|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những gã khổng lồ công nghệ Việt Nam nào đang hút dòng vốn khủng?

14:50 | 18/07/2024
Chia sẻ
The CrownX (Masan Group), VNLife (VNPay), Tiki là ba cái tên đứng đầu danh sách được nhà đầu tư ngoại rót vốn nhiều nhất trong 10 năm trở lại đây.

Theo Tech in Asia, thị trường đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam đã có bước nhảy vọt ngoạn mục, tăng hơn gấp ba từ 451 triệu USD năm 2020 lên 1,4 tỷ USD năm 2021. Không chỉ giá trị đầu tư, số lượng các thương vụ gọi vốn thành công cũng tăng gấp ba lần trong cùng năm.

Với sự phát triển như vũ bão của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đâu sẽ là cái tên tiếp theo lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư? Dưới đây là thống kê của Tech in Asia về dòng vốn đổ vào các công ty có yếu tố công nghệ tại Việt Nam trong 10 năm qua.

 

Theo biểu đồ, The CrownX thuộc Masan Group (mã: MSN) là doanh nghiệp có yếu tố công nghệ nhận được vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong thập kỷ qua. The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings (MCH) và WinCommerce (WCM). 

Đỉnh điểm riêng trong năm 2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót hàng tỷ đô vào "chiếc vương miện" này của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Trong đó, vào tháng 4/2021, nhóm các nhà đầu tư Alibaba và Baring Private Equity Asia mua 5,5% cổ phần phát hành mới của The CrownX với giá 400 triệu USD.

Trong tháng 11 cùng năm, chaebol hàng đầu Hàn Quốc - SK Group đã mua lại 4,9% cổ phần của The CrownX với giá 340 triệu USD. Tiếp tới tháng 12, nhóm các nhà đầu tư bao gồm TPG, Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi (ADIA) và SeaTown Holdings đầu tư 350 triệu USD vào The CrownX.

Đứng thứ hai là VNLife - đơn vị sở hữu ví điện tử VNPay, với tổng số vốn nhận được 550 triệu USD. Theo Tech in Asia, năm 2019, VNLife từng nhận được khoản đầu tư 300 triệu USD từ GIC và SoftBank Vision Fund 1. Tuy nhiên, công ty không công bố thông tin chính thức về vòng gọi vốn tại thời điểm đó.

Tới năm 2021, công ty này tiếp tục hoàn thành vòng gọi vốn 250 triệu USD.Vòng gọi vốn này được dẫn đầu bởi các nhà đầu tư Mỹ gồm General Atlantic và Dragoneer Investment Group. PayPal Ventures và EDBI, cùng với các nhà đầu tư hiện tại GIC và SoftBank Vision Fund 1 cũng tham gia rót vốn.

Tiki là công ty có số vốn huy động được lớn thứ ba Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. Đáng kể nhất là vào tháng 11/2021, sàn thương mại điện tử Việt thông báo hoàn tất vòng gọi vốn đầu tư thứ 5 với 258 triệu USD. 

Được dẫn dắt bởi Tập đoàn bảo hiểm toàn cầu AIA, vòng gọi vốn thứ 5 (series E) còn có sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư như Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund, Taiwan Mobile, Yuanta Fund, STIC Investments, một trong những công ty đầu tư lớn nhất Hàn Quốc và cũng đang là cổ đông hiện hữu của Tiki. Trong đó, công ty bảo hiểm AIA đã trả 60 triệu USD, các quỹ đầu tư AppWorks, CE Fintech Capital, Nextrans lần lượt đóng góp 7,5 triệu USD, 5 triệu USD và 1,5 triệu USD.

Với lần gọi vốn thành công năm 2021, Tiki được cho là đã gần đạt được cột mốc khởi nghiệp Unicorn (kỳ lân). Từ cuối tháng 7/2021, Tiki đã chuyển nhượng 90,54% cổ phần cho pháp nhân Tiki Global có trụ sở tại Singapore, sau khi phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ tăng vốn từ 230 tỷ đồng lên 2.430 tỷ đồng. 

Hiện Tiki là một trong 4 sàn thương mại điện tử có thị phần lớn tại Việt Nam, xếp sau Shopee, TikTok Shop và Lazada.

Đức Huy

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.