MWG lên đỉnh mới khi kết quả tháng 10 khởi sắc, vốn hóa gấp 10 lần doanh nghiệp bán lẻ đứng sau
Kết phiên giao dịch cuối tuần 12/11, giá cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động tăng 0,7% lên đỉnh lịch sử 136.000 đồng/cp, vốn hóa đạt gần 97.000 tỷ đồng (tương đương 4,2 tỷ USD).
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu MWG đã tăng trên 70%. Một số cổ phiếu cùng ngành cũng có mức tăng ấn tượng như DGW, FRT, PET, ...
Hai công ty bán lẻ trong lĩnh vực hàng không là Sasco (Mã: SAS) và Taseco (Mã: AST) chịu thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh nên giá cổ phiếu cũng tụt lại phía sau.
Doanh thu tháng 10 phục hồi
Ngày 12/11, MWG tổ chức hội nghị nhà đầu tư để tổng kết hoạt động quý III cũng như cập nhất kết quả kinh doanh tháng 10.
Ban lãnh đạo cho biết MWG ghi nhận mức doanh thu hơn 12.000 tỷ đồng riêng tháng 10, cao nhất kể từ đầu năm 2021. Mức doanh thu tháng này tăng 38% so với cùng kỳ và tăng 45% so với tháng 9/2021.
Hầu hết các cửa hàng được phép hoạt động trở lại từ đầu tháng 10 sau thời gian dài đóng cửa vì giãn cách, nhờ vậy tổng doanh số của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ 2020 và tăng 60% so với tháng 9.
Ban lãnh đạo cho biết MWG đã chuẩn bị để đồng loạt mở cửa bán hàng trở lại sớm nhất có thể, làm việc với nhà cung cấp từ sớm để đảm bảo có hàng đầy đủ nhất trong bối cảnh chuỗi cung ứng Việt Nam và toàn cầu bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, MWG cũng thực hiện các chương trình khuyến mãi để tận dụng nhu cầu mua sắm mới hoặc thay thế sản phẩm hư hỏng sau 3-4 tháng giãn cách vì COVID-19.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO của hai chuỗi TGDĐ và ĐMX cho biết doanh thu của tháng 10 vừa qua cao hơn cả tháng cao điểm Tết và công ty kỳ vọng kết quả kinh doanh của các tháng tới sẽ tiếp tục khả quan.
"Tháng 11 và 12 tăng trưởng có thể không bằng tháng 10 nhưng cũng sẽ rất lớn. Kết quả của quý IV có thể phần nào đó bù đắp lại những tháng đóng cửa trong quý III vừa rồi", ông Hiểu Em cho hay.
Lãnh đạo công ty cho rằng năm nay MWG có thể không hoàn thành mục tiêu tổng doanh thu 125.000 tỷ và lãi sau thuế 4.750 tỷ nhưng phấn đấu vẫn sẽ tăng trưởng so với 2020.
Trong khi chuỗi TGDĐ và ĐMX đã khởi sắc trở lại thì doanh thu tháng 10 của chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) suy giảm so với tháng trước, đồng thời thấp hơn mức bình quân trước dịch.
Nguyên nhân là các địa bàn trọng yếu chiếm gần 50% doanh thu của chuỗi BHX là TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang vẫn đang là những “điểm nóng” về dịch bệnh. Do đó, sinh hoạt của người dân vẫn chưa trở lại như trước và một bộ phận người lao động đã rời khỏi các “thủ phủ công nghiệp” về quê.
Ngoài ra, chợ truyền thống được phép mở cửa, cùng với sự xuất hiện của nhiều cửa hàng nhỏ lẻ bán thực phẩm tươi sống sau mùa dịch tạo ra nhiều lựa chọn về nơi mua sắm cho người dân, hút bớt lượng khách hàng khỏi BHX.
Lãnh đạo BHX đặt mục tiêu gia tăng tỷ trọng đóng góp của các sản phẩm mà công ty tự sản xuất và kiểm soát tỷ lệ hủy hàng để duy trì biên lợi nhuận gộp 27% cho cả năm 2021.
Biên lãi gộp hợp nhất của MWG trong ba quý đầu năm nay là khoảng 23,3%.
MWG kỳ vọng vào chuỗi TopZone
Doanh thu tháng 10 vừa qua tích cực còn nhờ sự kiện ra mắt sản phẩm iPhone 13 và MWG khai trương chuỗi cửa hàng TopZone chuyên kinh doanh các sản phẩm Apple.
Sau 10 ngày khai trương, 4 cửa hàng TopZone đóng góp 40 tỷ đồng doanh thu, tức là trung bình 1tỷ đồng/cửa hàng/ngày. Sản lượng iPhone 13 bán ra tại TopZone chiếm gần 10% tổng số iPhone 13 bán ra trên toàn hệ thống TGDĐ và ĐMX.
Ông Hiểu Em cho ước tính thị trường hàng Apple tại Việt Nam trị giá khoảng 1,5 tỷ USD một năm, dự kiến MWG đạt doanh thu từ sản phẩm Apple khoảng 350 triệu USD trong năm 2021, tức là thị phần khoảng 25%.
Công ty dự kiến có 50 cửa hàng TopZone trong quý đầu năm 2022 để gia tăng thị phần trong ngành hàng "táo khuyết". Sau đó MWG sẽ đánh giá hiệu quả để xem nên mở tiếp bao nhiêu.