Ác mộng của chủ tiệm spa khi thuê mặt bằng không chuẩn, nhân viên gian dối
Ngay từ khi còn học tại Học viện Tài chính Hà Nội, chị Trần Thị Đoàn đã làm thêm cho các tiệm spa. Dù chỉ làm bán thời gian, nhưng Đoàn dành nhiều thời gian để tìm hiểu về da, kĩ thuật mới và các sản phẩm chăm sóc da.
Ra trường, chị đầu quân vào mảng spa của một tập đoàn lớn để thỏa niềm đam mê. Đào tạo nhân viên trong toàn hệ thống là một trong những nhiệm vụ của chị.
Năm 2011, Đoàn nghỉ việc để sinh con, đồng thời phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình.
Nhưng khi thương hiệu mĩ phẩm JPP ở Nhật Bản mời chị hợp tác để làm đại lí độc quyền ở Việt Nam, niềm đam mê chăm sóc sắc đẹp bùng lên và chị đồng ý. Chị trở thành người ứng dụng độc quyền công nghệ và qui trình chăm sóc sắc đẹp của JPP, hợp tác với nhiều tiệm spa.
Khi làm việc với các cơ sở spa, Đoàn nhận thấy phần lớn họ không đầu tư cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn quốc tế, dịch vụ không chuyên nghiệp nhưng nhân viên kinh doanh hay tô vẽ sản phẩm quá mức khiến khách hàng cao cấp hay phàn nàn.
Vì thế, ý tưởng lập một cơ sở spa riêng cứ lớn dần trong tâm trí của chị. Năm 2016, chị khai trương cơ sở spa ở phố Tuệ Tĩnh (Hà Nội), tỉ mỉ "set up" không gian và lựa chọn nhân sự rất cẩn thận.
Cơ sở kinh doanh vừa mới hoạt động, Đoàn đã phát hiện hàng loạt vấn đề. Trở ngại đầu tiên đến từ chính tòa nhà mà chị đặt cơ sở. Hàng loạt khiếm khuyết trong dịch vụ của tòa nhà khiến khách hàng không muốn quay lại dù dịch vụ spa của Đoàn rất tốt.
Vì thế, chỉ sau gần một năm, Đoàn buộc phải chuyển cơ sở tới địa điểm khác. Chị đầu tư cơ sở vật chất từ đầu, đồng thời chi thêm tiền mua thiết bị mới để mở rộng qui mô. Tiền thuê địa điểm mới, chi phí mua sắm máy móc quá nhiều khiến chị nhanh chóng lâm vào tình trạng cạn vốn.
Đúng lúc sức ép tài chính dâng cao, Đoàn lại phát hiện những vấn đề khác trong hoạt động quản lí nhân sự. Một số người quản lí và nhân viên đã sử dụng máy móc của cô để phục vụ "chui" khách và trục lợi. Giống như rơi vào địa ngục, cô cảm thấy bế tắc hoàn toàn.
"Mặt bằng chưa hoàn thiện, tiền đã hết, niềm tin với nhân viên không còn, nguy cơ mất khách hàng đang đến rất gần. Một người cầu toàn như tôi rơi vào mớ bòng bong đó giống như rơi vào địa ngục", chị thổ lộ.
Lúc khó khăn, bản lĩnh mới trỗi dậy. Đoàn nhận thấy cô phải vay tiền để hoàn thành nốt mặt bằng và thiết kế không gian spa, thanh lọc những nhân viên gian dối. Điều quan trọng nhất mà cô cần giữ là uy tín và chất lượng dịch vụ.
Sau khi sa thải những nhân viên "đi đêm" với khách, Đoàn tuyển những người mới và đào tạo từ đầu. Cô cũng đối thoại với từng khách hàng để họ hiểu hoàn cảnh của cô. Thông cảm với Đoàn, nhiều khách hàng thậm chí còn ngỏ ý cho cô vay vốn để hoàn thiện mặt bằng và mua máy móc. Sự ủng hộ của những khách hàng cũ giúp Đoàn vượt qua khó khăn.
Trải nghiệm đau đớn của bản thân khiến Đoàn nghĩ tới vấn đề nhân sự của mảng dịch vụ spa. Muốn cung cấp dịch vụ hoàn hảo, các cơ sở spa không chỉ cần những nhân viên có trình độ chuyên môn cao, thái độ chuyên nghiệp, mà còn cần những nhân viên trung thực, tận tụy.
Vì thế, Đoàn liên tục mở các khóa đào tạo nhân viên. Từ những khóa đó, chị phát hiện rằng bản thân chị có sở trường và cũng đam mê hoạt động đào tạo. Cô nảy ra ý tưởng tuyển dụng và đào tạo nhân sự chuyên nghiệp để cung cấp cho ngành spa.
Năm 2019, Đoàn chính thức thành lập hệ thống đào tạo nhân sự cho các spa cao cấp. Chị mua độc quyền MBT - hệ thống đào tạo liên ngành y có pháp nhân ở nhiều nước, giáo trình nước ngoài - để áp dụng ở Việt Nam.
Khởi nghiệp lần nữa với nghề mới, Đoàn thành lập Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Abe.
"Tôi tin rằng bản tính cầu toàn sẽ giúp tôi thành công với nghề mới", Đoàn khẳng định.