|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cướp khách của đồng nghiệp: Nỗi nhức nhối của tài xế Grab

18:17 | 19/06/2018
Chia sẻ
Hiện tượng cướp khách của đồng nghiệp đang trở nên phổ biến trong giới tài xế Grab và nhiều người buộc phải coi nó là một phần của cuộc sống.
cuop khach cua dong nghiep noi nhuc nhoi cua tai xe grab 'Vắng khách không phải do Grab tăng giá, mà vì tài xế quá đông'

Đặt một cuốc xe trên ứng dụng Grab từ phố Quan Nhân tới bến xe Giáp Bát trong tâm trạng vội vàng, chị Quyên nhanh chóng tới điểm hẹn tài xế. Đang chờ, chị thấy một thanh niên mặc đồng phục Grab chạy qua. Nghĩ rằng đó là tài xế Grab đã nhận cuốc trên ứng dụng, chị vẫy cậu ta. Chỉ đến khi xe chạy một lát, một cuộc gọi khiến Quyên nhận ra chị đã ngồi lên xe của tài xế khác.

"Tôi cảm thấy áy náy nhưng vì xe đã chạy nên đành chịu. Cậu kia nhờ tôi hủy chuyến với giọng khá buồn", chị kể.

Nỗi nhức nhối của giới tài xế

Cướp khách không còn là hiện tượng mới trong giới xe ôm công nghệ, bởi nó xảy ra ngay từ khi Uber, Grab bắt đầu hiện diện ở Việt Nam.

"Thời buổi này, làm xe ôm mà không cướp khách thì chết đói là chắc", Nguyễn Thành Cung, một tài xế Grab ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, nhận định.

cuop khach cua dong nghiep noi nhuc nhoi cua tai xe grab
Trong những vụ cướp khách, hành động tử tế nhất của các tài xế là cầm điện thoại của khách để hủy chuyến của đồng nghiệp. Ảnh: Nhạc Dương

Là một sinh viên, Cung hợp tác với Grab từ đầu năm 2017. Ban đầu, chàng sinh viên cảm thấy sốc mỗi khi đồng nghiệp cướp khách của cậu. Nhưng bây giờ, cậu cảm thấy bình thường.

"Đương nhiên tôi vẫn bực mỗi khi khách nhảy lên xe người khác. Nhưng cảm giác đó nhanh chóng tiêu tan. Tôi nghĩ rằng những người cướp khách của tôi cũng vì cuộc sống mưu sinh. Bản thân họ cũng sẽ bị đồng nghiệp khác cướp khách", Cung bình luận.

Khuất Văn Bình, một tài xế GrabCar ở Hà Nội, kể rằng hầu như tuần này anh cũng gặp tình huống khách đã hẹn anh nhưng lại ngồi lên xe khác.

"Điều an ủi duy nhất của tôi trong những tình huống ấy là đồng nghiệp cướp khách hướng dẫn khách hủy chuyến của tôi một cách tận tình", Bình nói.

Việt nói anh chỉ lái xe để kiếm thêm nên không bao giờ cướp khách của người khác.

"Cá nhân tôi nghĩ phần lớn tài xế cướp khách làm việc toàn thời gian và coi lái xe ôm là nghề chính", anh nhận định.

Từng bị đồng nghiệp đoạt khách nhiều lần, giờ đây Lâm Khánh Trình, một tài xế Grab ở TP Hồ Chí Minh, cũng sẵn sàng "vợt" khách của tài xế khác nếu gặp cơ hội.

"Nếu đang trao đổi với khách mà tài xế kia xuất hiện, tôi sẽ nói tôi nhầm khách. Tôi chưa gặp rắc rối lần nào vì chuyện đó", Trình khẳng định.

cuop khach cua dong nghiep noi nhuc nhoi cua tai xe grab
Những vị khách đứng dọc đường là mục tiêu phù hợp để những tài xế có ý định cướp khách mời chào. Ảnh: Nhạc Dương

Trình nói thêm rằng phần lớn khách chấp nhận ngồi xe khác nếu họ phải chờ lâu. "Khách thường nói với tôi, họ chỉ muốn chờ tài xế trong khoảng 5-10 phút", anh nói.

Lần gần nhất Đinh Đức Thọ, một tài xế GrabCar ở TP Hồ Chí Minh, mất khách bởi đồng nghiệp diễn ra vào ngày 14/6.

"Cuốc xe đáng bao nhiêu đâu, chỉ hơn 40 ngàn đồng. Vậy mà người ta cũng giành của tôi", Thọ than vãn.

Nhiều tài xế cảm thấy rất tệ nếu đồng nghiệp "vợt" khách của họ những hôm trời mưa hoặc vào thời gian cao điểm.

"Một đêm trời mưa to, nhưng vì cả ngày tôi chỉ kiếm được vài chục ngàn nên vẫn phóng xe tìm khách. Nhận được một cuộc, tôi mừng lắm, phóng thật nhanh tới để khách không phải chờ lâu. Nhưng khi tôi tới nơi, khách đã nhảy lên xe tài xế khác khiến tôi cảm thấy tủi thân vô cùng", Trương Quân Bảo, một tài xế ở Hà Nội, kể.

Đương nhiên, không phải mọi vụ cướp khách đều diễn ra trót lọt. Tạ Xuân Phương, một tài xế Grabbike ở TP Hồ Chí Minh, kể rằng một đồng nghiệp từng đoạt khách ngay trước mặt anh.

"Khi phát hiện khách ngồi nhầm xe, tôi kịp chụp ảnh biển số xe kia rồi gọi điện cho khách để báo. Khi khách bảo cậu ta dừng lại vì nhầm xe, cậu ta không làm theo. Bực quá nên tôi đuổi theo và chặn đầu xe. Lúc ấy, thấy tôi cao lớn nên cậu ta có vẻ sợ, nói rằng cậu ta không biết rồi xin lỗi. Tôi dọa rằng tôi sẽ báo vụ việc lên tổng đài thì cậu ta lại nài nỉ tôi không làm vậy", Phương nói.

Trước đây tài xế Grab còn nhường khách cho nhau

Lê Việt Bách, một người từng chạy GrabBike ở TP Hồ Chí Minh, nói rằng 2 năm trước, khi anh còn hành nghề, văn hóa của tài xế Grab rất tốt.

"Hồi đó anh em tài xế sẵn sàng nhường khách cho nhau. Tôi không hiểu tại sao hiện giờ họ lại sẵn sàng giành khách của đồng nghiệp", Bách nhận xét.

cuop khach cua dong nghiep noi nhuc nhoi cua tai xe grab
Lời tâm sự của một tài xế Grab ở Hà Nội sau khi bị đồng nghiệp cướp khách.

Dương Hữu Thỉnh, một tài xế GrabCar ở Hà Nội, cũng kể rằng hồi năm 2016, tài xế kiếm tiền dễ hơn nhiều và tình trạng cướp khách hiếm khi xảy ra.

"Thậm chí hồi ấy, nếu khách bước lên nhầm xe, chúng tôi sẽ bảo khách xuống để chờ tài xế mà họ gọi. Nhiều cuốc có giá tới hàng trăm nghàn, nhưng tôi không ham vì cơ hội còn nhiều, chẳng việc gì phải thực hiện hành vi thất đức", Thỉnh tâm sự.

Hà Chí Vũ, một tài xế GrabCar ở Hà Nội, nhận định hiện tượng cướp khách trở nên phổ biến hơn do số lượng tài xế Grab tăng vọt.

"Số lượng tài xế tăng theo cấp số nhân nên cơ hội trở nên rất nhỏ. Thực tế ấy khiến nhiều tài xế phải cướp khách của đồng nghiệp hòng tăng thu nhập", Vũ giải thích.

Cách để hạn chế nguy cơ bị cướp khách

Lương Bách Thắng, một tài xế GrabCar ở TP Hồ Chí Minh, nói rằng anh từng mất khách vì không báo cho khách đặc điểm nhận dạng của xe.

"Vì tài xế không nói đặc điểm nhận dạng nên một số khách dễ nhầm với người khác. Mỗi khi tới đón khách, tôi thường nói ô tô của tôi là Innova màu đỏ, có hai số cuối là 33 trên biển", Thắng kể.

Tương tự, Ngô Quốc Vinh, một tài xế GrabBike ở Hà Nội, cũng thừa nhận nguy cơ mất khách sẽ tăng cao nếu họ không biết đặc điểm nhận dạng của tài xế.

"Không chỉ mô tả loại xe, màu sắc, tôi còn luôn nói qua điện thoại rằng tôi sẽ tới trong vòng 5 phút. Nếu cảm thấy không thể tới trong 5 phút, tôi sẽ nói trước để khách thông cảm và chờ lâu hơn. Trong phần lớn trường hợp, khách thông cảm chứ không có ý kiến gì", Vinh nói.

Xem thêm

Luân Thường