Dòng vốn đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc tìm tới Việt Nam
DealStreetAsia đưa tin, trong giai đoạn 2019-2021, Việt Nam chứng kiến dòng vốn đầu tư mạo hiểm từ Hàn Quốc gia tăng mạnh mẽ. Đây là thời kỳ các nhà đầu tư Hàn Quốc đặt cược lớn vào các startup tại một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Trên thực tế, trong khoảng thời gian này, cụm từ "startup Việt Nam được quỹ mạo hiểm Hàn Quốc hậu thuẫn" đã trở thành thuật ngữ phổ biến để nói về nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cho đến nay, dòng vốn đầu tư mạo hiểm từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã chậm lại do các nhà đầu tư mạo hiểm thận trọng hơn trước bối cảnh thị trường toàn cầu ảm đạm.
Theo báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2023 do Do Ventures phối hợp cùng trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia NIC, đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt đỉnh vào năm 2019 và 2021 với lần lượt 21 và 20 thương vụ. Các nhà đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư hàng đầu trong hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam.
Bối cảnh đã thay đổi vào năm 2022 khi các khoản đầu tư mạo hiểm từ Hàn Quốc giảm xuống còn 13 thương vụ, trong khi các nhà đầu tư mạo hiểm trong nước vươn lên dẫn đầu và trở thành những nhà đầu tư tích cực nhất với 30 thương vụ.
Theo Giám đốc điều hành The Invention Lab, David Kim, kể từ tháng 7/2022, các nhà đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc, giống như các nhà đầu tư mạo hiểm toàn cầu khác, đã không còn tích cực đầu tư vào Việt Nam như trước.
"Hầu hết các khoản đầu tư của họ (Hàn Quốc) đều dẫn đến thua lỗ, và kể từ cuối tháng 7 năm 2022, họ đã trở nên khá thận trọng trong việc đầu tư vào các startup Việt Nam trong nước", ông Kim nói.
The Invention Lab đã hỗ trợ 14 startup tại Việt Nam, bao gồm ứng dụng mua bán xe máy OKXE, nền tảng chăm sóc mẹ và bé Beveria, và nền tảng đánh giá mỹ phẩm Reviewty.
Theo báo cáo SEA Deal Review Q4 2023 của DealStreetAsia, các công ty tư nhân Việt Nam đã huy động được tổng cộng 510 triệu USD từ 54 thương vụ đầu tư trong năm 2023. Con số này đánh dấu sự sụt giảm đáng kể so với mức 700 triệu USD huy động được vào năm 2022.
Tuy có sự giảm sút, Việt Nam vẫn xếp hạng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về thu hút vốn đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp, chỉ sau Singapore (6,1 tỷ USD) và Indonesia (1,28 tỷ USD).
Vị thế thận trọng của các nhà đầu tư Hàn Quốc cho thấy nhu cầu về một chiến lược đầu tư mang tính chọn lọc và sắc bén hơn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cửa thoái vốn (exit window) tương đối hạn chế đặt ra thách thức cho các startup tìm kiếm con đường có lợi nhuận thông qua hình thức M&A hoặc IPO.
Theo ông Sungho Park, Trưởng nhóm Quỹ đầu tư mạo hiểm tại Dt & Investment Co (DTNI), "Chiến lược thoái vốn sau đầu tư có thể được coi là một thách thức do số lượng thương vụ thành công cho đến nay còn hạn chế. Các nhà đầu tư sẽ cần có thêm nhiều ví dụ thành công về thoái vốn để vượt qua những thách thức này một cách hiệu quả”. DTNI đã đầu tư vào startup giao hàng Loship và nhà phát hành game Funtap của Việt Nam.
Theo ông Kim từ The Invention Lab, thị trường thoái vốn cho các startup Việt Nam hiện còn hạn hẹp. Điều này đồng nghĩa với việc các startup tại đây còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các kênh thoát vốn hiệu quả như M&A hay IPO.
Bình luận về những thách thức gặp phải khi đầu tư trực tiếp, ông Bae Seong-Hwan, Giám đốc điều hành HB Investment, cho biết việc kiểm tra hồ sơ năng lực của nhà sáng lập và các giám đốc điều hành chủ chốt có thể là một thách thức. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của thẩm định pháp lý trong quá trình đánh giá công ty. HB Investment đã đầu tư vào nền tảng đặt phòng khách sạn Go2Joy Việt Nam.
Việc thâm nhập vào một thị trường khác biệt và phức tạp đặt ra thách thức cho cả nhà đầu tư và các công ty nước ngoài.
Theo đại diện Kim Hyong-mo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ với Nikkei Asia, các công ty Hàn Quốc đang thận trọng trước các khoản đầu tư mới do kinh tế toàn cầu suy thoái. "Nhiều công ty Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc mở rộng đầu tư vào Việt Nam do chi phí lao động tăng cao, đặc biệt là khi các công ty Trung Quốc cũng gia tăng sự hiện diện tại quốc gia này", ông nói.
Theo báo cáo của BambuUp về các startup Hàn Quốc tại Việt Nam, hiện có khoảng 50 startup Hàn Quốc đang hoạt động tại đây.
Ông Park Sangsoon, Giám đốc điều hành Fin2B cho biết “Hầu hết những khó khăn mà các startup Hàn Quốc gặp phải khi kinh doanh tại Việt Nam chủ yếu xuất phát từ việc hiểu biết hạn chế về thị trường nội địa. Một mô hình kinh doanh thành công ở Hàn Quốc không có gì đảm bảo sẽ thành công ở Việt Nam. Cuối cùng, chúng tôi cần phát triển mô hình kinh doanh phù hợp nhất với tình hình dựa trên sự hiểu biết của mình về thị trường Việt Nam”.
Mặc dù vậy, sự sụt giảm nguồn vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam được nhìn nhận như là một xu hướng tạm thời. Các chuyên gia dự đoán rằng quan hệ thương mại vững chắc giữa hai quốc gia sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư mạo hiểm trong tương lai.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với 9.863 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 90 tỷ USD và hơn 8.000 công ty đang hoạt động cho đến nay. Vào năm 2023, Hàn Quốc đứng thứ tư về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, sau các thị trường như Hong Kong, Trung Quốc đại lục và Singapore.
Ông Martin Kim, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo Hàn Quốc (K-Startup) tại Hà Nội, cho biết thêm rằng Hàn Quốc và Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy trao đổi sôi động giữa khu vực công và tư.
Các yếu tố chính thúc đẩy dòng vốn đầu tư mạo hiểm và các startup Hàn Quốc vào Việt Nam bắt nguồn từ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tầng lớp trung lưu đang mở rộng và thị trường kỹ thuật số đang bùng nổ. Dân số trẻ của Việt Nam, cùng với tỷ lệ thâm nhập di động cao và sự chú trọng mạnh mẽ vào giáo dục, tạo nên nền tảng màu mỡ cho đổi mới và khởi nghiệp.
Theo ông Park tại DTNI, sự tham gia của các tập đoàn lớn Hàn Quốc vào Việt Nam đã nâng cao vị thế của thị trường, thu hút sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á.
Nhiều startup Hàn Quốc đang hướng tới mở rộng ra nước ngoài, bao gồm cả Việt Nam. Ông lưu ý, nếu các liên doanh này tạo ra những thành quả hợp tác tốt, thì đây sẽ là một bức tranh đầy hứa hẹn cho sự phát triển chung của các startup ở cả hai quốc gia.
"Tác động tích cực của các nhà đầu tư Hàn Quốc, bao gồm các khoản đầu tư lớn và việc khai thác các ngành công nghiệp mới, dự kiến sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thị trường Việt Nam", ông Bae tại HB Investment nhận định.