|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những ngân hàng nào đang 'chiếm lĩnh' thị trường thẻ Việt Nam?

08:55 | 29/11/2021
Chia sẻ
4 ngân hàng dẫn đầu về số lượng thẻ đang lưu hành là VietinBank với 16,9 triệu thẻ (chiếm 15%); BIDV với 15,3 triệu thẻ (chiếm 14%); Vietcombank với 15,1 triệu thẻ (chiếm 14%); MB với 7,6 triệu thẻ (chiếm 7%).

Theo số liệu của Chi hội Thẻ - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tổng số lượng thẻ phát hành, đang lưu thông đến 30/6/2021 đạt 110 triệu thẻ các loại, tăng 28% so với cuối năm 2018. Trong đó, thẻ nội địa đạt 90,4 triệu thẻ, chiếm tỷ trọng 82%. 

4 ngân hàng dẫn đầu về số lượng thẻ đang lưu hành là VietinBank với 16,9 triệu thẻ (chiếm 15%); BIDV với 15,3 triệu thẻ (chiếm 14%); Vietcombank với 15,1 triệu thẻ (chiếm 14%); MB với 7,6 triệu thẻ (chiếm 7%). 

Những ngân hàng nào đang 'chiếm lĩnh' thị trường thẻ Việt Nam? - Ảnh 1.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Về thẻ ghi nợ nội địa, đến nay sau gần 4 năm đã tăng thêm 18%, đạt số lượng thẻ lưu hành 85,7 triệu thẻ. Top 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất đó là VietinBank (18%), Agribank (17%), BIDV (16%), Vietcombank (15%) và DongABank chiếm 7%. 

Về thẻ trả trước nội địa, đến 30/6/2021 có 11/41 ngân hàng phát hành loại thẻ này, với tổng số thẻ đang lưu hành đạt hơn 4,3 triệu thẻ, tăng 69% so với năm 2018. 

Về thẻ tín dụng nội địa, có 9/41 ngân hàng phát hành với 248.011 thẻ, tăng 19% so với năm 2019. Các tổ chức thành viên có thị phần lớn bao gồm Sacombank (chiếm 34%), Vietinbank (27%), ACB (chiếm 13%), NamABank (chiếm 12%) và Công ty tài chính JACCS (chiếm 10%).

Doanh số thẻ tăng 24% so với cùng kỳ năm trước

Cùng kỳ, doanh số sử dụng thẻ các loại của tổ chức thành viên tăng 24%. Trong đó, doanh số sử dụng thẻ ghi nợ nội địa tăng trung bình 8%/năm. 

Tính đến 30/6/2021, tổng doanh số sử dụng thẻ ghi nợ nội địa đạt hơn 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018. Vietcombank tiếp tục dẫn đầu với 23% thị phần, theo sau là Agribank (19%), BIDV (13%), Vietinbank (12%), DongABank (6%).

Những ngân hàng nào đang 'chiếm lĩnh' thị trường thẻ Việt Nam? - Ảnh 2.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhu cầu chi tiêu, mua sắm của người dân giảm, dẫn đến doanh số sử dụng thẻ nội địa từ năm 2020 đến nay giảm 11% so với năm 2018. 

Điểm cộng trong hoạt động này là trong khi tỷ trọng doanh số chi tiêu qua thẻ tăng từ 15% (năm 2018) lên 22% (năm 2021) thì tỷ trọng doanh số rút tiền mặt qua thẻ đã giảm dần từ 85% năm 2018 xuống 82% năm 2020 và 78% tại thời điểm 30/6/2021. Top 5 ngân hàng dẫn đầu về doanh số sử dụng thẻ gồm Vietcombank (18%), Agribank (14%), Vietinbank (13%), BIDV (4%) và Sacombank (10%).

TPBank, Techcombank, MB dẫn đầu về doanh số thẻ quốc tế

Doanh số sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế tăng 27%/năm giai đoạn 2018 - 2020. Tính đến 30/6/2021, doanh số đạt 245.662 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Top 5 ngân hàng chiếm thị phần cao nhất bao gồm Sacombank (32%), Techcombank (18%), VietinBank (10%), ACB (9%), Vietcombank (8%). 

Trong khi đó, doanh số sử dụng thẻ tín dụng quốc tế tăng 33%/năm trong giai đoạn 2018 - 2020. Tính đến 30/6/2021, doanh số sử dụng thẻ tín dụng quốc tế tăng 32% so với cùng kỳ, đạt 219.611 tỷ đồng. 5 ngân hàng dẫn đầu thị phần bao gồm TPBank (17%), VPBank (16%), Techcombank (15,7%), VIB (8%), Sacombank (6%).

Những ngân hàng nào đang 'chiếm lĩnh' thị trường thẻ Việt Nam? - Ảnh 3.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Về doanh số thanh toán thẻ quốc tế của các tổ chức thành viên, 6 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt 474.969 tỷ đồng, tăng 55% (trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018 - 2021 chỉ đạt 19%/năm). Những ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất là Sacombank (22%), Techcombank (16%), VietinBank (14%), Vietcombank (11%) và BIDV (8%).

Đối với hoạt động thanh toán thẻ, tính chung cho cả doanh số sử dụng và doanh số rút tiền mặt, ghi nhận tốc độ tăng bình quân 5%/năm. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh số thanh toán thẻ của các tổ chức thành viên vẫn đat hơn 1,78 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2020. 

Trong đó, doanh số thanh toán chiếm 34% và doanh số rút tiền mặt chiếm 64%. Vietcombank chiếm thị phần lớn nhất (21%), Agribank (17%), Vietinbank (13%), BIDV (11,4%) và Sacombank (11%).

Về phát triển mạng lưới, trong giai đoạn 2018 đến nay, số lượng máy ATM của các tổ chức thành viên chỉ tăng 5%, từ 18.434 máy lên 19.398 máy tại thời điểm 30/6/2021. Ở chiều ngược lại, đến 30/6/2021 mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ đã có tổng số POS 188.395 máy. 

Theo đó, Vietcombank dẫn đầu thị phần với 45.825 POS lưu hành, chiếm 24%; BIDV (20%), Vietinbank (17%), Agribank (14%), Sacombank (7%). 

Số lượng mPOS (máy quẹt thẻ) tăng gấp 4 lần trong giai đoạn từ 2018 đến nay, từ đến 27.565 máy lên 117.298 máy tại thời điểm 30/6/2021. Số lượng đơn vị chấp nhận thẻ QR cũng tăng gấp 2 lần, từ 57.969 đơn vị lên 115.739 đơn vị. 

Ngược lại, số lượng đơn vị chấp nhận thẻ Ecom (thanh toán trực tiếp trên các website trực tuyến) có xu hướng giảm, từ 2.525 đơn vị chấp nhận thẻ năm 2018 xuống 1.760 đơn vị chấp nhận thẻ tính đến 30/6/2021, tương đương với mức giảm 30%.

Lê Huy