|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Những doanh nghiệp nào vào nhóm vốn hóa tỷ đô trong nửa đầu tháng 11?

22:13 | 14/11/2021
Chia sẻ
Trong hai tuần đầu tháng 11, câu lạc bộ vốn hóa tỷ đô chia tay hai doanh nghiệp và đón 4 cái tên mới là Gelex, Nam Long, Idico và Chứng khoán Bản Việt.
Những doanh nghiệp nào vào nhóm vốn hóa tỷ đô trong nửa đầu tháng 11? - Ảnh 1.

Tòa nhà trụ sở của Tập đoàn Gelex ở Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Tại ngày 12/11, thị trường chứng khoán Việt Nam có 60 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD (tương đương hơn 22.800 tỷ đồng). So với ngày cuối tháng 10, hai công ty phải rời khỏi nhóm tỷ đô là Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) và CTCP Cơ Điện Lạnh (Mã: REE). Trong hai tuần vừa qua, HSG sụt 5,7% còn REE mất 2,4%.

Ngược lại, 4 doanh nghiệp có giá cổ phiếu tăng mạnh và vốn hóa vượt mốc 1 tỷ USD là Tập đoàn Gelex (Mã: GEX), Tổng công ty Idico (Mã: IDC), CTCP Chứng khoán Bản Việt (Mã: VCI) và CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG).

Trong phiên 12/11, GEX và NLG tăng lần lượt 5,7% và 4% và đều lập kỷ lục mới. IDC và VCI cũng ở rất gần với đỉnh lịch sử thiết lập ít ngày trước.

Những doanh nghiệp nào vào nhóm vốn hóa tỷ đô trong nửa đầu tháng 11? - Ảnh 2.

4 cổ phiếu mới vào nhóm vốn hóa tỷ đô trong hai tuần qua là NLG, VCI, IDC và GEX.

Chứng khoán Bản Việt là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chứng khoán, đứng thứ 5 về thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ tại HOSE trong quý III. Idico và Nam Long là những tên tuổi quen thuộc trong ngành bất động sản.

Tập đoàn Gelex nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện nhưng cũng có một số dự án bất động sản. 

Sau khi Gelex nhận sáp nhập Tổng Công ty Viglacera – một doanh nghiệp lớn về khu công nghiệp và vật liệu xây dựng, mảng bất động sản càng đóng vai trò quan trọng hơn trong kết quả kinh doanh của tập đoàn.

Nhìn chung, các cổ phiếu chứng khoán và bất động sản diễn biến tương đối khả quan trong thời gian gần đây. Vốn hóa ngành bất động sản tại ngày 12/11 là hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 18.900 tỷ đồng so với cuối tháng 10. Các con số tương ứng của ngành chứng khoán là 277.700 tỷ đồng, tăng 38.300 tỷ.

Song Ngọc

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.