|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những dấu hiệu thắt chặt tiền tệ

11:13 | 14/07/2018
Chia sẻ
Trong bối cảnh áp lực lạm phát và tỷ giá đang ngày càng tăng, mục tiêu ổn định vĩ mô cần được ưu tiên nhất. Theo đó, những tín hiệu đầu tiên về chính sách tiền tệ thắt chặt đã xuất hiện.
nhung dau hieu that chat tien te Nếu chính sách tiền tệ thắt chặt trở lại...
nhung dau hieu that chat tien te
Giảm cung tiền, tăng lãi suấtNăm nay, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tăng thấp hơn mức dự kiến ban đầu là 17%. Ảnh: Thành Hoa.

Giảm cung tiền, tăng lãi suất

Trước việc tăng trưởng cung tiền mạnh mẽ trong sáu tháng đầu năm nay đã ít nhiều gây áp lực lên lạm phát cũng như tỷ giá giữa đô la Mỹ và tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tiếp tục hút bớt tiền đồng thông qua thị trường mở, sau khi đã bơm một khoản khổng lồ thông qua kênh mua ngoại tệ. Trong một tháng trở lại đây, NHNN đã mở rộng thêm các kỳ hạn tín phiếu để hút bớt tiền về, dài nhất đã lên tới 91 ngày, đây cũng là kỳ hạn dài nhất được triển khai trong nhiều năm qua.

Trước diễn biến này, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã bắt đầu tăng lên trở lại. Cụ thể, sau khi rớt về mức dưới 1% và lập đáy tại mức 0,67% vào hôm 27-6-2018, lãi suất qua đêm trên thị trường 2 đã tăng trở lại kể từ đó đến nay và đã vượt qua mốc 1%. Các kỳ hạn khác cũng có diễn biến đi lên tương tự, do đó phần nào giúp thu hẹp chênh lệch với lãi suất đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng, từ đó giảm bớt động lực lướt sóng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang thắt chặt chính sách tiền tệ, rõ ràng Việt Nam khó có thể đi ngược xu hướng chung.

Đáng chú ý là lãi suất trên thị trường 1 cũng có dấu hiệu tăng trở lại tại một số ngân hàng. Trong tháng 6 và những ngày đầu tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã hai lần điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, trong đó kỳ hạn 1-2 tháng tăng mạnh đến 0,4%, kỳ hạn ba tháng tăng 0,3% và kỳ hạn từ 6-11 tháng tăng 0,1%. Gần đây, Ngân hàng Quân đội cũng tăng mạnh lãi suất huy động vốn, với kỳ hạn một tháng tăng 0,2%, hai tháng tăng 0,3%, đặc biệt kỳ hạn từ 3-5 tháng tăng 0,55% và kỳ hạn sáu tháng tăng 0,35%.

Trong khi đó, lãi suất cho vay trong một số lĩnh vực như cho vay bất động sản cũng đã sớm tăng tại một số ngân hàng từ đầu quí 2 đến nay. Việc thanh khoản tiền đồng có thể tiếp tục bị thu hẹp, chi phí vốn của các ngân hàng có thể tăng khi lãi suất huy động vốn trên cả thị trường 1 và thị trường 2 đều tăng trở lại, tất yếu sẽ gây thêm áp lực lên lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Kiềm chế tín dụng và cân nhắc dự trữ bắt buộc

Sau khi giảm mạnh giá bán đô la Mỹ vào cuối ngày 3-7-2018, một lãnh đạo NHNN chia sẻ rằng bên cạnh việc sử dụng các biện pháp mạnh để xử lý hiện tượng dư thừa tiền đồng nhằm hạn chế áp lực lên tỷ giá và lạm phát thì trong năm nay, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng, Theo đó, năm nay tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tăng thấp hơn mức dự kiến ban đầu là 17%.

Thực tế thời gian qua NHNN đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, hạn chế rót vốn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, các dự án BOT... cũng như cẩn trọng với tín dụng tiêu dùng. Với khả năng tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mục tiêu đề ra thì NHNN sẽ không chịu áp lực phải mở rộng tăng trưởng tín dụng như năm 2017 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nếu tăng trưởng tín dụng - tức cung vốn - bị kìm lại và nếu cầu vốn vay từ khách hàng vẫn ở mức cao, thì các ngân hàng có thể lựa chọn giải pháp tăng lãi suất cho vay để bù đắp lợi nhuận cho phần dư nợ không tăng trưởng được. Hay nói cách khác, khi lượng sản phẩm bán ra buộc phải giảm đi thì giá sẽ tăng lên khi nhu cầu người mua vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, giải pháp tăng dự trữ bắt buộc gần đây cũng đã được nhắc đến. Với lượng tiền đồng dư thừa lớn (ngoài lượng lớn tiền đồng bơm qua kênh mua ngoại tệ, còn lượng lớn tiền gửi khác của ngân sách nhà nước tại các TCTD do giải ngân vốn đầu tư công chậm), việc hút bớt tiền về qua thị trường mở dường như chưa đủ sức hấp thụ hết và giải pháp này cũng chỉ mang tính ngắn hạn, do đó không thể giải quyết triệt để thực trạng hiện nay. Vì vậy, tăng dự trữ bắt buộc có thể được xem là giải pháp dài hạn và có tính chủ động hơn của NHNN nhằm hút bớt thanh khoản khỏi thị trường.

Thực tế là vào cuối tháng 5 vừa qua, NHNN đã quyết định tăng dự trữ bắt buộc đối với Agribank. Theo đó, nếu như trước nay Agribank chỉ bị áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi tiền đồng là 1% cho tất cả các kỳ hạn, thì nay tỷ lệ này đã tăng lên 3% cho các kỳ hạn dưới 12 tháng - một tỷ lệ bình đẳng với các TCTD khác.

Chính sách tiền tệ thắt chặt đã được khuyến nghị từ lâu

Chính sách tiền tệ thắt chặt đã được nhiều tổ chức quốc tế liên tiếp khuyến nghị đối với Việt Nam. Từ cuối năm 2015, một báo cáo của HSBC khuyến nghị Việt Nam nên thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại trong năm 2016 để đề phòng lạm phát quay trở lại, sau một giai đoạn nới lỏng với tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao. Gần đây nhất, vào giữa tháng 6, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng cảnh báo Việt Nam nên xem xét thắt chặt dần chính sách tiền tệ để ưu tiên ổn định vĩ mô và có cơ hội được nâng bậc đầu tư.

Trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang thắt chặt chính sách tiền tệ, rõ ràng Việt Nam khó có thể đi ngược xu hướng chung.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thụy Lê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.