PayPal sắp ra mắt siêu ứng dụng hợp nhất quản lý tài chính cho khách hàng
Với tin tức nóng hổi được công bố vào ngày 21/9 vừa qua về việc Paypal sẽ tung ra siêu ứng dụng mới được nhiều người mong đợi, những người theo dõi thị trường coi đây là một thời điểm xác định trong sự phát triển của cả không gian ứng dụng thanh toán vốn bị phân mảnh
Không chỉ vậy, siêu ứng dụng của PayPal cũng làm dấy lên hy vọng về một nền kinh tế kết nối, khuyến khích các mô hình tích hợp.
Kế hoạch siêu ứng dụng thanh toán của PayPal
Nói về kế hoạch siêu ứng dụng của mình trong những tháng gần đây, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Paypal, Dan Schulman, nói với giám đốc điều hành kênh tin tức hàng đầu về thanh toán PYMNTS Karen Webster vào quý II rằng:
“Không người tiêu dùng nào hiện nay muốn có tới 40 hoặc 50 ứng dụng trên điện thoại của họ”, thêm rằng “phải có siêu ứng dụng để hợp nhất tất cả các công cụ tài chính của họ. Và nhân tiện, những công cụ tài chính đó bao gồm điểm thưởng và khả năng chọn mua ngay bây giờ, thanh toán sau hoặc thậm chí là quét mã QR”.
Một thời gian sau tuyên bố đó, ông Schulman cho biết trong thông báo mới rằng: “Ứng dụng mới của chúng tôi cung cấp cho khách hàng trải nghiệm đơn giản, an toàn và được cá nhân hóa, xây dựng trên nền tảng tin cậy và bảo mật, đồng thời loại bỏ sự phức tạp của việc phải quản lý nhiều ứng dụng tài chính hoặc mua sắm. Bạn chỉ cần nhớ mật khẩu và theo dõi phần thưởng”.
Điều mà chủ tịch PayPal gọi là “đơn giản hóa” thực chất là một cách nói khác của siêu tích hợp, vì siêu ứng dụng này của gã khổng lồ thanh toán sẽ đưa các khoản thanh toán, chuyển tiền và thậm chí cả tài khoản tiết kiệm do Synchrony Bank (ngân hàng Mỹ) cung cấp vào “bảng điều khiển được cá nhân hóa trong tài khoản PayPal của khách hàng, một tab ví để quản lý các công cụ thanh toán và cho phép gửi tiền trực tiếp, một tab tài chính bao gồm quyền truy cập vào các khả năng tiết kiệm và tiền điện tử có lợi nhuận cao”.
Ngoài ra, siêu ứng dụng cũng có “một trung tâm thanh toán bao gồm các tính năng gửi và nhận tiền, chuyển tiền quốc tế, cho từ thiện và phi lợi nhuận, thanh toán hóa đơn và tính năng nhắn tin hai chiều để gửi ghi chú xác nhận sau các giao dịch ngang giá”.
Tận dụng các sở thích kết nối của người tiêu dùng
Trong hơn một năm qua, khi đại dịch ảnh hưởng tới nền tài chính toàn cầu cũng như thói quen của người tiêu dùng, kế hoạch xây dựng siêu ứng dụng được thúc đẩy chuyển từ khái niệm thành hiện thực nhanh hơn.
Một động lực khác là sự phát triển của thương mại kỹ thuật số thúc đẩy khách hàng và các công ty phải suy nghĩ lại về tính hiệu quả của hành động thanh toán trực tuyến, đồng thời hình dung các khả năng kết nối mới.
Như giám đốc PYMNTS đã lưu ý vào tháng 6 vừa qua: “Người tiêu dùng thích được kết nối và hầu hết họ đều muốn hợp lý hóa nhiều hoạt động thành một kênh kỹ thuật số duy nhất để dễ dàng và thuận tiện theo dõi".
Siêu ứng dụng mới của Paypal sẽ giới thiệu một loạt công cụ mua sắm mới để cho phép khách hàng khám phá các giao dịch độc quyền, mua hàng và kiếm phần thưởng liên tục trong ứng dụng. Điều đó bao gồm giảm giá và ưu đãi “trên hàng trăm thương hiệu phổ biến và sẽ có thể mua sắm thông qua trình duyệt trong ứng dụng.
Khách hàng cũng có thể lưu các ưu đãi vào ví của họ để sử dụng trong tương lai khi thanh toán bằng PayPal trong ứng dụng hoặc trực tuyến và sử dụng trình duyệt trong ứng dụng để tìm kiếm các phiếu giảm giá, tiết kiệm hơn khi mua sắm với PayPal.
Ứng dụng này cũng sẽ bao gồm một chương trình khách hàng thân thiết mới, nơi khách hàng có thể kiếm được phần thưởng sau đó đổi thành tiền mặt và tín dụng mua sắm PayPal trên các giao dịch mua đủ điều kiện đã hoàn tất bằng PayPal”.
Một tương lai của siêu ứng dụng chắc chắn sẽ đến
Siêu ứng dụng mới của Paypal có thể sẽ thúc đẩy những đối thủ thanh toán khác ở Mỹ và châu Âu gia nhập cuộc chơi. Trong khi đó ở Trung Quốc - nơi khởi nguồn của khái niệm siêu ứng dụng - các nhà quản lý đang xem nhẹ khả năng tổng hợp dữ liệu của các ứng dụng nói chung.
Vào tháng 5, cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc đã cáo buộc các nhà khai thác 105 ứng dụng thu thập và khai thác bất hợp pháp dữ liệu người dùng, theo WSJ. Các công ty có 3 tuần để thay đổi cách thức hoạt động của họ hoặc đối mặt với các hậu quả pháp lý. Và ngay trước đó, các nhà khai thác 117 ứng dụng cũng bị yêu cầu thực hiện thay đổi.
Brazil là một thị trường tài chính lớn khác, nơi các ứng dụng và siêu ứng dụng thanh toán rất phát triển. WhatsApp do Facebook sở hữu cũng đã khởi chạy lại dịch vụ thanh toán của mình vào tháng 5/2021 sau khi Ngân hàng Trung ương Brazil đình chỉ hoạt động đó trong gần một năm do lo ngại về tính bảo mật.