|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Những sóng gió đe dọa đà phục hồi của ngành thép ASEAN

16:50 | 12/07/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh lạm phát leo thang và căng thẳng địa chính trị kéo dài, việc đưa nhu cầu tiêu thụ thép của các thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở lại mức trước đại dịch COVID-19 là một thách thức không hề nhỏ.

Trở ngại lớn nhất là lạm phát

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và lạm phát leo thang, triển vọng thị trường thép càng thêm bất định khi hoạt động xây dựng tiếp tục đình trệ vì COVID-19, cũng như khi tăng trưởng ngành ô tô chững lại, theo S&P Global Commodity Insights.

Lạm phát nổi lên như một hòn đá ngáng đường đà phục hồi kinh tế của khu vực ASEAN trong năm 2022 và dự kiến là trong vài năm tới.

Trong báo cáo tháng 6 về triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong 4 tháng đầu năm, tỷ lệ lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã tăng lên 9,37% so với mức 4,23% của cùng kỳ năm trước.

"Tỷ lệ lạm phát trung bình ở các nước ASEAN tăng từ 0,9% vào tháng 1/2021 lên 3,1% vào tháng 12/2021 và sau đó lên 4,7% vào tháng 4/2022", ông Sithanonxay Suvannaphakdy, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS – Yusof Ishak, cho biết.

Do các cú sốc lớn trong năm 2022, hoạt động kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ khó có thể phục hồi mạnh. Do vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2023 được dự báo chỉ nhích khoảng 3% vì vẫn còn những lực cản như giá hàng hoá tăng cao và chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt.

"Tỷ lệ lạm phát tăng cao cùng với sự chững lại của tăng trưởng kinh tế dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ bước vào thời kỳ lạm phát đình trệ như những năm 1970", WB phân tích.  

Viện Sắt và Thép Đông Nam Á (SEAISI) cũng cảnh báo rằng các doanh nghiệp ngành thép trong khu vực sẽ phải tìm kiếm các nguồn cung thép bán thành phẩm và than luyện cốc mới vì xung đột Nga – Ukraine khiến lượng hàng nhập khẩu từ hai nước này giảm mạnh.

WB cho biết: "Nga và Ukraine chiếm một tỷ trọng nhỏ, cụ thể là dưới 3% trong xuất khẩu hàng hóa của thế giới. Tuy nhiên, nhiều ngành công nghiệp lại phụ thuộc vào nguồn cung hàng hóa được khai thác tại hai nước, đặc biệt là Nga".

Nhu cầu thép phục hồi đi kèm với rủi ro

Một số nguồn tin của S&P Global cho rằng nhu cầu tiêu thụ thép của khu vực ASEAN có thể trở lại mức trước đại dịch sớm nhất là vào năm 2023.

Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) dự báo năm 2022, nhu cầu tiêu thụ thép của của ASEAN đạt khoảng 76,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với mức 72,6 triệu tấn vào năm 2021. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mốc 80,3 triệu tấn của năm 2019, tức trước khi đại dịch bùng phạt.

WSA cũng cho rằng nhu cầu tiêu thụ thép của ASEAN sẽ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2023 với khoảng 80,8 triệu tấn. Chuyên gia của WSA nhận định, dự báo nhu cầu thép năm 2022 và 2023 của ASEAN được đưa ra dựa trên một số kịch bản nhất định và đi kèm rủi ro suy yếu.

Lạm phát và nhu cầu yếu đang cản đà phục hồi của ngành thép khu vực ASEAN. (Ảnh: Livemint).

S&P Global ước tính rằng để đạt công suất sản xuất thép 50 triệu tấn/năm, Đông Nam Á sẽ cần khoảng 10 năm, thay vì 5-6 năm như dự tính trước đây. Nhận định này có vẻ khá thận trọng, song sẽ không có gì bất ngờ nếu công suất mới vẫn ở dưới 50 triệu tấn/năm.

Nhu cầu tiêu thụ ở Việt Nam, Indonesia 

Tại Việt Nam, việc thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và chậm thi công các dự án đầu tư cở sở hạ tầng đã khiến nhu cầu thép hạ nhiệt

Điển hình như Formosa Hà Tĩnh, số lượng đơn hàng giao tháng 8 của nhà sản xuất này đang giảm xuống. Điều đó làm dấy lên lo ngại về việc Formosa Hà Tĩnh sẽ cắt giảm sản lượng trong vài tuần tới.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thép của Indonesia được dự báo là sẽ cải thiện nhờ dự án di dời thủ đô và lĩnh vực sản xuất ô tô. 

Cụ thể, Hiệp hội Công nghiệp Gang thép Indonesia dự báo nhu cầu thép của nước này trong năm 2022 đạt khoảng 16,3 triệu tấn, tăng 5% so với năm ngoái và nhích lên 17,3 triệu tấn vào năm 2023 nhờ lĩnh vực xây dựng tăng trưởng 4,9%.

Một nguồn tin của S&P cho biết trên thực tế, nền kinh tế của Indonesia đang chững lại. Do đó, dự đoán nhu cầu tiêu thụ thép đi lên có thể liên quan đến dự án di dời thủ đô từ Jakarta đến Đông Kalimantan dự kiến ​​khởi công trong năm nay. 

Ngoài ra, ngành công nghiệp ô tô cũng đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép của Indonesia. Năm 2022, Indonesia dự kiến sản xuất 1,19 triệu xe ô tô, tăng từ mức 1,12 triệu xe vào năm 2021. Song, sản lượng ô tô năm 2022 có thể vẫn thấp hơn mức 1,29 triệu xe của năm 2019.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Anh