Những dự án tại Hà Nội ‘hồi sinh’ sau khi đổi chủ
Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách 9 dự án bất động sản hình thành trong tương lai đủ điều kiện được chấp thuận kinh doanh trong tháng 4/2017. Điều đáng nói là hai trong số đó đều từng là những dự án bị ngưng trệ nhiều năm và mới được M&A (mua bán và sát nhập) cách đây không lâu.
Dự án FLC Garden City
Phối cảnh dự án FLC Garden City. |
Đầu tiên phải kể đến Tòa nhà số 2 và Tòa nhà số 3 (block A và B) thuộc ô đất HH-02 của Khu chức năng đô thị Đại Mỗ - giai đoạn I (Khu đô thị Alaska Garden City). Đây là dự án dẫn đầu trong danh sách của Sở Xây dựng về số căn hộ được phép bán từ tháng 4 này với 966 căn, tương ứng 64.878 m2 diện tích sàn xây dựng nhà ở.
Khu đô thị Alaska Garden City có tổng diện tích 7,895 ha và kinh phí đầu tư là 3.500 tỷ đồng, địa chỉ tại xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm. Mật độ xây dựng toàn khu là 38,7%; chiều cao tối đa xây dựng công trình là 34 tầng.
Chủ đầu tư ban đầu của dự án là Công ty cổ phần Địa ốc Alaska. Đến tháng 8/2013, dự án đã được chuyển nhượng 99% (tương đương gần 300 tỷ đồng) phần vốn cho Tập đoàn FLC và được đổi tên thành FLC Garden City. Các hạng mục đầu tư dự án được công bố bao gồm 1.638 căn hộ chung cư và 153 căn biệt thự, nhà liền kề.
Như vậy, sau nhiều năm bị chậm tiến độ, thậm chí từng bị đình chỉ thi công do vi phạm trật tự xây dựng (tháng 5/2015) thì nay hai tòa nhà thuộc dự án đã được phép mở bán theo diện bất động sản hình thành trong tương lai đủ điều kiện được chấp thuận kinh doanh.
Dự án Usilk City
Cùng năm trong danh sách này của Sở Xây dựng còn có Tòa nhà CT5 thuộc ô đất CT2 Khu đô thị Văn Khê mở rộng (Usilk City). Đây là dự án có diện tích sàn xây dựng nhà ở lớn nhất trong danh sách kể trên với 129.468 m2, tương ứng 752 căn hộ.
Dự án Usilk City. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp |
Dự án nằm tại phường La Khê, quận Hà Đông, gồm 13 tòa nhà cao tầng hiện đại từ 25 – 50 tầng với 2.700 căn hộ. Tổng diện tích sàn trên 553.000 m2, diện tích tầng hầm trên 113.000 m2. Khu đất được quy hoạch xây nhà cao tầng kết hợp với dịch vụ công cộng với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng.
Dự án do Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long (STL) làm chủ đầu tư, được khởi công vào cuối năm 2008 nhưng mãi đến cuối năm 2010 vẫn chưa đạt tiến độ xây dựng đã đề ra.
Thậm chí hơn một năm trước, toàn bộ dự án còn bị thanh tra do nhiều khách hàng mua nhà tại đây liên tục gửi đơn tố cáo Sông Đà Thăng Long có dấu hiệu vi phạm pháp luật như huy động vốn tại dự án không đúng, tiến độ bị chậm trong nhiều năm… Đến nay, kết luận thanh tra về công trình này vẫn chưa được công bố.
Tuy nhiên trước đó, vào thời điểm ngân hàng siết chặt nguồn vốn vay cho bất động sản, công ty này đã chuyển nhượng tòa CT2-105 Usilk City cho Công ty cổ phần Hải Phát Thủ Đô. CT2-105 là một block có 2 tầng hầm và 50 tầng nổi với 752 căn hộ. Theo báo chí thông tin, Hải Phát đã thâu tóm tòa nhà này với giá khoảng 50 tỷ đồng.
Khu đô thị Phú Lương
Công ty cổ phần Hải Phát Thủ Đô cũng từng “bắt bệnh” được cho một dự án khác là Khu đô thị mới Phú Lương khi doanh nghiệp này đầu tư khoảng 800 tỷ đồng mua lại 4,7 ha đất thành phẩm, chiếm khoảng 35% quỹ đất dự án vào tháng 4/2016.
Khu đô thị mới Phú Lương nằm tại phường Phú La, quận Hà Đông. Tổng quy mô toàn khu đô thị lên tới 34,4 ha do Công ty cổ phần Đầu tư Trung Việt làm chủ đầu tư. Dự án gồm 669 căn liền kề và 361 căn biệt thự với các hạng mục đất công trình công cộng, đất cây xanh công viên, đất trường học, mầm non, giao thông, bệnh viện…
|
Năm 2015, dự án này bị cơ quan thuế Hà Nội xác định nợ đến hàng nghìn tỷ đồng tiền sử dụng đất. Việc chuyển nhượng trên 30% dự án cho Hải Phát đã giúp dự án hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất.
Giải thích việc rót vốn vào Khu đô thị mới Phú Lương khi dự án đang nợ tiền thuế, Hải Phát từng cho biết công ty thấy trước tiềm năng của dự án, tin tưởng rằng khu đô thị sẽ kéo giá trị bất động sản khu nhà ở tại đây tăng lên…
Theo phản ánh của báo chí, kể từ khi về tay chủ mới, Khu đô thị Phú Lương được tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ. Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, hạ tầng kỹ thuật được đẩy mạnh thi công như hệ thống cống ngầm cấp thoát nước, điện dân sinh, thông tin liên lạc, hệ thống cây xanh... Các hạng mục như biệt thự, nhà liền kề khởi công từ tháng 6/2016 đã cơ bản hoàn thiện phần xây thô…
Dự án Hà Nội Time Tower
Cũng “đổi chủ” vào thời điểm tháng 12/2015 như Usilk City nói trên, nhưng có số phận Hà Nội Time Tower long đong hơn nhiều khi dự án này phải đổi chủ đến hai lần trong thời gian 5 năm ngắn ngủi.
Cụ thể, dự án Hanoi Time Towers nằm tại Khu đô thị mới Văn Phú, Hà Đông, bao gồm tổ hợp hai tòa tháp cao 39 tầng với khoảng 600 căn hộ với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng từ quý IV/2010, do Công ty cổ phần Dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR) là chủ đầu tư và dự kiến bàn giao vào năm 2013. Tuy nhiên, tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư xảy ra khiến dự án đã bị “bất động” trong thời gian dài.
|
Lần “thay máu” đầu tiên cho dự án diễn ra cuối năm 2012 khi Tập đoàn Đại Dương (OGC) mua 10 triệu cổ phiếu của PVR, tương đương hơn 19% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn của PVR. Dự án sau đó được đánh giá là có tiến độ khá tốt: hoàn thành phần hầm công trình, phần đế được triển khai nhanh… khách hàng đồng ý gia hạn tiến độ công trình đến quý IV/2014.
Nhưng sau đó Hà Nội Time Tower đột ngột ngừng triển khai, các cổ đông lớn (gồm cả OGC) thoái hết vốn khỏi PVR. Dự án lại “chết lâm sàng” thêm một lần nữa. Đến tháng 12/2015, PVR bất ngờ công bố tái khởi động dự án Hà Nội Time Tower và cam kết sẽ hoàn thành tòa A vào năm 2017 và hoàn thành tòa B vào năm 2018. Đặc biệt, trong lần trở lại này thành phần chủ đầu tư có sự góp mặt của Công ty cổ phần đầu tư MHD Hà Nội.
Trước đó vào tháng 3/2015, MHD đã chi 52,43 tỷ đồng để mua gần 12,5 triệu cổ phiếu PVR (tương ứng với hơn 24%) và chính thức trở thành cổ đông lớn của công ty này. Như vậy, so với mốc hoàn công và bàn giao nhà cho khách hàng vào đầu năm 2014 theo kế hoạch ban đầu thì dự án đã bị chậm tiến độ đến ba năm, nay mới rục rịch triển khai trở lại.