|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Những sự kiện nhà đầu tư cần lưu ý khi mua cổ phiếu trong tháng 8

17:35 | 04/08/2020
Chia sẻ
Theo Chứng khoán BSC, một số sự kiện có thể ảnh hưởng đến thị trường như KQKD quí II không quá tiêu cực, hỗ trợ thị trường hình thành mặt bằng giá cao hơn đáy trước, tăng trưởng các quốc gia chủ chốt sụt giảm nghiêm trọng trong dịch bệnh Virus COVID-19 tiếp tục gia tăng.

Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) vừa công bố báo cáo đánh giá thị trường chứng khoán tháng 7 và nhận định thị trường tháng 8. Theo đó, công ty đưa ra một số sự kiện có thể ảnh hưởng đến thị trường trong tháng này.

Những sự kiện nhà đầu tư cần lưu ý khi mua cổ phiếu trong tháng 8 - Ảnh 1.

Nguồn: BSC

Tăng trưởng các quốc gia chủ chốt sụt giảm nghiêm trọng trong dịch bệnh Virus COVID-19 tiếp tục gia tăng

Ngoại trừ Trung Quốc có mức tăng trưởng tích cực 3,2% trong quí II nhờ sớm kiểm soát dịch bệnh vào cuối quí I, các nền kinh tế chủ chốt khác đều có mức sụt giảm tăng trưởng mạnh trong quí II. GDP Mỹ quí II giảm 9,5% so với quí I/2020 nhưng sụt giảm 9,54% so cùng năm trước, mức giảm lớn nhất trong lịch sử. Đóng góp lớn nhất vào mức sụt giảm đến từ chi tiêu cá nhân chiếm 2/3 GDP giảm 10,7% so cùng

Tăng trưởng GDP quí II của Đức giảm 10,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1970. Mức suy giảm mạnh đến từ xuất khẩu, chi tiêu tiêu dùng và đầu tư. Gói kích thích kinh tế 130 tỉ euro cũng chưa giúp quốc gia này sớm ổn định kinh tế.

Mỹ và EU tiếp tục tìm mọi cách để vực dậy nền kinh tế sau những suy giảm nghiêm trọng trọng. FED tiếp tục giữ mức lãi suất ở mức 0 và cam kết sử dụng tất cả công cụ hỗ trợ kinh tế. EU cũng đã thông qua gói hỗ trợ kinh tế 750 tỉ euro trong giai đoạn hậu COVID-19 và ngân sách 1.000 tỉ euro trong 7 năm tới. 

Tuy nhiên, các chính sách quyết liệt về tiền tệ và tài khóa vẫn chưa sớm giúp các quốc gia có thể phục hồi khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 đang lan rộng. Mỹ vẫn là vùng tâm dịch khi có chiếm 27% ca nhiễm và 23% ca tử vong trên toàn cầu. Số ca lây nhiễm mới tăng lên mức bình quân 70.000 ca nhiễm mới/ngày trong ba tuần qua đã làm cho 27 bang tạm dừng và rút kế hoạch mở cửa. Diễn biến này kìm hãm đà hồi phục mạnh vào tháng 5 và tháng 6.

Đơn thất nghiệp lần đầu tăng tuần thứ 2 liên tiếp. Chủ tịch FED trong cuộc họp chính sách cuối tháng 7 cũng nhận định về việc dịch bệnh quay trở lại gây áp lực lên hoạt động kinh tế, các dữ liệu cho thấy nhịp độ tăng trưởng chậm lại. 

Khu vực Eurozone kiểm soát dịch bệnh tốt hơn Mỹ khi mở cửa lại nền kinh tế tuy nhiên khu vực này dự báo tăng trưởng âm 10% trong quí II. Số liệu mới mức về mức tăng trưởng âm 10,1% của Đức, quốc gia đầu tầu khu vực Châu Âu, phản ánh sự khó khăn chung của khu vực hồi phục sau dịch bệnh.

Mỹ và EU đều là các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt nam. Sự khó khăn của các khu vực này là tín hiệu kém khả quan cho lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong quí III và cả nửa sau của năm 2020. 

Động lực tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững trong tháng 7, khó khăn trong những tháng cuối năm khi dịch bệnh trở lại

Sau khi hồi phục vào tháng 5 và tăng tốc trong tháng 6, các động lực kinh tế có dấu hiệu chững trong tháng 7, theo đó (1) Chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 3,6% so với tháng 4 và tăng 1,1% cùng năm trước. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, mức tăng thấp nhất nhiều năm; (2) Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 3,3% so với tháng 6, tính chung 7 tháng giảm 0,4% so cùng kì; (3) Tổng kim ngạch XNK tháng 7 giảm 1,3% so cùng kì; (4) 7 tháng, Vốn FDI giảm 6,9% so cùng kì; (5) Chỉ số CPI tháng 7 tăng 0,4% tháng trước, và tăng 4,07% bình quân 7 tháng so cùng kì năm trước.

Điều này cho thấy dịch bệnh vẫn đang ảnh hưởng đến tiêu dùng nội địa và quốc tế qua đó làm chậm đà hồi phục trong lĩnh vực sản xuất. 

Một vài điểm sáng vẫn được ghi nhận trong tháng 7 gồm: (1) Số doanh nghiệp mở mới tháng 7 giảm 3,8% số lượng và tăng 72% về vốn đăng kí. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng 17,6%; (2) Vốn thực hiện ngân sách nhà nước tăng tăng 51,8% so với cùng kì năm ngoái, cao nhất trong 5 năm, tính gộp 7 tháng mức giải ngân đạt 42,7% kế hoạch và tăng 27% so cùng kì. 

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến các đối tác thương mại chủ chốt và đã quay trở lại cộng đồng tại Việt Nam sau hơn 3 tháng, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt sẽ có xáo trộn qua đó kìm hãm đà hồi phục tăng trưởng nền kinh tế. 

Khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế đang yếu còn có thể bị co hẹp khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được tăng cường. Giải ngân đầu tư công sẽ tâm điểm 6 tháng cuối năm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

KQKD quí II không quá tiêu cực, hỗ trợ thị trường hình thành mặt bằng giá cao hơn đáy trước

Tính đến 31/7 đã có 615 công ty, chiếm tỉ lệ 81% trên 2 sàn HOSE và HNX, đã công bố KQKD quí II. Tổng mức lợi nhuận sau thuế các công ty đạt 54.622 tỉ đồng, giảm 3% so với cùng 2019; 41% công ty công bố lợi nhuận quí II tăng trưởng dương và 13% số công ty thua lỗ.

Trong nhóm VN30, 26/30 công ty nhóm đã công bố KQKD quí II với mức giảm 2% về lợi nhuận sau thuế. Nhóm cổ phiếu Ngân hàng chiếm hơn 1/2 trong số 10 công ty có tăng trưởng lợi nhuận tuyệt đổi tốt nhất. 

Các công ty cải thiện mạnh gồm VietinBank (tăng 1.805 tỉ đồng), VPBank (902 tỉ đồng), Hòa Phát (708 tỉ đồng) và nhóm có lợi nhuận giảm gồm Vinhomes (giảm 3.483 tỉ đồng), PV Gas (1.293 tỉ đồng) và Masan (822 tỉ đồng). 

Theo đánh giá của Chứng khoán BSC, với hơn 80% công ty đã công bố, bức tranh lợi nhuận quí II đã không quá tiêu cực so với dự báo trước đó nhờ sự tăng trưởng ấn tượng từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Phan Quân