Ba thương vụ M&A bất động sản trong quý II/2024
Trong báo cáo vừa công bố, Savills Việt Nam đã điểm tên ba thương vụ M&A bất động sản nổi bật của Việt Nam trong quý II/2024.
Theo đó, thương vụ có giá trị lớn nhất là Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển The One World, một khu dân cư rộng 50 ha tại Bình Dương.
Dự án được giới thiếu có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD bao gồm shophouse, nhà phố liền kề, biệt thự compound và căn hộ…
Tiếp theo là thương vụ Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam (Châu Đức) thuộc Tập đoàn Công nghệ Tripod (Đài Loan) mua lại một lô đất công nghiệp rộng 18 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ Sonadezi Châu Đức. Tripod Việt Nam sẽ triển khai xây dựng Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam (Châu Đức) với vốn đầu tư 250 triệu USD.
Thứ ba là thương vụ Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) mua lại 25% cổ phần trong Dự án Paragon Đại Phước rộng 45,5 ha từ Tập đoàn Nam Long với giá khoảng 26 triệu USD.
Theo Savills, những thách thức kinh tế có thể vẫn tiếp diễn trong quý III năm nay, trong bối cảnh sức mua toàn cầu yếu, căng thẳng địa chính trị và áp lực lạm phát, nhưng FDI và đầu tư cơ sở hạ tầng tích cực trong nước sẽ thúc đẩy nền kinh tế.
Đơn vị này nhận định, thị trường bất động sản nhà ở vẫn đang tiến triển theo hướng thận trọng. Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động và người mua tiềm năng đang có tâm lý chờ đợi và theo dõi, các chủ đầu tư vẫn tiếp tục tung ra các dự án mới để đánh giá tâm lý thị trường.
Đơn cử, Masterise Homes đã giới thiệu dự án nhà ở quy mô 7,2 ha tại Hải Phòng, trong khi đó Ecopark đã ra mắt dự án quy mô 1,3 ha tại Nghệ An. Tại TP HCM, Gamuda đã ra mắt dự án The Meadow với 212 căn nhà phố. Cùng lúc đó, Vinhomes đã hợp tác với Nomura của Nhật Bản để đồng phát triển hai phân khu trong dự án Vinhomes Royal Island, cung cấp 821 căn thấp tầng...
Liên quan đến hoạt động M&A, chia sẻ tại một hội thảo diễn ra mới đây, ông Lê Xuân Đông, Giám đốc Tư vấn Chiến lược của EY Việt Nam cho biết, M&A bất động sản tại Việt Nam trong ba năm gần đây cũng như trong 6 tháng đầu năm 2024 đều đang có sự sụt giảm cả về số lượng cũng như giá trị. Về cơ cấu các giao dịch, tỷ trọng các giao dịch M&A trong lĩnh vực bất động sản cũng có tỷ trọng rất lớn, khoảng 30 - 40%.
Nguyên nhân là do lĩnh vực bất động sản là một lĩnh vực luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, thông qua các hình thức M&A. Đồng thời, lĩnh vực bất động sản cũng là lĩnh vực có nhiều vấn đề về mặt thủ tục pháp lý và tài chính nên các nhà đầu tư lựa chọn việc thâm nhập thị trường thông qua M&A sẽ hiệu quả hơn đầu tư các dự án mới. Đây cũng là điểm khác biệt so với thị trường các nước trong khu vực.
Theo vị này, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc dành sự quan tâm lớn tới thị trường bất động sản tại Việt Nam. Các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm mua lại các dự án bất động sản nhà ở hoặc quỹ đất sạch lớn ở các khu vực ngoại thành hoặc các tỉnh, thành phố vệ tinh lân cận với các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM để đầu tư phát triển các dự án nhà ở phức hợp gồm nhà ở, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí,… để cung cấp đầy đủ tiện ích cho cư dân và đón đầu làn sóng đô thị hóa.