Những nét chung trên báo cáo tài chính các ngân hàng 9 tháng đầu năm
Tính đến thời điểm hiện tại đã có 18 ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh quí III và 9 tháng đầu năm 2019 với những con số khác nhau theo từng qui mô của mỗi ngân hàng. Trên báo cáo tài chính của một số ngân hàng xuất hiện nhiều điểm tương đồng.
Nhiều ngân hàng báo lãi đột biến
Thống kê số liệu lợi nhuận các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh cho thấy trong 18 ngân hàng thì có tới 17 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kì năm trước. Ngân hàng duy nhất có lợi nhuận sụt giảm mà giảm mạnh tới gần 42% là Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank).
Trong đó, 10 ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trên 33%, 6 ngân hàng có tăng trưởng trên 50% so với cùng kì (gồm: Saigonbank, Sacombank, SeABank, LienVietPostBank, VIB và Vietcombank).
Tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm
Nguồn: DB tổng hợp
Ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất là Saigonbank với 198 tỉ đồng, gấp hơn hai lần con số của cùng kì năm trước (94 tỉ đồng).
Xét về con số tuyệt đối, một nửa số ngân hàng trên có lợi nhuận nghìn tỉ đồng trong ba quí đầu năm và ngân hàng có lợi nhuận sau thuế cao nhất là Vietcombank với 14.127 tỉ đồng.
Cắt giảm mạnh chi phí dự phòng để đổi lấy tăng trưởng lợi nhuận
Một điểm chung đáng chú ý trong các báo cáo tài chính của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm là việc cắt giảm chi phí dự phòng để thúc đẩy tăng trưởng về lợi nhuận.
Thông thường khi không có những yếu tố đột biến, đặc thù thì chi phí dự phòng rủi ro tại các ngân hàng sẽ tăng trưởng theo biến động của cho vay khách hàng.
Tuy nhiên, trên thực tế tại một số ngân hàng đang diễn ra quá trình giảm mạnh chi phí dự phòng như: ACB (giảm 75,5%), Saigonbank (giảm 65,3%), VietBank (giảm 54%), Bac A Bank (giảm 39,4%), VietABank (giảm 37,3%).
Ảnh hưởng của việc cắt giảm mạnh chi phí dự phòng này được thể hiện rõ nét qua trường hợp của Saigonbank. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm 1,6% nhưng do cắt giảm hơn 65% chi phí dự phòng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã tăng mạnh 81%, lãi sau thuế tăng gấp đôi.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Saigonbank
Nguồn: BCTC Saigonbank
Điều tương tự cũng xảy ra tại Ngân hàng Bắc Á, khi lợi nhuận thuần từ kinh doanh của ngân hàng cũng giảm 3,6% và chỉ nhờ cắt giảm gần 40% chi phí dự phòng, tăng trưởng lợi nhuận lại dương trở lại (+10,8%).
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Bac A Bank
Nguồn: BCTC Bac A Bank
Tăng trưởng mạnh cho vay khách hàng
Trong 18 ngân hàng khảo sát thì có tới 17 ngân hàng có tăng trưởng về cho vay khách hàng. ABBank là ngân hàng duy nhất sụt giảm nhẹ 1%.
Mặc dù tín dụng đã được NHNN siết lại vào đầu năm và mức tăng trưởng tín dụng đến thời điểm cuối tháng 9 khoảng 8,64% (đến 24/9) nhưng mức tăng cho vay khách hàng tại nhiều ngân hàng đã vượt mức 13%/năm (chỉ tiêu mà NHNN giao cho nhiều ngân hàng thương mại).
Các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao như VIB (tăng 28,2%), TPBank (20,4%), Sacombank (13,1%), LienVietPostBank (13%),...
Nguồn: DB tổng hợp
Nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng
Cùng với tăng trưởng tín dụng, số dư nợ xấu tại các ngân hàng khảo sát (có công bố chi tiết về nợ xấu) đều ghi nhận tăng trưởng. Đặc biệt có một số ngân hàng có tăng trưởng khá cao như ABBank (tăng 79%), TPBank (hơn 63%), MBBank (gần 30%), Vietcombank và Kienlongbank (tăng hơn 22%).
Hai ngân hàng có số dư nợ xấu giảm trong kì là SeABank (giảm 16%) và Saigonbank (giảm 2,5%).
Nguồn: DB tổng hợp