Những thách thức chờ đón tân Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú
'Ghế nóng' Chủ tịch HĐQT BIDV đã có chủ sau hai năm bỏ trống |
Ngày 15/11, "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Đầu tư Việt Nam (BIDV - Mã: BID) chính thức có chủ nhân mới là ông Phan Đức Tú, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ngân hàng. Vị trí này bị bỏ trống hơn hai năm sau khi ông Trần Bắc Hà về hưu.
Với trọng trách cầm lái con tàu BIDV, vị tân Chủ tịch này sẽ đối mặt với không ít thách thức như kế hoạch tăng vốn, phát hành vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài, xử lý nợ xấu, áp dụng Basel II, niêm yết cổ phiếu ở thị trường quốc tế....
Tân Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú (Ảnh: Báo Nghệ An) |
Đón cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên
Thách thức trước mắt của BIDV là việc tăng vốn, giảm tỉ lệ sở hữu của Nhà nước xuống tối thiểu 65% và lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài. Hiện tỉ lệ sở hữu vốn của NHNN ở BIDV là 95,28%.
Sau nhiều năm lên kế hoạch, BIDV cuối cùng đã chốt được thoả thuận hợp tác với đối tác ngân hàng Hàn Quốc là KEB Hana Bank. Quá trình làm việc với đối tác này đã bắt đầu từ hai năm trước nhưng mãi tới thời điểm hiện tại mới được công bố rộng rãi.
NHNN làm việc với Tập đoàn Tài chính Hana trước thềm bán vốn BIDV | |
[Phần 2] Hana Financial Group kinh doanh ra sao và tham vọng 'Vành đai Hana châu Á' |
Cơ cấu cổ đông của BIDV tại 31/12/2017 (Nguồn: BIDV) |
Chính phủ đã chấp thuận đề án phát hành 17,65% cổ phiếu đang lưu hành của BIDV cho đối tác chiến lược, số lượng phát hành riêng lẻ là hơn 603 triệu cổ phiếu, thời gian dự kiến từ quí IV/2018 đến 2019.
Trước đó, kế hoạch tăng vốn của ngân hàng không cho thấy tiến triển khả quan. Và lí do mà BIDV đưa ra là điều kiện thị trường không thuận lợi và tiến độ phê duyệt của các cơ quan quản lí kéo dài.
Hiện BIDV đang xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài này.
Theo ước tính của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC - Mã: HCM) giá trị thương vụ khoảng 800 triệu USD với thị giá 30.000 đồng/cp, tương đương 30% của vốn cấp 1 của BIDV (61.000 tỉ đồng)
Có thể thấy, thời điểm nhận chức của Chủ tịch Phan Đức Tú là mốc thời gian quan trọng của BIDV khi chuẩn bị đón nhận đối tác chiến lược nước ngoài đầu tiên. Sự kiện này sẽ tạo ra nhiều triển vọng của ngân hàng thời gian tới đối với nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Tăng hệ số CAR theo chuẩn Basel II
Theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2020, BIDV sẽ phải đưa tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn mực Basel II. Việc bán vốn cho KEB Hana Bank, tăng vốn lên 40.220 tỉ đồng cũng là một bước hỗ trợ cho việc áp dụng Basel II.
Nếu thương vụ thành công, BIDV sẽ có thêm dư địa để huy động thêm 9.000 tỉ đồng vốn cấp 2 bằng trái phiếu (bằng 50% vốn cấp 1 tăng thêm). Ngân hàng đã không còn dư địa phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 từ năm 2017. Theo đó, CAR tính theo Basel I có thể tăng từ 9% lên 10,7%.
Ngày 13/11 mới đây, BIDV đã công bố hồ sơ phát hành 4.000 tỉ đồng trái phiếu ra công chúng. Trong đó, bao gồm 3.000 tỉ trái phiếu kì hạn 7 năm và 1.000 tỉ đồng trái phiếu 10 năm.
Trước đó, BIDV cũng đã thu về 3.450 tỉ đồng thông qua hai đợt phát hành trái phiếu kì hạn 2 năm trong năm 2018. Ngoài ra, trong tháng 9, ngân hàng cũng đã phát hành 580 tỉ đồng trái phiếu đợt 3 và 4/2018 gồm 500 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 7 năm và 80 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 12 năm.
Ngoài ra, theo kế hoạch đã được phê duyệt BIDV dự kiến phát hành gần 171 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ (theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu, quy mô 5% vốn điều lệ tại thời điểm cuối năm 2017) và gần 171 triệu cổ phiếu cho người lao động.
Sau khi hoàn thành các đợt phát hành, BIDV sẽ nâng vốn điều lệ từ 34.187 tỷ lên 43.638 tỷ đồng (tăng 28% so với 2017). Nguồn vốn thu được dùng để bổ sung cho các hoạt động kinh doanh của BIDV.
Mục tiêu lãi trước thuế 9.300 tỉ đồng trong năm 2018
Năm 2018, BIDV đặt mục tiêu lãi trước thuế 9.300 tỉ đồng, tín dụng tăng trưởng tối đa 17%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2% và mức chi trả cổ tức khoảng 5 - 7%.
Ngân hàng đặt mục tiêu gia tăng tỷ trọng dư nợ tín dụng bán lẻ trên tổng dư nợ và chuyển dịch cơ cấu các nguồn thu nhập chính, tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng gấp 1,3 - 1,4 lần so với đầu kỳ. Đến năm 2020, vốn chủ sở hữu gấp 2 lần hiện tại, nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh các biện pháp xử lý thu hồi nợ xấu, nợ ngoại bảng, nợ bán VAMC.
9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế BIDV đạt hơn 7.254 tỉ đồng, tăng gần 31% so với cùng kì năm trước và bằng 78% kế hoạch năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,8% đạt hơn 968.752 tỉ đồng. Số dư tiền gửi của khách hàng tăng trưởng 10,9% lên hơn 953.512 tỉ đồng.
Tổng thu nhập ngoài lãi trong 9 tháng đã tăng 51,9% so với cùng kì đạt 7.250 tỉ đồng chủ yếu nhờ lãi thuần kinh doanh ngoại hối tăng, lãi thuần mua bán chứng khoán tăng 3 lần, thu nhập từ thu hồi nợ xấu tăng gấp 2 lần.
Soi cơ cấu nợ xấu các 'ông lớn' ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank |
Tỷ lệ nợ xấu của BIDV đến 30/9 là 1,76%, ở mức bình thường trong hệ thống và dưới mức kế hoạch nhưng đây cũng là tỉ lệ nợ xấu cao nhất nhóm ba "ông lớn" cùng với Vietcombank và VietinBank. BIDV là ngân hàng duy nhất trong nhóm vẫn còn nợ xấu tại VAMC trong khi hai ngân hàng còn lại đã xử lý sạch sẽ.
Đã có 3.091 tỉ đồng nợ xấu mới phát sinh trong 9 tháng đầu năm và chủ yếu được đưa vào nợ nhóm 4 và nhóm 5. Tuy nhiên nợ nhóm 2 giảm từ 3,49% xuống còn 2,74% trên tổng dư nợ, tương đương giảm 3.727 tỉ đồng.
HSC giữ nguyên mức dự báo lợi nhuận trước thuế BIDV trong năm 2018 là 9.882 tỉ đồng, tăng 14% so với năm trước và vượt 6% so với kế hoạch. Mức tăng trưởng cho vay dự kiến 14%; huy động khách hàng là 18,5%; tỷ lệ NIM từ 2,9% xuống còn 2,81%. Đáng chú ý, HSC cho rằng thu nhập ngoài lãi của BIDV năm nay khả năng tăng lên 8.996 tỷ đồng.
Ngoài những mục tiêu thách thức trên, đến năm 2020, BIDV phấn đấu trở thành ngân hàng đẳng cấp hàng đầu khu vực Đông Nam Á, lọt Top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á. Ngân hàng cũng chuẩn bị các điều kiện tiền đề để tiến tới niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.