ĐHĐCĐ Chứng khoán BOS: Giá cổ phiếu ART thấp do qui luật cung cầu, lãi 20 tỉ đồng trong tháng 4 và 5
Giá cổ phiếu ART thấp do qui luật cung cầu
Chiều qua (1/6), Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS (Mã: ART) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Tại đại hội, cổ đông có câu hỏi về việc giá cổ phiếu ART tương đối thấp so với giá trị sổ sách (11.000 đồng/cp) trong điều kiện tình hình kinh doanh năm ngoái khá tốt.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, Tổng Giám đốc của Chứng khoán BOS thì giá cổ phiếu là do mua bán, quy luật cung cầu trên thị trường. Về kế hoạch để cải thiện giá cổ phiếu ART tốt hơn thì ban lãnh đạo công ty tập trung vào việc đầy mạnh duy trì đà phát triển kinh doanh như hiện nay.
"Thực sự là một công ty niêm yết, về mặt kĩ thuật thì chúng tôi không thể can thiệp vào giá trị giao dịch, diễn biến trên thị trường hàng ngày", Tổng Giám đốc Chứng khoán BOS trả lời.
Tại sao công ty không chia cổ tức cho cổ đông?
Một vấn đề khác mà cổ đông quan tâm là chính sách cổ tức cho cổ đông. Trả lời câu hỏi này, bà Hương Trần Kiều Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Chứng khoán BOS cho hay kết quả kinh doanh năm 2019 tương đối tốt. Tuy nhiên, đầu năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy, để thực hiện kế hoạch năm 2020, ban lãnh đạo công ty xin giữ lại lợi nhuận năm 2019 để đảm bảo khả năng về vốn.
Mảng hoạt động nào sẽ được công ty tập trung cho năm nay?
Theo Tổng Giám đốc của Chứng khoán BOS, trong cơ cấu doanh thu của công ty thì hoạt động môi giới chiếm khoảng 40% và góp tỉ trọng vào việc hoàn thành chỉ tiêu đặt ra vào năm 2019. Trong năm 2020, Chứng khoán BOS tiếp tục xây dựng đội ngũ môi giới để tiếp tục đạt được kế hoạch đề ra.
Cụ thể, trong năm 2020, Chứng khoán BOS bổ sung mạng lưới môi giới, cộng tác viên với mục tiêu mở mới 800 tài khoản giao dịch cho khách hàng, nâng tổng số tài khoản lên hơn 10.000 tài khoản.
Ngoài mảng môi giới thì mảng ngân hàng đầu tư (IB) cũng được tập trung. Năm 2019, BOS đồng hành cùng SCIC làm đơn vị tư vấn cho hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước tại Tuyên Quang, Quảng Ninh, Nghệ An. Bên cạnh đó, mảng phái sinh cũng được đẩy mạnh trong năm 2020.
Cuối năm 2019, Chứng khoán BOS đưa vào vận hành sản phẩm chứng khoán phái sinh và chưa đóng góp vào kết quả kinh doanh năm ngoái. Thời gian vừa qua do vướng vào dịch bệnh nên công ty chưa có hoạt động thúc đẩy hoạt động chứng khoán phái sinh.
Với nhận định đây là mảng tiềm năng, mặc dù hiện tại trên thị trường có khoảng 19 công ty chứng khoán cung cấp mảng dịch vụ này. Hiện 90% thị phần chứng khoán phái sinh thuộc về các công ty chứng khoán đứng đầu. Năm 2020, Chứng khoán BOS đặt mục tiêu lọt Top10 thị phần môi giới chứng khoán phái sinh với thị phần 1,5 – 2%, bà Nguyễn Quỳnh Anh cho biết.
Chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm năm nay
Trở lại kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Chứng khoán BOS, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sụt giảm trong năm nay. Theo đó, chỉ tiêu doanh thu hoạt động là 201 tỉ đồng, giảm 14% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận trước thuế đặt ra năm nay là 87 tỉ đồng, giảm 12% so năm 2019.
Đánh giá về thị trường chứng khoán năm nay, theo lãnh đạo của Chứng khoán BOS, các ngân hàng trung ương toàn cầu hạ lãi suất khiến dòng vốn ngoại có xu hướng tìm kiếm các thị trường tiềm năng tăng trưởng tốt. Theo đó, TTCK Việt Nam là điểm đến lí tưởng đối với dòng vốn giá rẻ.
Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam sẽ được nâng tỉ trọng trong rổ MSCI Frontier 100 từ mức hơn 12% hiện nay lên 30% khi Kuwait được chuyển sang thị trường mới nổi. Điều này kì vọng thúc đẩy dòng vốn ngoại tham gia thị trường.
Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp lớn lên sàn hoặc tiếp tục thoái vốn nhà nước có thể giúp thị trường thu hút thêm dòng tiền từ khối ngoại.