|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những ngành có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất thế giới

07:30 | 19/04/2018
Chia sẻ
Theo số liệu của LinkedIn, tỷ lệ nghỉ việc trung bình trên toàn cầu năm 2017 là 10,9%. Công nghệ, bán lẻ, và truyền thông là những ngành có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất. 

Giữ nhân tài chính là bài toán làm đau đầu các doanh nghiệp khắp thế giới. Theo số liệu do LinkedIn phân tích, tỷ lệ nghỉ việc trung bình trên toàn cầu năm 2017 là 10,9%.

3 ngành có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất thế giới được gọi tên là: công nghệ (phần mềm), bán lẻ và truyền thông.

nhung nganh co ty le nghi viec cao nhat the gioi
3 ngành có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất thế giới là công nghệ phần mềm, bán lẻ và truyền thông. Nguồn: LinkedIn.

Các công ty công nghệ (phần mềm) có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất trong năm 2017 với 13,2%. Đứng thứ hai là bán lẻ - ngành có tốc độ tăng trưởng cao trong lịch sử với tỷ lệ nghỉ việc là 13%. Tiếp đó, ngành truyền thông/ giải trí đồng hạng với ngành dịch vụ cao cấp, tỷ lệ là 11,4%.

Cùng trong top 5 với tỷ lệ nghỉ việc 11,2% là các nhân viên làm việc cho Chính phủ, trong ngành giáo dục vào tổ chức phi lợi nhuận. Trong vài năm gần đây, những ngành này luôn đứng đầu về chỉ số biến động nhân sự.

Công nghệ, bán lẻ và truyền thông là những ngành có “lực lượng lao động” lỏng lẻo nhất với những lý do hoàn toàn khác nhau. Biết được những nguyên nhân này, các doanh nghiệp có thể bao quát và có hướng tổ chức nhân sự tốt hơn.

Nhân viên trong ngành trò chơi máy tính (15.5%), Internet (14.9%) và các phần mềm máy tính (13,3%) khiến ngành công nghệ có chỉ số biến động nhân sự lớn nhất. Tuy nhiên tỷ lệ này lại thấp hơn so với từng lĩnh vực cụ thể. Tỷ lệ nghỉ việc của các kĩ sư thiết kế trải nghiệm cực kì cao 23,3% (bởi họ rất được săn đón), các nhà phân tích dữ liệu và kỹ sư lập trình nhúng là 21,7%.

Có bằng chứng cho rằng, khó khăn trong việc giữ chân nhân tài của ngành công nghệ là do nhu cầu nhân sự cao và việc tăng chế độ đãi ngộ. Khi ngành nghề tính cạnh tranh cao, nhân tài sẵn sàng nhảy vào những cơ hội mới.

Theo số liệu của LinkedIn, gần một nửa (49%) nhân viên kỹ thuật nghỉ việc khi nhận được công việc mới trong ngành công nghệ.

Bán lẻ được xếp vào một trong những ngành có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất cũng phải chuyện lạ. Dẫn đầu là nhà hàng (17,2%), bán lẻ (16,2%) và siêu thị (15,4%). Bộ phận nghỉ việc nhiều là những nhân viên cấp thấp, thường là nhân viên thời vụ, như nhân viên bán lẻ (19,3%), phục vụ nhà hàng (17,6%) và dịch vụ khách hàng (17%).

Nguyên nhân của biến động nhân sự ngành này khá rõ ràng. Với sự phát triển của mua sắm trực tuyến, các công ty cần ít nhân sự thực tế hơn. Rất nhiều cựu nhân viên bán hàng phải tìm một công việc mới. Chỉ 35% số người nghỉ việc trụ lại ngành bán lẻ, theo LinkedIn.

Bất cứ ngành nào cũng cần đến truyền thông và giải trí. Chỉ số biến động nhân sự của ngành báo chí là 13,3%, truyền thông trực tuyến 13,2% và thể thao 13,2%. Đây đều là những ngành có tính cạnh tranh cao. Bất ngờ nhất phải kể đến nghề làm phim hoạt hình (25,6%) và nghệ thuật 3D (22,3%), gấp đôi tỷ lệ nghỉ việc trung bình toàn cầu. Chuyên viên tiếp thị (19,8%) xếp thứ 3 toàn ngành.

Hầu hết người nghỉ việc trong ngành truyền thông/ giải trí đều tìm kiếm ngành nghề khác. Chỉ 36% nhân sự thôi việc vẫn tiếp tục làm ngành.

Một lý do khiến ngành này có tỷ lệ nghỉ việc cao là bởi nó đặc biệt chú trọng vào các dự án dù là về mỹ thuật, âm nhạc hay thể thao, các tác phẩm phải xoay quanh chủ đề. Do đó, nhu cầu về nhân sự đương nhiên chảy nhanh hơn các ngành nghề khác

V. Thùy