.

"Đến khi shipper quay trở lại vì không gọi được cho người nhận hàng, tôi mới biết cậu ấy bị lừa và tôi đã vô tình tiếp tay cho kẻ bất lương", Thư thừa nhận.

Hà Quốc Tiệp, một shipper sống ở khu vực quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tiết lộ rằng, để tránh những chiêu lừa đảo tương tự, anh luôn hỏi chủ cửa hàng rằng họ là người giao hàng hay không.

"Với những đơn hàng có giá trị lớn hơn 500 nghìn đồng, tôi luôn yêu cầu xem từng món, rồi kiểm tra giá trên Google xem mức chênh lệch. Nếu mức chênh lệch quá lớn, tôi sẽ từ chối", Tiệp nói.

Để giảm thiểu rủi ro, nhiều kẻ lừa đảo vẫn thực hiện trò mua sản phẩm ở cửa hàng rồi gọi shipper, nhưng chúng không trực tiếp tới cửa hàng. Sau khi đặt hàng qua điện thoại và nhờ chủ cửa hàng nâng giá trong hóa đơn, chúng gọi shipper tới rồi yêu cầu shipper đưa tiền ứng cho chủ cửa hàng. Nếu shipper sập bẫy, chúng lại thuê một người khác tới cửa hàng để thu tiền chênh. Với cách làm như thế, chúng luôn thoát hiểm nếu shipper phát hiện trò lừa.

muon ve thu doan hut mau shipper cua bon lua dao
Câu chuyện của một shipper mắc bẫy kẻ lừa đảo trên Facebook.

"Bọn lừa đảo theo cách đó luôn dặn shipper nhắn tin ngay cho chúng khi nhận hàng. Sau khi nhận tin nhắn, chúng sẽ tới cửa hàng để lấy tiền chênh. Thông thường chúng luôn chờ sẵn ở một nơi rất gần cửa hàng", Phan Hải Đăng, một người giao hàng bán thời gian, phân tích.

Đăng nhận định rằng nhiều chủ cửa hàng biết chiêu trò lừa shipper của bọn bất lương, nhưng vì muốn kiếm lợi nhuận nên họ làm ngơ. Ngay cả khi chủ cửa hàng thông đồng với bọn xấu, shipper cũng chẳng thể làm gì vì họ không có bằng chứng.

Do tình trạng lừa đảo tràn lan, giới giao hàng rơi vào tình thế nan giải: Nếu khách nhờ shipper đi quãng ngắn và trả thù lao cao, họ sẽ nghĩ đó là trò lừa. Nhưng nếu khách nhờ shipper đi quãng dài và thù lao thấp, họ sẽ không muốn nhận.

Xem thêm

Nhạc Dương