|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Những sự kiện NĐT quan tâm khi mua cổ phiếu trong tháng 6

07:59 | 02/06/2020
Chia sẻ
Theo Chứng khoán BSC, thông tin liên quan đến dịch COVID-19, vận động của dòng vốn nội và quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng là các sự kiện đáng quan tâm trong tháng 6.

Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC, mã: BSI) vừa công bố báo cáo phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5 và triển vọng tháng 6. Tại báo cáo này, một số sự kiện có thể tác động đến thị trường trong tháng 6 được đưa ra.

Dịch COVID-19 khống chế, hoạt động sản xuất kinh dần hồi phục

Quyết định nới lỏng giãn cách xã hội và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô – xã hội trong tháng 5 đã dần hồi phục. Dù vậy khó khăn hạn hán, xâm ngập mặn khiến ngành lâm nghiệp và thủy sản phục hồi chậm. 

Cùng với đó, các đối tác thương mại quan trọng vẫn bị ảnh hưởng dịch bệnh cũng kìm hãm đà hồi phục của nền kinh tế. Dịch bệnh cũng không có ca nhiễm mới trong cộng đồng 45 ngày liên tiếp là yếu tố quan trọng đưa nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại. Đây cũng là yếu tố tâm lí giúp cho TTCK duy trì kỳ vọng hiện tại. 

Tuy nhiên, mức phục hồi kinh tế sẽ còn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh các đối tác thương mại quan trọng. Thị trường sẽ sớm đối mặt những kiểm định thực tế về khả năng hồi phục nền kinh tế và doanh nghiệp sau những kỳ vọng ban đầu.

Vận động của dòng tiền trên thị trường, dòng vốn nội bền bỉ hỗ trợ đà tăng chỉ số 

Khối ngoại duy trì đà bán ròng 79 triệu USD tháng 5, qua đó nâng tổng giá trị bán ròng lên 712 triệu USD từ đầu năm. Tuy nhiên, VN-Index vẫn duy trì đà hồi phục nhờ dòng vốn nội giao dịch tích cực, dòng vốn từ hoạt động mua cổ phiếu qũi, cổ đông nội bộ và dòng vốn mới từ các ETFs nội.

Dòng vốn nội tích cực thể hiện qua: (1) Lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường gia tăng. Số lượng tài khoản đầu tư (trong đó phần lớn tài khoản NĐT trong nước) mở mới trong tháng 4 đạt 36.800 tài khoản, cao hơn 4.700 tài khoản so mức đỉnh tháng 3; (2) NĐT trong nước đẩy mạnh giao dịch trên thị trường. 

Tỉ trọng giá trị giao dịch của NĐT cá nhân trong nước trong tháng 4 và 5 lần lượt 76,4% và 74,5% toàn thị trường. Đây là mức cao nhất kể tháng 10/2018 và cao hơn 3% so với bình quân 12 tháng.

Những sự kiện NĐT quan tâm khi mua cổ phiếu trong tháng 6 - Ảnh 1.

Nguồn: Chứng khoán BSC

Dòng vốn từ hoạt động mua cổ phiếu quĩ và cổ đông nội bộ. Tính đến 25/5, 77 công ty trên 3 sàn đã đăng kí mua cổ phiếu quĩ với giá trị khoảng 4.732 tỉ đồng và đã thực hiện mua xong 2.192 tỉ đồng. 

Cùng với đó, cổ đông nội bộ các công ty niêm yết cũng đã mua xong 4.785 tỉ đồng và còn 482 tỉ đồng đăng kí mua chưa thực hiện. Hầu hết các công ty và cổ đông nội bộ đăng kí mua cổ phiếu vào thời điểm tháng 3, 4 khi giá cổ phiếu giảm sâu và hoạt động giao dịch diễn ra vào tháng 4, 5. 

Trong khi ETFs ngoại tiếp tục rút ròng 83 tỉ đồng (ETF VNM rút 20 tỉ đồng, ETF FTSE VN rút 63 tỉ đồng) thì ETFs nội huy động vốn tăng đột biến trong tháng 5 với giá trị 697 tỉ đồng (579 tỉ đồng của FUEVFVND – Diamond và 225 tỉ đồng của FUESSVFL – FinLead, E1VFVN30 bán ròng 107 tỉ đồng). 

Các xu hướng dịch chuyển của dòng tiền hiện tại vẫn đang hỗ trợ cho chỉ số hồi phục. Các nhóm cổ phiếu trụ cột nâng đỡ chỉ số, tạo điều kiện cho dòng tiền luân chuyển và đẩy dần mặt bằng cổ phiếu. 

Dù vậy, dòng vốn ETFs nội đang có dấu hiệu bão hòa vào cuối tháng 5, trong khi khối ngoại chưa có dấu hiệu mua ròng trở lại sẽ là khó khăn cho chỉ số duy trì đà tăng khi mặt bằng giá đã tiến gần thời điểm trước khi có khủng hoảng dịch bệnh.

Những sự kiện NĐT quan tâm khi mua cổ phiếu trong tháng 6 - Ảnh 2.

Quan hệ Mỹ - Trung có dấu hiệu căng thẳng trở lại. Ảnh: Internet

Dấu hiệu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang quay trở lại

Cùng với việc tiếp tục đổ lỗi cho Trung Quốc làm lây lan dịch bệnh, Chính quyền Trump đang hâm nóng cuộc chiến thương mại thông qua một loạt các động thái chính sách khác nhau. Tổng thống Mỹ gia hạn lệnh cấm không cho phép các công ty Mỹ hợp tác và mua linh kiện với Huawei cho đến tháng 5 năm 2021. 

Bộ thương mại Mỹ ngày 22/5 cũng đưa thông báo đưa 8 đối tượng, trong đó có Viện khoa học pháp y của Bộ công an Trung Quốc vào “danh sách đen” thương mại. 

Ngày 20/5, Thượng viện Mỹ thông qua đạo luật tăng cường giám sát các công ty có trụ sở nước ngoài, mục tiêu nhiều khả năng hướng tới các công ty Trung Quốc. Các công ty này có thể bị cấm giao dịch nếu cơ quan quản lí Mỹ không thể kiểm toán 3 năm liên tiếp. 

Ngoài ra, các công ty niêm yết phải có giấy chứng nhận “không thuộc sở hữu hay bị kiểm soát bởi một chính phủ nước ngoài”. 

Ngày 21/5, Trung Quốc công bố dự luật ninh Hong Kong, trong đó cấm những hành vi nổi loạn, li khai và lật đổ. Luật này sẽ càng đào sâu khoảng cách so với đạo Luật dân chủ và nhân quyền Hong Kong đã được Mỹ thông qua trong năm 2019. 

Hong Kong theo đó có thể mất trạng thái thương mại đặc biệt khi Bộ ngoại giao Mỹ đánh giá Trung Quốc đã áp đặt nhiều quyền kiểm soát hơn với đặc khu này. 

Theo cam kết thương mại giai đoạn 1, Trung Quốc Quốc cam kết chi thêm 200 tỉ USD nhập khẩu hàng hóa Mỹ so với kim ngạch 2017. Trung Quốc do vậy phải chi 36,6 tỉ USD nhập khẩu hàng Mỹ trong năm 2020. Mức trung bình là 9,1 tỉ USD hàng quý.t

Tuy nhiên, quí I thực tế chỉ đạt 5,1 tỉ USD. Do ảnh hưởng kinh tế suy giảm và dịch Covid-19, cam kết của Trung Quốc đã không dễ đạt được. Những diễn biến mới phát sinh đang đẩy hai phía đến căng thẳng và nguy cơ khủng hoảng mới.

Phan Quân