Mobile Money và sự phát triển thần tốc tại châu Phi trong 10 năm qua?
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ cấp phép thí điểm Mobile Money từ đầu tháng 10 tại hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hôm 26/9. Bộ trưởng kỳ vọng Mobile Money sẽ tạo ra một cú hích thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số.
Mobile Money được kỳ vọng sẽ giúp nhóm dân số chưa tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng hoặc tiếp cận còn hạn chế với dịch vụ ngân hàng cũng có thể sử dụng được thanh toán không tiền mặt.
Trên thế giới, Mobile Money đã được triển khai tại nhiều quốc gia với các mức độ thành công khác nhau. Tuy nhiên, Châu Phi, cụ thể là khu vực Châu Phi hạ Sahara, là một ví dụ thành công điển hình nhất.
Hai trong số những câu chuyện startup lớn nhất Châu Phi là giá trị định giá tỷ USD của các startup OPay và Wave. Phát triển nhờ dòng vốn của các nhà đầu tư Mỹ và Trung Quốc, 2 startup này nhanh chóng có được thị phần lớn ở mảng dịch vụ tài chính tại Nigeria và Senegal vì tận dụng được cơ hội do Mobile Money mang tới.
Dù vậy, OPay và Wave chỉ là hai trong số rất nhiều công ty đứng sau đợt thúc đẩy dịch vụ Mobile Money ở Châu Phi hạ Sahara. Ở khu vực này, Mobile Money đang phục vụ khối lượng giao dịch giá trị 13 tỷ USD mỗi tháng, nhiều hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới ở loại hình thanh toán này.
Sự phát triển của Mobile Money tại Châu Phi
Theo GSM Association (GSMA), 64% trong số 1,2 tỷ USD giá trị giao dịch hàng ngày thông qua các nền tảng Mobile Money trong năm 2020 được thực hiện ở khu vực Châu Phi hạ Sahara.
Dù vậy, trước năm 2011, Mobile Money tại khu vực này thường chỉ gắn liền với M-Pesa, dịch vụ tiên phong do Safaricom triển khai, ở Kenya vào năm 2007.
Orange, Airtel, và MTN nhanh chóng triển khai các dịch vụ của riêng mình một vài năm sau đó. Tuy nhiên, một số công ty không phải nhà mạng như Paga, Firstmonie, Ecobank và Standard Bank cũng bước chân vào lĩnh vực này. Diễn biến nói trên khiến môi trường kinh doanh mảng Mobile Money tại Châu Phi ngày càng đa dạng.
Kết quả là đã có ít nhất 11 quốc gia ở Châu Phi hạ Saraha có từ 5 dịch vụ Mobile Money trở lên đang được khai thác. Hơn một nửa trong số số 310 dịch vụ Mobile Money đang hoạt động trên thế giới là ở Châu Phi.
Sự đa dạng của các nhà cung cấp dịch vụ cũng giúp số lượng tài khoản Mobile Money ở khu vực Châu Phi hạ Sahara tăng 11 lần trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2020. Khu vực này chiếm tỷ trọng 45% tổng số tài khoản Mobile Money đăng ký và 48% số lượng đại lý đăng ký trong năm ngoái.
Những số liệu nói trên cho thấy khu vực Châu Phi hạ Sahara là cực kỳ màu mỡ dành cho các nhà đầu tư đang muốn hưởng lợi từ các thị trường tài chính đang phát triển.
Mặc dù số liệu Mobile Money tại đây là rất ấn tượng, thập niên tiếp theo của Mobile Money có thể sẽ còn ấn tượng hơn nữa nếu như vấn đề quản lý và điều hành ở lĩnh vực này được quan tâm nhiều hơn, theo QZ.
Cần nhiều hạ tầng và đầu tư hơn
GSMA đã đưa ra "điểm chỉ số điều hành" cho 90 quốc gia để xác định quốc gia nào có môi trường thuận lợi nhất cho Mobile Money. Điểm số được đưa ra dựa trên 6 yếu tố bao gồm bảo hệ khách hàng, KYC, hạ tầng và môi trường đầu tư.
Trong khi phần lớn các quốc gia Châu Phi hạ Sahara đều có điểm số khá cao (trên 70/100), vẫn có những quan ngại đáng chú ý. Ví dụ, Kenya, Bờ Biển Ngà và Senegal chỉ đạt 32 điểm ở hạng mục KYC, đồng nghĩa với việc các khâu liên quan đến xác nhận và xác thực còn cần được tối ưu nhiều hơn.
Nigeria có thể mạnh ở KYC (92) và bảo vệ khách hàng (100), một phần nhờ việc ngân hàng trung ương kiểm soát gắt gao mảng tài chính. Quốc gia này tụt lại so với Ghana, Liberia và Nam Phi ở môi trường thuận lợi về hạ tầng và đầu tư. Hồi tháng 7, ngân hàng trung ương Nigeria đưa ra một chỉ thị cơ bản ngăn chặn nhà mạng tham gia vào mảng Mobile Money.