|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thế đang lên của dịch vụ ngân hàng số tại Đông Nam Á

14:00 | 15/10/2021
Chia sẻ
Ở Đông Nam Á, cứ 10 người thì có 7 người thiếu tiếp cận đến các dịch vụ ngân hàng cơ bản. Dù vậy, ngân hàng số có tiềm năng để thay đổi điều này.

Quy mô thị trường dịch vụ tài chính số trong khu vực Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ tăng lên 38 tỷ USD vào năm 2025 từ con số 11 tỷ USD ở thời điểm hiện tại, theo Tech in Asia.

Toàn cảnh bức tranh dịch vụ ngân hàng số tại Đông Nam Á - Ảnh 1.

(Nguồn: Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).

Nhiều startup fintech đang nỗ lực để có một phần miếng bánh thị phần ngân hàng số. Từng khá ì ạch trong chuyển đổi số, các ngân hàng truyền thống hiện cũng đứng giữa ngã rẽ quan trọng, hoặc nỗ lực đổi mới bản thân hoặc đứng trước nguy cơ "lỗi thời" khi người dùng ngày càng ưa thích công nghệ. Tại Đông Nam Á, 2/3 dân số đang truy cập Internet qua điện thoại di động.

Thế đang lên của dịch vụ ngân hàng số tại Đông Nam Á

Ngân hàng số (digital bank), thuật ngữ chung chỉ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngân hàng truyền thống trên web hoặc di động, thường là một phần của các ngân hàng truyền thống.

Năm 2000, những ngân hàng số đầu tiên ở Châu Á – Thái Bình Dương, ING Direct và Japan Net Bank, được lần lượt giới thiệu ở Australia và Nhật Bản, nhiều năm trước khi các công ty như Alibaba hay WeBank (Tencent) đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng số ở Trung Quốc.

Dịch vụ ngân hàng trực tuyến miễn phí của ING Direct thậm chí trở thành hình mẫu cho các dịch vụ đến từ các nhà băng ở Mỹ. Trong khi đó, dịch 24/7 của Japan Net Bank cũng đón đầu nhu cầu kinh doanh trực tuyến và thanh toán số ở Nhật Bản.

Hai thập niên sau đó, nhiều công ty Đông Nam Á đang học hỏi chiến lược ưu tiên nền tảng di động của các công ty Trung Quốc để áp dụng vào cuộc chơi thanh toán và ngân hàng.

Toàn cảnh bức tranh dịch vụ ngân hàng số tại Đông Nam Á - Ảnh 2.

(Nguồn: Statista, We are Social, GSMA, Việt hoá: Thái Sơn).

Sự xuất hiện của các công nghệ kết nối mới như 4G hay 5G cũng đóng góp tích cực trong xu hướng này. Tất cả các thực tế nói trên đẩy mạnh việc đón nhận dịch vụ ngân hàng số ở Đông Nam Á. Dù vậy, một số thị trường như Thái Lan hay Việt Nam vẫn chủ yếu thanh toán sử dụng tiền mặt.

Dù vậy, HSBC dự phóng các giao dịch tiền mặt ở Đông Nam Á có thể sẽ giảm xuống chỉ còn một nửa trong 10 năm tiếp theo.

Ai đang tham gia cuộc chơi này?

Theo Tech in Asia, các công ty cung cấp dịch vụ ngân hàng số tại Đông Nam Á có thể chia thành 3 loại:

Neobank (ngân hàng thế hệ mới, ví dụ Tonik hoặc Aspire): các công ty phi ngân hàng có cách tiếp cận phụ thuộc vào công nghệ để cung cấp một hoặc nhiều hơn các chức năng ngân hàng. Họ không có dịch vụ ngân hàng toàn diện và thường tập trung vào một sản phẩm tài chính đặc thù.

Challenger bank (ngân hàng bán lẻ thách thức, ví dụ Bank Jago hoặc SeaMoney): các công ty này có giấy phép ngân hàng toàn diện và cung cấp nhiều dịch vụ, sản phẩm hơn các Neobank. Mặc dù hoạt động chủ yếu trên nền tảng số, các ngân hàng Challenger bank cũng có thể có những hiện diện vật lý nhất định.

Digital bank (ngân hàng số, ví dụ TMRW – UBO và Digibank - DBS): mảng ngân hàng số của các ngân hàng truyền thống.

Một ví dụ của neobank là công ty fintech B2B Fomo Pay. Fomo Pay định nghĩa bản thân là một cổng thanh toán cho phép các nhà bán hàng chấp nhận và xử lý thanh toán cả trực tiếp và trực tuyến.

Hiện tại, Fomo Pay cũng đang nhận được thêm một số giấy phép mới từ Cơ quan Tiền tệ Singapore, bao gồm cả các dịch vụ thanh toán nội địa và thanh toán số sử dụng token.

Trong khi challenger bank thường cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống, họ cũng có thể lựa chọn các cách tiếp cận khác nhau. Một số công ty như nền tảng cho vay số Akulaku chọn cách hợp tác với các ngân hàng truyền thống địa phương.

Toàn cảnh bức tranh dịch vụ ngân hàng số tại Đông Nam Á - Ảnh 3.

(Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Những hợp tác như vậy giúp ngân hàng truyền thống tiếp cận được thêm một phân khúc khách hàng mới. Trong khi đó, neobank lại tận dụng được các giấy phép mà ngân hàng truyền thống có.

Là một phần của ngân hàng truyền thống, digital bank thường cung cấp dịch vụ, sản phẩm rộng hơn so với neobank.

Toàn cảnh bức tranh dịch vụ ngân hàng số tại Đông Nam Á - Ảnh 4.

(Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Nhiều ngân hàng truyền thống cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng số. Ví dụ, PT Bank Central Asia (Indonesia) mới đây đã đầu tư 200 triệu USD vào mảng số để cạnh tranh với những "ông lớn" công nghệ trong khu vực như GoTo hay Sea.

Toàn cảnh bức tranh dịch vụ ngân hàng số tại Đông Nam Á - Ảnh 5.

Số lượng các neobank thành lập tại Đông Nam Á. (Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Dù nhiều nỗ lực, việc có lợi nhuận vẫn sẽ là một thách thức. Trong số các challenger bank trên toàn cầu, KaKaoBank (Hàn Quốc) được xem là một bài học thành công điển hình khi có lãi chỉ 2 năm sau khi triển khai. Ngược lại, Revolut (Anh) vẫn lỗ 6 năm sau khi vận hành mặc dù đã có 15,5 triệu người dùng đăng ký.

Tăng vọt số lượng ngân hàng thế hệ mới

Nhiều công ty fintech đang tìm cách tận dụng cơ hội ở mảng ngân hàng số. Số lượng các neobank được thành lập tại Đông Nam Á sau năm 2015 trùng hợp với dòng vốn đầu tư mạo hiểm đổ mạnh vào các công ty fintech.

Toàn cảnh bức tranh dịch vụ ngân hàng số tại Đông Nam Á - Ảnh 6.

Phân khúc khách hàng các công ty ngân hàng số tại Đông Nam Á hướng đến. (Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016, gần 21,6% trong tổng lượng đầu tư 1,5 tỷ USD được dành cho các công ty fintech trong khu vực.

Theo Tech in Asia, hơn một nửa trong số các công ty cung cấp dịch vụ ngân hàng số có định hướng bán lẻ, trong khi đó chỉ một phần năm hướng đến cả phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp.

Nam Khánh