Xuất khẩu tôm tháng 5 chững lại ở thị trường Mỹ, tăng bật ở Trung Quốc
Nhập khẩu tôm của Mỹ sẽ chững lại cho đến tháng 9
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 457 triệu USD, tăng 31% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,9 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 5, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ chững lại trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc bật tăng.
Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 5 đạt 99 triệu USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, xuất khẩu tôm sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm chứng kiến mức tăng trưởng dao động 25-61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 390 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong vài tháng qua, Mỹ nhập khẩu tôm với số lượng lớn từ các nước như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Ecuador, dẫn đến tồn kho hiện ở mức cao. Điều này có thể làm giảm nhu cầu mua của các công ty nhập khẩu.
Ngoài ra, lạm phát tại Mỹ tăng cao kỷ lục, chính sách mới của Trung Quốc về phong tỏa nhằm hạn chế COVID, chiến sự ở Ukraine, tình trạng thiếu lao động và những khó khăn trong chuỗi cung ứng tại Mỹ có thể tác động tới doanh thu bán hàng tại Mỹ và nhu cầu tiêu thụ tôm của người tiêu dùng nước này.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm sang Mỹ trong những tháng tới sẽ không tăng mạnh như các tháng đầu năm. Song đến tháng 9, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ có thể phục hồi nhờ vào dịp Lễ Tạ ơn và mùa lễ hội cuối năm.
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng trưởng 3 con số
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc lại tăng bật 126-140% từ tháng 3 đến tháng 5.
Riêng tháng 5, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 88 triệu USD, tăng 126% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 275 triệu USD, tăng 101%.
Hiện, chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Trung Quốc đã bắt đầu được nới lỏng, kích thích nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng mạnh trở lại.
Nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay tăng 26% về lượng và tăng 51% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, lên 224.000 tấn và 1,45 tỷ USD.
Hiện, hai nguồn cung tôm lớn nhất cho Trung Quốc là Ecuador và Ấn Độ đều có những lô hàng tôm bị giới chức Trung Quốc từ chối trong tháng 4 do có dấu vết của virus Sar-CoV-2 trên bao bì sản phẩm.
Do đó, nhập khẩu tôm từ Ecuador và Ấn Độ vào Trung Quốc giảm lần lượt 28% và 30%. Và Trung Quốc có thể sẽ tăng nhập khẩu tôm từ các nguồn cung khác trong đó có Việt Nam.
Chính phủ Trung Quốc đang thảo luận để đưa ra các chính sách kinh doanh thuận lợi và cung cấp các gói kích cầu để khuyến khích chi tiêu của người tiêu dùng.
Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ tôm tại thị trường Trung Quốc. XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến vẫn tăng trưởng mạnh trong các tháng tới.
Đánh giá về triển vọng thị trường tôm, VASEP cho rằng xuất khẩu tôm trong tháng 6 sang các thị trường chính dự kiến sẽ không biến động nhiều so với tháng 5 và phụ thuộc nhiều vào diễn biến nguồn cung tôm nguyên liệu.
Bởi từ đầu tháng 5, thời tiết có chiều hướng bất lợi cho tôm nuôi, mưa đầu mùa sớm hơn mọi năm, ảnh hưởng đến sản lượng tôm. Do vậy, vài tháng tới có khả năng nguyên liệu tôm sẽ thiếu hụt hơn và xuất khẩu tôm quý II có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn so với quý I.