|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành thép Trung Quốc trước bờ vực khủng hoảng

22:16 | 08/07/2022
Chia sẻ
Nhu cầu suy yếu, lượng tồn kho cao đang khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thép Trung Quốc lao dốc. Đây là dấu hiệu cho một cuộc khủng hoảng kéo dài với ngành công nghiệp tại quốc gia này.

Ngành thép của Trung Quốc đứng trước nguy cơ khủng hoảng kéo dài 5 năm khi nhu cầu tiêu thụ yếu, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm. Cảnh báo này được đưa ra bởi Hunan Valin Iron & Steel Group, doanh nghiệp thép hàng đầu Trung Quốc.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, công ty này vừa thảo luận về sự suy thoái của ngành thép cũng như các giải pháp duy trì sự tồn tại, phát triển của công ty, trong đó có cả phương án ngừng hoạt động một số nhà máy không có lãi.

Mới đây, các nhà máy thép khác ở phía Tây Bắc và Tây Nam Trung Quốc đã đồng loạt cam kết giảm sản lượng trong khi chờ đợi chính phủ phê duyệt gói hỗ trợ kinh tế cho cơ sở hạ tầng, từ đó kích thích nhu cầu đi lên.

Các kho dự trữ thép ở Trung Quốc đã tăng vượt mức quy định theo mùa sau khi Bắc Kinh siết lĩnh vực bất động sản và chính sách Zero COVID kìm hãm hoạt động xây dựng. Điều này khiến chỉ số bán hàng của ngành thép trong tháng 6 chạm đáy 10 năm trở lại đây.

Theo khảo sát mới nhất của hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc, lượng thép tồn kho đã có xu hướng giảm khi Bắc Kinh nới lỏng một số quy định phòng dịch COVID-19 vào cuối tháng 6. Song, lượng hàng này vẫn cao hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi 'toàn lực' thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng để cứu nền kinh tế nhưng điều này chưa chắc có thể bù đắp cho khoảng trống mà lĩnh vực bất động sản để lại cho ngành thép.

Trong thời điểm hiện tại, việc cắt giảm sản lượng so với năm ngoái được cho là phù hợp với định hướng của cả ngành công nghiệp thép và chính phủ Trung Quốc. Bởi, nguồn cung giảm sẽ hỗ trợ giá, đồng thời tuân thủ cam kết của Bắc Kinh trong việc hạn chế lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Hoàng Anh

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.