|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những rủi ro khi đầu tư lan đột biến: Mất cọc, mua phải lan giả, bị bắt đền gấp 20 lần giá bán

07:57 | 15/04/2021
Chia sẻ
Lan đột biến - một hiện tượng kinh doanh mới xuất hiện thời gian gần đây đã khiến dư luận phải sửng sốt với những thương vụ mua bán tiền tỷ, có thể giúp người bán làm giàu nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ.

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều người chọn các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản để sinh lời trong quãng thời gian ngồi nhà. Và thời gian gần đây, một kênh đầu tư rất hot đã thu hút sự chú ý của dư luận xã hội với những thương vụ mua bán lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đó là lan đột biến.

Vụ việc mới nhất gây xôn xao dư luận là việc một chủ vườn lan bị tố "ôm" 200 tỷ tiền đặt mua cây lan của khách bỏ trốn. Công an thành phố Hà Nội đã ngay lập tức chỉ đạo công an huyện Ứng Hòa - nơi xuất hiện thông tin kể trên, làm rõ và xác minh.

VTV đưa tin hiện tại mới nhận được ba đơn tố cáo vụ việc kể trên, với tổng thiệt hại được liệt kê là 11 tỷ đồng. Tuy nhiên đây cũng là một con số lớn nhất là khi mới chỉ là lượng tiền mà khách "cọc" để mua "lúa non"

Những con số khủng gắn liền với lan đột biết có lẽ không còn xa lạ. Với sự chịu chơi của mình, nhiều đại gia, tay chơi lan khét tiếng sẵn sàng vung tiền để sở hữu một cây lan đột biến đẹp và quý hiếm, thậm chí là vài trăm triệu cho một kie (Kie lan là những mầm con được phát triển từ những mắt ngủ nằm trên thân mẹ).

Giấc mộng giàu sang tan tành, vào tù ra tội vì lan đột biến - Ảnh 1.

Thông tin chủ vườn lan bỏ trốn được chia sẻ trên mạng xã hội. (Ảnh: Chụp màn hình).

Đặc biệt, cách tính giá cây lan bằng từng cm càng khiến lan đột biến thu hút hơn. Một số mức định giá được chia sẻ trong nhóm cộng đồng như cây lan 5 cánh trắng Bạch Tuyết có giá 210 - 270 triệu đồng/cm, 5 cánh trắng Bảo Duy có giá 1,3 - 1,6 tỷ đồng/cm, 5 cánh trắng Ngọc Sơn Cước có giá 1,5 - 1,8 tỷ đồng/cm. 

Nhiều nhà vườn còn đưa ra phương án bán theo kie lan cho người chơi lan về chăm sóc. Những lời mời gọi về độ quý hiếm và giá trị của cây lan đột biến khiến nhiều người sẵn sàng vay nợ ngân hàng, huy động vốn để đầu tư vào cuộc chơi lan, điều có thể đẩy người chơi lan vào nguy cơ bị lừa đảo, vỡ nợ.

Những thương vụ mua bán lan đột biến gây sốt vì con số cực khủng. (Ảnh: FBNV).

Tháng 10/2020, ông Nguyễn Văn Sự (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) mua lan đột biến của các nhà vườn B.N (Chương Mỹ, Hà Nội), nhà vườn H.C (Ngọc Tảo, Hoài Đức), L.B.D (An Phước, Long Thành, Đồng Nai), T.V.T và T.V.Đ (Yên Thuỷ, Hoà Bình). Số tiền bỏ ra lên đến 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chia sẻ trên truyền thông, ông Sự cho biết đã kiểm tra lại số lan vừa mua và phát hiện nhiều gốc lan bị sai nguồn gốc.

Người mua sau đó đã liên hệ với nhà vườn để kiểm tra nhưng không thể liên hệ được. “Tôi bị lừa gần 10 tỷ đồng để mua lan đột biến. Mua về rồi lúc hoa nở mới thấy màu tím, trong khi lan đột biến phải có màu trắng ngọc”, ông Sự nói. 

Số tiền anh dùng để đầu tư đến từ nguồn vốn vay ngân hàng và huy động từ nhiều người khác.

Sự việc của anh Sự cũng không còn phải là điều lạ trong giới chơi lan. Khi cơn sốt lan đột biến xuất hiện, cơ quan chức năng tại nhiều tỉnh đã phải vào cuộc điều tra nhiều vụ mua bán có dấu hiệu lừa đảo.

Giấc mộng giàu sang tan tành, vào tù ra tội vì lan đột biến - Ảnh 3.

Cây lan đột biến giả được các đối tượng lừa đảo dùng keo 502 gắn vào. (Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ).

Tháng 12/2020, công an huyện Tân Sơn (Phú Thọ) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ba thành viên trong nhóm lừa đảo liên quan tới lan đột biến giả. 

Nhóm làm giả  đã mua cây lan đột biến thật rồi tách ra, dùng keo 502 gắn vào các thân cây bình thường. Sau đó, những cây lan này được đem bán với giá trị cao. Số tiền chiếm đoạt ước tính lên tới 1 tỷ đồng.

Trước đó nữa, một vụ việc nghe tưởng chừng khá vô lý xoay xung quanh lan đột biến: bán mầm lan giá 10 triệu, nhưng bị bắt đền 200 triệu đồng. Báo Thanh Niên cho biết câu chuyện xảy ra cách đây vài năm, một người đàn ông tên Q. đã bán một mầm lan VAR với giá 10 triệu đồng (trước đó ông mua lại mầm này với giá 6 triệu đồng), 

Sau ba năm, cây lan từ mầm đó được giao dịch với giá 3 tỷ đồng sau nhiều lần "sang tay". Tuy nhiên cây lan nở ra màu không đúng như cam kết. Sau nhiều lần đàm phán, người mua cuối cùng yêu cầu số tiền đền bù 600 triệu đồng, chia đều cho các lần sang tay trước đó. Do đó, ông Q. bán mầm giá 10 triệu nhưng bị đòi bồi thường tới 200 triệu đồng.

Mới đây nhất, một trong những nhân vật có nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội là Dương Minh Tuyền cũng bị tố bán lan không chất lượng. Người khách mua cây lan của ông Tuyền với giá 300 triệu đồng nhưng sau 3 ngày thì cây bị chết. Đáng chú ý, ông Tuyền trước đó còn chỉ dẫn người mua vặt lá cây rồi bôi cồn để khắc phục tình trạng nhưng không hiệu quả.

Thùy Trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.