Không thể tin tưởng Tổng thống Trump, Trung Quốc chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất
Khi nghe Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố phía Trung Quốc đã gọi điện cho các quan chức cấp cao của Mỹ đề xuất nối lại đàm phán thương mại, chính các lãnh đạo trong chính quyền Bắc Kinh là những người ngạc nhiên nhất.
Bloomberg dẫn lời một số quan chức giấu tên của Trung Quốc cho biết, sau những ngày cuối tuần với nhiều tín hiệu trái chiều, sự thiếu tin tưởng đối với ông Trump đã trở thành trở ngại chính đối với Trung Quốc trong việc đạt một thỏa thuận lâu dài với Mỹ.
Chỉ có một số ít nhà đàm phán của Bắc Kinh tin rằng hai bên có thể đạt được thỏa thuận trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, nguyên nhân là không cố vấn nào dám khuyên Chủ tịch Tập Cận Bình kí kết một thỏa thuận mà ông Trump có thể sẵn sàng phá vỡ vào một ngày xấu trời không xa.
Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Pháp hôm 26/8, ông Trump khẳng định đại diện Trung Quốc đã gọi điện cho "các quan chức cấp cao của Mỹ" và đề xuất quay lại bàn đàm phán.
Ông Trump sau đó còn nói như thể Trung Quốc đang rất tuyệt vọng và bị dồn vào đường cùng: "Trung Quốc bị thiệt hại rất nặng nề nhưng họ hiểu rằng [liên lạc và đề nghị đàm phán] là việc đúng đắn cần làm".
Những tuyên bố này lập tức được đặt làm dòng tít của hàng loạt tờ báo trên khắp thế giới. Nhưng ở Bắc Kinh, dường như không ai hiểu ông Trump đang nói về điều gì. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hai lần tuyên bố ông không biết ông Trump nói đến cuộc điện thoại nào, giữa ai với ai.
Tổng Biên tập Thời báo Hoàn Cầu (một tờ báo lớn của nhà nước Trung Quốc) thì khẳng định hai bên chỉ nói chuyện ở cấp chuyên viên chứ không phải cấp cao và tuyệt nhiên không mang ý nghĩa lớn lao như ông Trump nói.
Tệ hơn thế, việc ông Trump mô tả Trung Quốc phải năn nỉ Mỹ quay lại bàn đám phán đã xác nhận nỗi lo sợ lớn nhất của quan chức Bắc Kinh về ông Trump, đó là: Vị Tổng thống Mỹ này không đáng tin cậy để thực hiện một thỏa thuận.
Ông Tao Dong – Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Trung Quốc mở rộng tại ngân hàng Credit Suisse Private Banking tại Hong Kong nhận định: "Sự lật lọng của ông Trump càng làm tâm lí nghi ngờ lan rộng, khiến cho việc đạt được một thỏa thuận nhanh chóng là gần như không thể".
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhật Bản hồi tháng 6. Ảnh: AP.
Hai quan chức Trung Quốc so sánh cách tiếp cận của nước này hiện nay giống như Mỹ từng làm dưới thời Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) tức là vừa đánh vừa đàm, dùng đấu tranh vũ trang để đẩy nhanh tốc độ đàm phán hòa bình.
Bloomberg dẫn lời ba quan chức Trung Quốc khác cho biết nước này cũng đã chuẩn bị kế hoạch dự phòng trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận. Kế hoạch này bao gồm cả việc đưa hàng loạt doanh nghiệp Mỹ vào danh sách thực thể không đáng tin cậy và mạnh tay kích thích nền kinh tế.
Các quan chức Bắc Kinh vẫn sẵn lòng tiếp tục đàm phán thương mại, nhưng đồng thời họ cũng chuẩn bị các kế hoạch giảm thiểu sự lệ thuộc kinh tế Mỹ - đặc biệt là sau khi Tổng thống Trump "ra lệnh" qua Twitter cho các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm phương án thay thế cho hoạt động tại Trung Quốc.
Sau khi đàm phán thương mại đổ vỡ hồi tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa đề nghị toàn thể quốc gia phải "tự lực" trong các lĩnh vực công nghệ thiết yếu, thậm chí còn kêu gọi người dân tham gia vào một cuộc "Vạn Lí Trường Chinh mới".
Mới đây nhất ngày 27/8, Trung Quốc đã ban hành 20 chỉ thị nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Các biện pháp cụ thể bao gồm xem xét gỡ bỏ hạn chế mua xe ô tô và khuyến khích mua các loại xe năng lượng mới.
Ông Tim Stratford – Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc và cựu trợ lí Đại diện Thương mại Mỹ cho biết: "Trung Quốc đang dần dần tách rời hoạt động của mình khỏi nước Mỹ vì các doanh nghiệp phải lập kế hoạch thay thế trong bối cảnh có quá nhiều bất ổn".
Căng thẳng thương mại đã gây ra những thiệt hại đáng kể đối với Trung Quốc, kéo tụt tăng trưởng kinh tế của nước này xuống mức thấp nhất trong gần ba thập kỉ. Các cơ quan quản lí Trung Quốc đang muốn kiểm soát tình trạng vay nợ và ổn định tài chính, tuy vậy họ vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách.
Bằng chứng là tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc áp dụng một loại lãi suất chính sách mới có tác dụng tương đương với việc giảm chi phí đi vay của các doanh nghiệp. Chính phủ thì đang xem xét việc cho phép các địa phương phát hành thêm trái phiếu để tài trợ dự án đầu tư hạ tầng.
Về mặt chính trị, ông Tập Cận Bình không còn nhiều chỗ để nhường nhịn ông Trump. Những người theo quan điểm cứng rắn trong nhà nước Trung Quốc ngày càng lên tiếng mạnh mẽ sau mỗi lần ông Trump phá vỡ thỏa thuận "ngừng bắn" và tấn công Trung Quốc không thương tiếc bằng việc tăng thuế hay cấm cửa "con cưng" Huawei Technologies.
Trung Quốc sẵn lòng mua thêm hàng nông sản Mỹ nhưng về mặt chính trị, ông Tập không thể kí một thỏa thuận đồng ý cho Mỹ tiếp tục đánh thuế hàng Trung Quốc. Ông cũng không thể đồng ý tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế của quốc gia tỉ dân.
"Với Trung Quốc, đây là vấn đề về chủ nghĩa dân tộc và thành tích kinh tế - đặc biệt là sự trỗi dậy của người Trung Quốc trên trường quốc tế. Trung Quốc không được phép thất bại và cũng khó có thể đưa ra nhượng bộ nào đáng kể", ông Suisheng Zhao – Giám đốc Trung tâm Hợp tác Mỹ - Trung của Đại học Denver nhận định.
Theo kế hoạch hai bên sẽ gặp nhau trong tháng 9 để nối lại cuộc đàm phán. Từ phía Trung Quốc, đàm phán có tiến triển hay không chủ yếu phụ thuộc vào những toan tính chính trị của ông Trump trước cuộc bầu cử 2020. Đồng thời, Trung Quốc cũng sẽ cần sự đảm bảo chắc chắn nhất về việc ông Trump sẽ giữ lời hứa.
Theo ông Charles Liu – một chuyên gia đàm phán kinh tế và nhà sáng lập Hao Capital, có lẽ ông Trump đang nhận thấy rằng chiến thuật mạnh tay với Trung Quốc mà ông thực hiện sẽ gây ra "thảm họa" với nền kinh tế Mỹ.
"Điều duy nhất đã thay đổi tới mức dễ dàng nhận thấy là ông Trump hiện đang chịu nhiều áp lực phải đạt được một thỏa thuận chứ không Trung Quốc. Vị thế của Trung Quốc sẽ là: Nếu anh muốn nói chuyện thì cánh cửa luôn rộng mở, nhưng thái độ thích dọa nạt sẽ không mang lại tác dụng gì", ông Charles Liu trao đổi với Bloomberg.