Những sự kiện nổi bật của ngành ngân hàng trong năm 2016
Đã xử lý được khoảng 95.000 tỷ đồng nợ xấu
Hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý khoảng 95.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong tổng số nợ xấu đã xử lý đó, nợ qua thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm chiếm khoảng 52,6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý, bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26.6% và bán cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) chiếm 21%.
Lần đầu tiên Việt Nam có 41 tỷ USD dự trữ ngoại hối
Đến thời điểm này, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 41 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Nhiều ngân hàng nước ngoài đánh giá, việc cải thiện nhanh dự trữ ngoại hối giúp Việt Nam chủ động hơn trong ứng phó với những tình huống rủi ro.
Lượng dự trữ ngoại hối kỷ lục này thể hiện vị thế đối ngoại của Việt Nam, cũng như khả năng trả nợ và lượng dự trữ cần thiết để ứng phó với biến động rủi ro trên thương trường quốc tế; giúp cho Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực để can thiệp vào chính sách tỷ giá ở những thời điểm cần thiết. Nó cũng là niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào giá trị tiền đồng Việt Nam, ổn định lạm phát trong thời gian tới.
Hoàn thành giải ngân gói 30.000 tỷ đồng
Điểm nhấn của những gói tín dụng an sinh xã hội là ngành ngân hàng đã hoàn thành nhiệm vụ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà thu nhập thấp vào đúng ngày chót của năm 31/12/2016.
Trong đó, đã giải ngân lũy kế đối với nhóm khách hàng cá nhân (khách hàng có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, mua và thuê nhà ở thương mại chuyển đổi công năng, đầu tư cải tạo/xây dựng nhà ở của mình) là 23.845 tỷ đồng đạt 92,5% cam kết cho vay (25.789 tỷ đồng), dư nợ đạt 20.650 tỷ đồng.
Đã giải ngân lũy kế đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp: (gồm khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội): 5.395 tỷ đồng, dư nợ đạt 3.516 tỷ đồng.
Mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay ổn định
Mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay đều ổn định thậm chí đã giảm được từ 1-2% theo đúng định hướng của Chính phủ. Hiện, lãi suất huy động tiền đồng phổ biến ở mức 0,8%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5%-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Lãi suất cho vay nội tệ cũng không có nhiều thay đổi. Các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9%-10%/năm, đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường trung và dài hạn ở mức 9,3%-11%/năm.
Mất tiền trong tài khoản gây hoang mang dư luận
Năm 2016, đã xảy ra một số vụ tiền gửi tài khoản của khách hàng "không cánh mà bay." Điển hình là vụ khách hàng mất 500 triệu trong tài khoản của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh mất 100 triệu đồng trong tài khoản của Agribank; khách hàng Ngô Phương Anh bị mất 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại BIDV chi nhánh Tây Hồ....
Mặc dù chưa biết đúng sai thế nào nhưng điều này ít nhiều gây hoang mang dư luận vì trên thực tế, người dân gửi tiền vào tài khoản ngân hàng vì sự tin tưởng một nơi để gửi gắm an toàn, cũng như mong muốn có thêm lãi suất từ số vốn của mình.
10 ngân hàng thí điểm thực hiện Basel II
Ngân hàng Nhà nước giao 10 ngân hàng thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, bao gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB. Đến năm 2018, cả 10 ngân hàng trên sẽ hoàn thành việc thí điểm này, sau đó sẽ mở rộng áp dụng Basel II với các ngân hàng thương mại khác trong nước.
Thông qua triển khai Basel, các ngân hàng không chỉ thu được những lợi ích thiết thực từ nền tảng quản trị rủi ro tốt mà còn nâng cao vị thế và hình ảnh của mình trên thị trường, với đối tác, với các nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý. Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), triển khai tốt Basel II còn giúp các ngân hàng có cơ hội gia tăng tỷ suất lợi nhuận, hiệu quả sử dụng vốn.