|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những động lực đằng sau đà tăng đồng loạt của thị trường chứng khoán toàn cầu

11:27 | 01/03/2024
Chia sẻ
Tuần vừa qua, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều phá đỉnh lịch sử. Một chuyên gia dự đoán thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ tiếp tục đi lên trong ít nhất 12 tháng nữa.

(Hình minh họa: Getty Images/Bloomberg). 

Kể từ khi năm mới bắt đầu, giá cổ phiếu toàn cầu đã có diễn biến tích cực đến bất ngờ. Tại Mỹ, ba chỉ số chính là S&P 500, Dow Jones và Nasdaq Composite liên tục phá đỉnh.

Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 cũng đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại vào phiên 22/2. Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 leo lên mức cao nhất mọi thời đại trong phiên 21/2.

Thoạt nhìn, diễn biến trên có vẻ khá đơn giản. Chứng khoán thế giới đồng loạt tăng hẳn nhiên là vì có một động lực chung.

Tuy nhiên, lý do đằng sau hiện tượng này thực chất lại rất đa dạng, theo ông Jeffrey Kleintop, Giám đốc đầu tư toàn cầu của Charles Schwab. Ông nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC gần đây: “Thị trường các nước liên tục phá đỉnh là bởi các nguyên nhân khác nhau”.

AI là bệ phóng của chứng khoán Mỹ

Đà tăng của chứng khoán Mỹ từ đầu năm 2024 chủ yếu được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu công nghệ và cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong hai phiên cuối tuần trước, Nvidia nhảy vọt gần 17% sau khi công bố báo kết quả kinh doanh quý IV vượt xa kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Mốc 0% lấy vào ngày 29/12/2023. 

Nền kinh tế mạnh mẽ cũng giúp ích cho thị trường. Ông DavidKelly, Giám đốc đầu tư toàn cầu của JPMorgan Asset Management, cho biết: “Tin tốt là nền kinh tế Mỹ có vẻ sẽ tránh được suy thoái và lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn mạnh mẽ. Tin tốt hơn nữa là lạm phát dường như sẽ quay về tầm kiểm soát dù nền kinh tế đang toàn dụng lao động”.

Ông Michael Arone, Giám đốc đầu tư của State Street, chỉ ra rằng tâm lý nhà đầu tư cũng được khích lệ bởi kỳ vọng về các đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Kỳ vọng lãi suất giảm kéo chứng khoán châu Âu đi lên

Ông Arone cho biết triển vọng Fed hạ lãi suất đã giúp kìm hãm lạm phát và sức mạnh của đồng USD, tạo ra động lực lịch sử cho các thị trường chứng khoán khác, bất kể khu vực nào.

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới như Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh cũng được dự đoán là sẽ giảm lãi suất trong năm nay. Động thái này sẽ thúc đẩy nền kinh tế của các nước/khu vực tương ứng.

Mốc 0% lấy vào ngày 29/12/2023.  

Theo ông Kelly, các thị trường khác cũng sẽ được hưởng lợi từ cơn sốt AI, dù theo cách gián tiếp hơn bởi cổ phiếu công nghệ không chiếm tỷ trọng quá lớn trong chỉ số chứng khoán của những nước này như tại Mỹ.

Ông nói: “Mỹ có nguồn lao động liên tục tăng - rất nhiều người người nhập cư đến nước ta. Nguồn cung lao động của châu Âu tăng rất hạn chế còn Nhật Bản thì không tăng. Nhìn theo một số góc độ, nhu cầu sử dụng AI để thay thế lao động ở Nhật Bản và châu Âu còn cấp thiết hơn ở Mỹ”.

Triển vọng lãi suất tăng thúc đẩy chứng khoán Nhật Bản

Điều thú vị là một trong những động lực thúc đẩy chứng khoán Nhật Bản lại trái ngược với Mỹ và châu Âu - đó là việc ngân hàng trung ương có thể sẽ sớm tăng lãi suất.

Khác với xu hướng chung của thế giới, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã duy trì lãi suất thấp trong vài năm qua. Nhưng BoJ sẽ sớm buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Khi điều này xảy ra, ông Arone dự đoán đồng yen sẽ tăng giá và cải thiện giá trị của cổ đông trong các doanh nghiệp Nhật Bản.

Ông Kelly cho biết riêng tại xứ sở hoa anh đào, việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể có tác dụng “trấn an” nhà đầu tư, bởi nó thể hiện rằng nền kinh tế và lạm phát đang bình thường trở lại.

Mốc 0% lấy vào ngày 29/12/2023.  

Ông Arone nói rằng động lực lớn khác của thị trường Nhật Bản là nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm buộc doanh nghiệp áp dụng các chính sách thân thiện hơn với cổ đông. Ông cho biết Sàn Giao dịch Chứng khoán Tokyo thậm chí còn đe dọa hủy niêm yết các công ty không đáp ứng các tiêu chí trước thời hạn tháng 3/2025.

Hàn Quốc cũng đang thi hành chính sách tương tự để cải thiện định giá cổ phiếu. Nếu thêm nhiều quốc gia khác học theo Nhật Bản thì đây sẽ là chất xúc tác mới cho thị trường chứng khoán toàn cầu.

Diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào?

Theo ông Arone, thị trường toàn cầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi lên, ít nhất là trong 12 tháng tới. Các chất xúc tác bao gồm chính sách tiền tệ được nới lỏng, đồng USD suy yếu và lạm phát hạ nhiệt.

Ông đánh giá: “Tất cả những yếu tố đó là nguyên liệu cần có để kéo giá cổ phiếu toàn cầu đi lên trong 12 tháng tới hoặc hơn thế”.

Để giúp nhà đầu tư nắm bắt đà tăng, ông Arone tiết lộ rằng cơ hội đã xuất hiện trong các nền kinh tế mới nổi và Trung Quốc - những thị trường đang thua kém thế giới.

Ông Arone ưa thích các thị trường mới nổi ở châu Á hơn là ở Mỹ Latinh hoặc Đông Âu. Ưu điểm của các nền kinh tế mới nổi châu Á là tốc độ tăng trưởng cao hơn, thu nhập đang trên đà tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng đông và có vai trò ngày càng lớn trong thương mại toàn cầu.

Mặt khác, ông Kleintop lo ngại về đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh kết thúc, đặc biệt là khi ông nhận định giá của một số cổ phiếu công nghệ lớn quá cao so với giá trị thực.

Ông cho biết: “Tôi nghĩ rằng các cổ phiếu quốc tế như ở châu Âu hay Nhật Bản có nhiều tiềm năng tăng hơn là cổ phiếu Mỹ. Chứng khoán Mỹ có thể gặp một số rắc rối nếu kỳ vọng về các đợt cắt giảm lãi suất tiếp tục bị đẩy lùi và động lực kinh tế yếu đi một chút”.

Giang