|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những quốc gia nào không muốn thương chiến Mỹ-Trung kết thúc?

10:39 | 01/09/2019
Chia sẻ
Không phải ai cũng muốn Mỹ và Trung quốc giảng hòa về thương mại, đặc biệt là những quốc gia được hưởng lợi lớn từ căng thẳng giữa hai siêu cường này.

Cuộc xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã và đang gây ra những thiệt hại to lớn. Nhiều mối quan hệ thương mại được xây dựng qua hàng chục năm đã bị cắt đứt, chuỗi cung ứng bị phá hủy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, nhà đầu tư và doanh nghiệp hoảng loạn.

Trong lúc tình hình thương chiến giữa hai siêu cường Mỹ - Trung "căng như dây đàn", nhiều người tự hỏi: Liệu chúng ta có thể quay trở lại thời kì tươi đẹp xưa kia hay không?

Tuy nhiên theo Bloomberg, những người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á thu hút vốn đầu tư chạy khỏi Trung Quốc, chưa chắc đã muốn quay lại "những ngày xưa thân ái" trước khi thương chiến diễn ra.

Mới vài ngày trước, tờ Nikkei Asian Review đưa tin Google đang tích cực chuẩn bị để chuyển sản xuất dòng điện thoại Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm, lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ từ các cảng châu Á - ngoại trừ Trung Quốc, tăng mạnh. Trong khi đó lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục lại sụt giảm. 

Nếu hai bên đạt được hòa bình thương mại, hoặc một thỏa thuận "đình chiến" lâu bền, xu hướng trên sẽ khó có thể tiếp diễn.

import growth

Giá trị nhập khẩu của Mỹ từ các cảng châu Á và thế giới ngoại trừ Trung Quốc đều tăng mạnh trong nửa đầu năm 2019. Nguồn: Bloomberg.

Trong bản đánh giá thường niên về nền kinh tế Trung Quốc, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra một số kịch bản cho một thỏa thuận thương mại trong tương lai. Kịch bản cơ sở là Mỹ và Trung Quốc đồng ý đưa cán cân thương mại giữa hai nước về mức cân bằng, tức là không có thâm hụt hay thặng dư.

Ít nhất, thỏa thuận này cũng sẽ khiến cho khoản thâm hụt thương mại 420 tỉ USD mà Mỹ đang có với Trung Quốc giảm đi đáng kể.

XNK My - Trung

Năm 2018, Mỹ nhập từ Trung Quốc 540 tỉ USD trong khi xuất sang Trung Quốc chỉ 120 tỉ USD nên có thâm hụt thương mại 420 tỉ USD. Nguồn: Cục Thống kê Dân số Mỹ.

Theo kịch bản mà IMF vạch ra, Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều xe hơi, máy móc và đồ điện tử từ Mỹ; tuy vậy IMF cho rằng Trung Quốc khó có thể kích thích nền kinh tế tới mức hấp thụ đủ lượng hàng hóa Mỹ mà không phải cắt giảm nhập từ các đối tác khác.

IMF ước tính, nếu Trung Quốc thực hiện theo kịch bản này, hai bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc là Hàn Quốc và Singapore sẽ phải chứng kiến xuất khẩu giảm lần lượt khoảng 2,1% và 3,8% GDP.

Xuất khẩu khoáng sản của Australia cũng sẽ bị ảnh hưởng, tương tự như doanh số bán hàng điện tử từ các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia. 

IMF đánh giá: "Một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới GDP toàn cầu nhiều hơn là những lợi ích thu được từ giảm bất ổn chính sách, hạ thuế quan hay các biện pháp cải cách mới".

Thiệt hại nặng nề nhất là khu vực châu Á nhưng hệ quả sẽ lan ra cả các khu vực khác. Chẳng hạn, việc Trung Quốc chuyển sang mua máy bay Boeing (Mỹ) sau khi đạt được thỏa thuận thương mại sẽ khiến đối thủ chính của Boeing là Airbus (châu Âu) phải lo lắng.

Cũng có người cho rằng khu vực châu Á sẽ được hưởng lợi nếu chiến tranh thương mại chưa từng xảy ra. Tuy nhiên lập luận lày lại bỏ qua một số xu hướng lớn định hình nền kinh tế toàn cầu từ rất lâu trước khi ông Trump làm Tổng thống Mỹ.

Theo Bloomberg, những xu hướng đó là: Tính bền vững của giai đoạn mở rộng kinh tế dài kỉ lục của nước Mỹ, ba thập kỉ tăng trưởng GDP trên 10%/năm của Trung Quốc dần đi đến hồi kết, và tình trạng già hóa dân số ở châu Âu và Bắc Á.

Nhận định về triển vọng giải quyết bế tắc thương mại cứ thay đổi liên tục với từng dòng tweet của ông Trump. Việc chính quyền Bắc Kinh lo ngại về sự thay đổi chóng mặt của Tổng thống Mỹ là hoàn toàn chính đáng.

Và mặc dù những thiệt hại do chiến tranh thương mại gây ra ngày càng hiện rõ, chưa chắc hòa bình về thương mại đã tốt hơn cho tất cả các bên.

"Kí hòa ước Versailles tốt hơn là tiếp tục đánh nhau dưới chiến hào, nhưng hòa ước này cũng gây ra những tai họa gây gớm", tờ Bloomberg so sánh.

(Hòa ước Versailles được kí kết năm 1919 giữa Đức và phe Hiệp ước, đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Thế giới Thứ nhất với cảnh binh sĩ hai bên ngâm mình dưới những chiến hào tối tăm, bẩn thỉu.

Nhiều nhà quan sát khi đó cũng như nhiều nhà sử học sau này cho rằng hòa ước Versailles đã tạo tiền đề cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít và gieo mầm mống của Chiến tranh Thế giới Thứ hai – một cuộc chiến với qui mô to lớn và sức hủy diệt khủng khiếp gấp nhiều lần cuộc chiến trước đó.)

Song Ngọc

Cơn sốt sau bầu cử hạ nhiệt: Dow Jones mất hơn 380 điểm, S&P 500 đứt chuỗi tăng 5 phiên
Cả ba chỉ số chính đều rời khỏi đỉnh lịch sử sau khi động lực tăng giá hậu bầu cử dần biến mất. Hiện thị trường đang chuyển sự chú ý sang loạt dữ liệu kinh tế quan trọng sắp được công bố.