|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những nhân sự công nghệ bị sa thải tại Đông Nam Á giờ ra sao?

05:00 | 07/02/2023
Chia sẻ
Nhiều công ty công nghệ lớn đang trải qua các đợt cắt giảm nhân sự với số lượng lớn. Các công ty ở Đông Nam Á không phải một ngoại lệ.

“Tôi không thể quay về Ấn Độ để tham dự sinh nhật 2 tuổi của con gái mình vào tháng 12. Tôi bị sa thải một tháng trước sinh nhật bé”, Gautham AV, một cựu nhân viên của Meta ở Singapore, nói.

“Nếu tôi về Ấn Độ, sẽ rất khó để tôi có thể quay lại Singapore vì tôi sẽ phải xin lại visa khi chưa có việc trong tay”, anh chia sẻ thêm.

Gautham nằm trong số 11.000 nhân sự bị ảnh hưởng bởi đợt sa thải số lượng lớn diễn ra vào tháng 11 năm ngoái tại “ông lớn” công nghệ Meta.

Với những người nước ngoài bị sa thải, Meta đã tài trợ visa cho họ trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hợp đồng. Giờ thì Gautham chỉ còn một tháng để tìm việc mới ở Singapore. Điều này làm anh lo lắng.

 (Ảnh: Tech in Asia).

Ở Singapore nói riêng và Đông Nam Á nói chung, nhiều người lâm vào hoàn cảnh như Gautham sau quyết định của Meta. Theo tìm hiểu của Tech in Asia trên LinkedIn, gần 80% những người bị sa thải chưa tìm được việc mới. Điều tương tự cũng đang xảy ra với nhân sự tại Twitter, Shopee, Carousell, Zenius và một số công ty công nghệ tại Đông Nam Á khác.

Dù vậy, ông Peter Bithos, CEO Seek Asia, đợt sa thải này có thể được nhìn nhận theo một góc nhìn khác. “Tất cả những đợt sa thải này chỉ là một phần nhỏ cho nhu cầu tuyển dụng nhân sự công nghệ trong khu vực”, ông chia sẻ. Nhiều chuyên gia nhân sự và công ty tuyển dụng khác ở Đông Nam Á cũng có quan điểm tương tự.

Theo Bithos, nhu cầu tìm kiếm nhân sự công nghệ trên JobStreet hay JobsDB tăng 180% ở Singapore từ năm 2020 và tăng 75% ở Indonesia trong cùng kỳ.

Vậy những công ty nào đang tuyển dụng cho các nhân sự bị sa thải?

Các tập đoàn lớn là bến đỗ an toàn

Phần lớn các nhân sự bị sa thải đã được tuyển dụng bởi các startup đang lên. Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc đây là một vị trí có tính ổn định cao. Ngược lại, việc có khả năng lại bị cắt giảm một lần nữa khiến nhiều người nghĩa lại về việc “đầu quân” cho startup.

Một cựu nhân sự của Zenius nói với Tech in Asia rằng cô biết nhiều đồng nghiệp bị sa thải tới 2 lần trong năm 2022 khi làm việc tại 2 startup công nghệ khác nhau. Kết quả là họ quyết định không làm việc cho startup nữa.

 (Ảnh: Tech in Asia).

Thực tế, nhiều người đã bắt đầu làm việc cho các tập đoàn lớn và các công ty phi công nghệ.

“Những người bị sa thải từ các công ty công nghệ lớn đang gia nhập các startup giai đoạn sớm và vẫn có tiềm năng tăng trưởng nhờ vốn đầu tư mới nhận được”, Antonio Mazzo, đồng sáng lập WeNetwork, một công ty tuyển dụng Indonesia, nói. Dù vậy, anh quan sát thấy xu hướng nhiều người chọn các tập đoàn lớn vì cơ hội việc làm ổn định hơn. Theo Mazza, suy nghĩ của nhiều ứng viên đã thay đổi so với 2 năm trước khi một kĩ sư phần mềm sẽ muốn làm việc cho một startup tăng trưởng mạnh. Đến nay, họ bắt đầu thích làm việc cho một công ty lớn, ổn định.

Nurul Ramadani Nasution, trợ lý giám đốc mảng công nghệ tại công ty tuyển dụng Monroe Consulting Group, nói với Tech in Asia rằng nhiều nhân viên chọn gia nhập các công ty phi công nghệ đang muốn số hoá hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực như bán lẻ, tài chính và logistics.

Trong khi một số chuyên gia ước tính khoảng 60% nhân sự bị sa thải bởi các công ty công nghệ đã được tuyển dụng, một người khác nói rằng con số có thể lên tới 80%. Mặc dù khó để đưa ra con số chính xác, một nhà tuyển dụng cho rằng một số nhân sự công nghệ còn đang cân nhắc nhiều lời mời làm việc để chọn hướng đi tốt nhất.

Phần lớn chuyên gia đồng ý rằng các nhân sự có thể nhận được thư mời làm việc chỉ trong vòng vài tuần đầu sau khi bắt đầu tìm việc.

Dù vậy, thực tế có thể rất khác. Nhiều cựu nhân sự Zenius cho biết đồng nghiệp của họ mất vài tháng để tìm được việc mới. Một số người bị sa thải trong làn sóng sa thải đầu tiên ảnh hưởng đến các công ty công nghệ Indonesia vào giữa năm 2022 chỉ vừa mới tìm được việc. Trong khi đó những người bị ảnh hưởng trong làn sóng sa thải thứ 2 vẫn còn gặp khó khăn để tìm được một vị trí khác.

Vẫn là một thị trường tìm việc khó khăn

Nếu có nhiều tin tuyển dụng hơn số lượng ứng viên, vì sao họ vẫn gặp khó khăn khi tìm việc?

Chuyên gia tin rằng kỳ vọng về lương từ cả 2 phía là một yếu tố. Trong khi các công ty có vẻ chọn lọc hơn. “Với nhiều ứng viên, họ còn không chỉ còn muốn làm việc cho các công ty đưa ra cho nhân viên những đặc quyền thú vị”, ông Bithos của Seek Asia nói. Hiện nay, ứng viên quan tâm nhiều hơn đến triển vọng sự nghiệp lâi dài thay vì nhận lấy rủi ro khi “gia nhập một công ty trong 2 – 3 năm và nó biến mất”.

Theo Tech in Asia, mức độ ổn định của công việc còn được ưu tiên cao hơn so với cân nhắc về lương thưởng. Hiện tại, các ứng viên quan tâm đến sức khoẻ tài chính của công ty trước khi tìm kiếm một công việc tiềm năng.

Nam Khánh