Những 'ông kẹ' ngành tôm thế giới chuyển dần sang chế biến: Mối hiểm hoạ lớn cho doanh nghiệp Việt Nam?
Ecuador, Ấn Độ tập trung nhiều hơn cho chế biến sau 2 năm khó khăn vì COVID-19
Trong một cuộc phỏng vấn với Undercurrent News , ông Jagdish Fofandi, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (SEAI), cho biết Ấn Độ đang phát triển mảng chế biến và Ecuador cũng đang làm điều tương tự.
“Có vẻ như Ecuador đang dần đuổi kịp chúng tôi về mảng chế biến tôm. Và nếu sản lượng ở Ecuador tăng mạnh, thì đây sẽ là áp lực lớn cho các nhà cung cấp trong đó có Ấn Độ. Khi đó, chúng tôi buộc phải thích nghi với việc này”, ông Jagdish Fofandi cho biết.
Kể từ khi hoạt động buôn bán tôm của Ecuador với Trung Quốc bị ngừng lại do các lệnh hạn chế để chống dịch COVID-19 và một số công ty bị đưa vào danh sách đen, nhiều nhà chế biến của nước này đã bắt đầu tăng sản lượng sản phẩm giá trị gia tăng, nhằm vào thị trường Mỹ. Trước đó, tại thị trường Trung Quốc, Ecuador chủ yếu xuất khẩu mặt hàng tôm nguyên con.
Điều này đồng nghĩa áp lực cạnh tranh đối với phân khúc tôm chế biến tại Mỹ sẽ dần tăng lên, nhất là khi Ecuador vừa có lợi thế về giá tôm nguyên liệu thấp (nhờ sản lượng lớn) và có vị trí gần Mỹ hơn.
Từ trước đến nay, Ecuador và Ấn Độ là 2 cái tên “sừng sỏ” của ngành tôm trên thế giới xét về sản lượng, lần lượt thay nhau vị trí số 1 và số 2. Việc nuôi với quy mô lớn và mật độ dày đặc khiến giá tôm của các nước này rẻ hơn hơn rất nhiều so với tôm Việt Nam. Tuy nhiên, cả Ấn Độ và Ecuador chủ yếu xuất khẩu tôm dưới dạng thô (tức là chưa qua chế biến).
Điển hình như Ecuador, sản lượng tôm nước này vừa qua đã chính thức vượt mốc 1 triệu tấn và dự báo gấp đôi trong 10 năm tới. Chưa kể nước này ở vị trí gần Mỹ và EU hơn Việt Nam nên tiết kiệm khoản chi phí lớn tiền cước tàu, nhất là trong bối cảnh giá cước liên tục tăng cao như hiện nay.
Còn với Ấn Độ, sản lượng tôm cũng quanh mốc 1 triệu tấn.
Trong khi đó tại Việt Nam, việc canh tác ở các vùng nuôi vẫn còn manh mún nhỏ lẻ và kỹ thuật nuôi mặt bằng chung vẫn chưa cao nên tỷ lệ tôm chết cao hơn và sản lượng thấp hơn. Sản lượng tôm thẻ chân trắng và tôm sú năm 2021 ở mức khoảng 900 nghìn tấn.
Do đó, Việt Nam không thể cạnh tranh được về giá nếu bán cùng phân khúc với Ecuador, Ấn Độ là tôm nguyên liệu, mà thay vào đó đẩy mạnh vào chế biến sâu.
Hiện tại các sản phẩm tôm chế biến sâu phổ biên ở Việt Nam như tôm hấp, tôm lột vỏ chừa đuôi (PTO), tôm sú Susi hấp, Sú PTO xiên que tẩm gia vị….
Trao đổi với người viết bên lề cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường Công ty CP Tập đoàn PAN (Mã: PAN), ông Nguyễn Duy Hưng nhận định tôm Việt Nam vẫn cạnh tranh được tôm giá rẻ nhờ công nghệ chế biến sâu:
“Thực ra với người tiêu dùng nước ngoài, tôm rẻ như mớ rau. Do đó, nhiều người chọn những gì ngon và tiện lợi thay vì giá rẻ”, ông Hưng nói.
Ông Hưng cho biết sẽ không theo đuổi việc tăng sản lượng vì ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nuôi.
“Nếu áp dụng công nghệ cao thì có thể tăng sản lượng nhưng làm như vậy sẽ chỉ được 1 vụ và phá tan nhiều các vụ nuôi tôm khác vì môi trường ao bị huỷ hoại”, ông Hưng nói.
Công nghệ chế biến của Ecuador và Ấn Độ vẫn đang ở mức trung bình
Mặc dù Ấn Độ và Ecuador đang dần nhắm tới phân khúc vốn là thế mạnh của Việt Nam nhưng một số doanh nghiệp chế biến tỏ ra không quá lo ngại.
Chia sẻ với người viết ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) cho rằng nếu Ấn Độ và Ecuador chế biến sâu với trình độ ngang tầm Việt Nam thì sẽ là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp chế biến như Sao Ta hay Minh Phú…vì họ có lợi thế về tôm nguyên liệu giá rẻ và vị trí địa lý gần các thị trường trọng điểm của Việt Nam như Mỹ và EU.
Tuy nhiên, theo ông Lực trong ngắn hạn không cần quá lo lắng bởi trình độ chế biến của Ấn Độ và Ecuador đều chỉ ở mức trung bình còn Việt Nam ở mức độ cao cấp.
“Để tiến lên từ cấp độ thấp lên bình Ấn Độ phải mất khoảng 7 năm. Còn Ecuador mới đạt được mức này 1,2 năm nay. Thậm chí, nhiều nhà máy tại Ecuador đang phải thuê các chuyên gia Việt Nam đến tư vấn”, ông Lực cho biết.
Giai đoạn trước năm 2019, việc cấp đông tôm tại các nhà máy Ecuador chủ yếu dưới dạng block (nguyên khối) thay vì cấp đông từng con do chi phí đầu tư máy móc cao vì phải nhập từ Châu Âu và quy trình vận hành phức tạp. Việc cấp đông dưới dạng block khiến tôm Ecuador khó vào siêu thị hơn.
Tuy nhiên, một số công ty chế biến của nước này đã nhập máy từ Việt Nam với chi phí chỉ bằng một nửa.
Chính vì thành công trong việc cấp đông rời mà tôm Ecuador dành được “miếng bánh” của Ấn Độ tại Mỹ và có thời điểm vươn lên dẫn đầu thị phần với 20%. Việt Nam đứng thứ 4 tại Mỹ với thị phần khoảng 9%.
Tuy nhiên, để đạt được trình độ chế biến được tôm hấp, luộc, tẩm bột như ở Việt Nam, theo ông Lực, Ecuador và Ấn Độ cần rất nhiều năm nữa.
“Đến lúc đó, trình độ chế biến tôm tại Việt Nam đã lên một bậc mới”, ông Lực nói.
Bên cạnh đó tại thị trường châu Âu, tôm Ấn Độ đang phải đối mặt với sự kiểm tra gắt gao về dư lượng thuốc kháng sinh.
Hiện tại, tỷ lệ EU lấy mẫu xét nghiệm đối với tôm Ấn Độ là 50% trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam và Thái Lan chỉ 10%.
Hơn thế nữa, Việt Nam có lợi thế về thuế quan hơn so với Ấn Độ nhờ Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA.