Mirae Asset (Việt Nam): Nới lỏng chính sách tiền tệ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ cho thị trường chứng khoán
Chứng khoán Miraa Asset (Việt Nam) vừa công bố báo cáo phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5 và triển vọng trong tháng 6.
Theo góc nhìn của công ty chứng khoán này trong tháng 5, tâm lí nhà đầu tư trong nước tiếp tục phấn khích khi Việt Nam đang làm phẳng được đường cong COVID-19. Suốt 45 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm ngoài cộng đồng. Theo đó, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường.
Bên cạnh đó, hiệu ứng từ đại hội cổ đông của nhóm ngân hàng, Vingroup, thúc đẩy cổ phiếu tài chính ngân hàng tăng điểm tích cực. Giá dầu thế giới hồi phục kéo nhóm Năng lượng - Tiện ích bật tăng mạnh mẽ.
Cùng với đó là việc nổi lên của cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp với kì vọng Việt Nam nổi lên như một điểm đến hàng đầu của làn sóng FDI gia tăng sau khi Mỹ đang xúc tiến thành lập "mạng lưới kinh tế thịnh vượng" với các thành viên gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, và ba quốc gia khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand nhằm đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng hậu COVID.
Về hoạt động của khối ngoại, theo Mirae Asset (Việt Nam), các quĩ đóng vẫn đang tái cơ cấu danh mục sau khi VNM và nhóm Ngân hàng (VCB, VPB, CTG) được mua ròng trở lại cùng MSN. Ngược lại, VHM, VIC và HPG bị chốt lời đáng kể.
Đánh giá về thị trường hiện tại, định giá thị trường tăng trở lại với P/E đạt 14.0x lần, tăng 36% so với mức đáy. Mức định giá này không còn rẻ trong mối tương quan đến tăng trưởng GDP và lợi nhuận doanh nghiệp dự phóng thấp hơn đáng kể cho cả năm 2020.
Cũng theo nhận định của Mirae Asset (Việt Nam), thị trường bước vào tháng 6 với sự thiếu vắn của các nhân tố hỗ trợ mới. Kết quả kinh doanh quí 2 của doanh nghiệp sẽ đần được công bố vào cuối tháng 6 nhưng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi nền kinh tế nhiều khả năng sẽ chạm đáy trong quí 2 và 6 tháng dưới tác động mạnh mẽ của COVID-19 trên nhiều lĩnh vực.
Về yếu tố bên ngoài, căng thẳng Mỹ - Trung đang leo thang lên mức nguy hiểm theo sau chuỗi xung đột thương mại. Các hành động trả đũa lẫn nhau trên các phương diện chính trị, kinh tế sẽ tạo áp lực lên TTCK toàn cầu trong ngắn hạn.
Trên quan điểm kĩ thuật, VN -Index đang đối mặt với vùng kháng cự 865 - 875 điểm và cần thời gian để vượt qua. Dòng tiền có dấu hiệu chuyển hướng sang nhóm vốn hóa vừa nhỏ.
Theo đó, rủi ro điều chỉnh lớn lên nhưng không nhiều nhờ được hỗ trợ bởi dòng tiền trong nước mạnh mẽ và yếu tố nội tại tích cực hơn khi nền kinh tế nhiều khả năng chạm đáy trong tháng 4. Nới lỏng chính sách tiền tệ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.