Những đại gia kiếm tiền tỷ từ chiến tranh Syria
Theo Financial Times, hồi mùa hè có hai anh em người Syria thực hiện chuyến đi xuyên châu Âu. Họ không leo lên thuyền cao su để vượt biển Aegean tới một hòn đảo Hi Lạp như cách hàng trăm nghìn người tị nạn Syria đã làm.
Thay vào đó, hai anh em đi máy bay tới Cannes (Pháp) rồi vi vu trên hai chiếc siêu xe Ferrari. Họ khoe hàng loạt hình ảnh ăn chơi xa hoa trên mạng xã hội. Và điểm đến cuối cùng của chuyến đi là đảo Mykonos (Hy Lạp), nơi họ tổ chức một bữa tiệc cực kỳ hoành tráng.
Mohammad và Ali là hai quý tử của Rami Makhlouf, đại gia giàu nhất Syria. Ông Rami là anh em họ và chơi thân với Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ nhỏ. Theo Financial Times, trước khi chiến tranh nổ ra năm 2011, Makhlouf đã kiểm soát hơn 50% nền kinh tế Syria dù bị phương Tây cấm vận.
Mohammad Makhlouf rất ưa chuộng siêu xe Ferrari. Ảnh: News18.
Đất nước tiêu điều
Cuộc nội chiến thảm khốc kéo dài 8 năm qua cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 người dân Syria và khiến hơn 12 triệu người rơi vào cảnh mất nhà cửa, phải đi tị nạn.
Với sự hỗ trợ của Nga và Iran, chính quyền Tổng thống al-Assad đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước, dù giao tranh vẫn diễn ra dai dẳng ở vùng tây bắc.
Tuy nhiên giao tranh lắng xuống không đồng nghĩa với việc nền kinh tế Syria gượng dậy. Liên Hợp Quốc ước tính hơn 83% người dân Syria đang sống trong cảnh đói nghèo với thu nhập chưa đầy 100 USD/tháng.
Đồng lira sụt giá hơn 30% từ đầu năm 2019 và hiện dao động ở mức 600 lira đổi được 1 USD. Trước chiến tranh, chỉ cần 47 lira là có thể đổi được 1 USD. GDP Syria giảm từ 60 tỷ USD/năm trước chiến tranh xuống còn 15 tỷ USD hồi năm 2016.
Chiến tranh phá nát đất nước Syria. Ảnh: Reuters.
Làn sóng di tản khiến lực lượng lao động tan nát, đẩy hàng loạt công ty vào cảnh sụp đổ. Những doanh nghiệp còn hoạt động vật lộn với tình trạng thiếu điện và nước.
Tại thủ đô Damascus, nhiều người than thở mỗi tháng họ chỉ được ăn thịt một lần. Tình trạng mất điện và thiếu khí đốt liên tục xảy ra. “Tôi đang chờ đợi một phép màu. Ai cũng vậy cả”, Financial Times dẫn lời chủ một cửa hàng máy phát điện thở dài.
Một số chuyên gia nhận định chiến tranh đã tiêu diệt tầng lớp trung lưu ở Syria. Hiện tại xã hội Syria chỉ còn những người rất nghèo và những kẻ cực giàu. Bởi trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào, luôn có những kẻ hưởng lợi.
Giàu nhờ chiến tranh
“Có một lớp thương nhân mới giàu lên nhờ chiến tranh. Chúng tôi không biết họ kiếm tiền từ đâu”, Financial Times dẫn lời doanh nhân Mazen ở Aleppo cho biết.
Các cá nhân này kiếm bộn tiền từ các hoạt động như nung chảy thép thu thập được từ các thành phố bị tàn phá, làm trung gian môi giới các thương vụ xuất nhập khẩu dầu và bán phòng khách sạn cho các tổ chức cứu trợ.
Sau khi chiến tranh nổ ra, phương Tây đã triển khai các biện pháp cấm vận chính quyền Tổng thống al-Assad. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt quốc tế không ảnh hưởng đáng kể tới đại gia Rami Makhlouf.
Đại gia Rami Makhlouf. Ảnh: AP.
“Rami Makhlouf thậm chí còn giàu hơn nhờ chiến tranh bằng cách mở các tuyến đường buôn lậu mới”, chuyên gia kinh tế Joseph Daher ở Thụy Sĩ bình luận.
Rất khó để ước tính tổng tài sản của nhà Makhlouf. Đế chế của Makhlouf bao gồm các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp dầu khí, ngân hàng, xây dựng, các chuỗi cửa hàng miễn thuế... Trong một thời gian dài, Syriatel - một trong hai mạng di động ở Syria - là viên ngọc trên vương miện của Makhlouf.
Đại gia Makhlouf cũng nắm cổ phần lớn trong một hãng hàng không tư nhân và sở hữu 25% cổ phần của Tập đoàn Cham, ước tính đạt giá trị vốn hóa khoảng 2 tỷ USD vào năm 2011.
Mohammad - con trai của Makhlouf - được đồn là sở hữu khối tài sản 2 tỷ USD. Anh ta sở hữu một chuyên cơ giá 43 triệu USD. Công ty MRM Holding của Mohammad Makhlouf từ chối trả lời phóng viên Financial Times.
Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết hiện nhà Makhlouf cũng đang đối mặt nhiều thách thức. Gia tộc này bị chính quyền Tổng thống al-Assad ép phải từ bỏ một phần đế chế kinh doanh, bao gồm cổ phiếu ở Syriatel và tổ chức Bustan.
Trong khi đó, ngày càng nhiều gương mặt mới xuất hiện. Năm ngoái, khách sạn nổi tiếng Four Seasons ở Damascus được một doanh nhân ít tên tuổi mua lại từ Hoàng tử Alwaleed bin Talal của Saudi Arabia. Khách sạn này có giá phòng lên tới 487-718 euro/đêm.
Tay chơi mới nổi
Chủ mới của khách sạn Four Seasons là doanh nhân Samer Foz, 46 tuổi. Trước chiến tranh, Foz có một công ty vận tải biển gia đình, chuyên vận chuyển thực phẩm. “Trước khi chiến tranh xảy ra, chẳng ai biết đến Samer Foz”, doanh nhân Rana ở Damascus cho biết.
Nhưng giờ Foz là đại gia có máu mặt ở Syria. Các chuyên gia kinh tế cho biết bị phương Tây cấm vận, chính quyền Syria buộc phải nhờ trung gian tìm đối tác nước ngoài để bán dầu thô. Và doanh nhân Foz với nhiều mối quan hệ ở nước ngoài đã trở thành người được chính quyền Tổng thống al-Assad tin tưởng.
Trong những năm qua, Foz mở rộng hoạt động kinh doanh, từ buôn bán thực phẩm tới nhập khẩu và khai thác dầu. Trên mạng, Tập đoàn Aman của Foz mô tả: “Chúng tôi là công ty thương mại lớn nhất Syria và có một mạng lưới các nhà cung cấp chiến lược ở nhiều quốc gia”.
Doanh nhân Samer Foz là tay chơi mới nổi trên thương trường Syria. Ảnh: WSJ.
Danh mục đầu tư của công ty bao gồm một nhà máy đường và bột mì, nhà máy lắp ráp ôtô, nhà máy luyện gang, cán thép, dược phẩm, sản xuất cáp và cổ phần tại một số ngân hàng. Ngoài ra, Foz còn sở hữu một công ty truyền thông ở London, một mỏ vàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và một khách sạn 5 sao ở Bodrum (Thổ Nhĩ Kỳ).
Nhưng giờ vận may của Foz cũng đã cạn kiệt. Năm ngoái, Tập đoàn Aman giành được hợp đồng xây dựng 3 tòa tháp cao tầng và 7 khu dân cư sang trọng ở Damascus với tổng đầu tư 312 triệu USD. Tuy nhiên, quỹ đất đã bị chính phủ Syria thu hồi. Đầu năm nay, Liên minh châu Âu cấm vận các nhà đầu tư vào dự án này, bao gồm cả Foz.
Foz đang kiện EU để phản đối lệnh cấm vận. Bị phương Tây hạn chế di chuyển, nhưng Foz vẫn đến được Thổ Nhĩ Kỳ và Dubai (UAE). Các chuyên gia kinh tế nhận định những kẻ như Foz sẽ tiếp tục kiếm bộn tiền.
Bòn rút của đất nước
Foz có hai đối tác quan trọng là anh em Hussam và Baraa Keterji đến từ Aleppo. Hussam là một nghị sĩ. Họ cũng là những kẻ đã trở nên giàu sụ nhờ chiến tranh. Các giếng dầu chính của Syria nằm ở khu vực phía đông đất nước.
Khu vực này nhiều đổi chủ trong cuộc chiến. Nhóm ISIS kiểm soát nơi đây từ năm 2014 đến năm 2016 và khai thác hơn 40.000 thùng mỗi ngày để bán lại cho các thương nhân Syria và Iraq. Anh em Keterji thuộc nhóm thương nhân này.
Ngày nay, lực lượng người Kurd kiểm soát các mỏ dầu này. Nhưng các nhà máy lọc ở Syria đều do chính phủ kiểm soát. Do đó, hai bên đạt thỏa thuận cùng khai thác dầu khí. Xe tải của nhà Keterji chở dầu từ các mỏ dầu này tới nhà máy.
Anh em nhà Keterji khai thác thép từ các thành phố bị chiến tranh tàn phá. Ảnh: Middle East Online.
“Nhà Keterji có hàng chục bể chứa dầu, chuyển dầu từ Rojava đến nhà máy lọc dầu ở Homs và Banyas mỗi ngày”, một nguồn tin ở Syria tiết lộ với Financial Times. Theo Bộ Tài chính Mỹ, Baraa Keterji sở hữu một công ty ở Lebanon, chuyên nhập khẩu dầu Iran vào Syria. Giới phân tích cho rằng hai anh em Keterji kiểm soát ngành công nghiệp dầu Syria.
Trong khi đó, ông trùm thép và vật liệu xây dựng Muhammad Hamsho cũng không chịu kém cạnh. Nghị sĩ này là chủ tịch Tập đoàn Hamsho International, chuyên kinh doanh kim loại, chăn nuôi ngựa và sản xuất kem. Các quan chức Mỹ cho biết Hamsho có mối quan hệ thân cận với tướng Maher al-Assad thuộc quân đội Syria.
Các nguồn tin cho biết Hamsho và Maher al-Assad ký thỏa thuận để Hamsho International khai thác thép từ các thành phố bị chiến tranh tàn phá. Lực lượng của Maher al-Assad thu thập thép và tất cả được đưa tới các nhà máy của Hamsho.
Trong khi các đại gia liên tục bòn rút phần của cải còn sót lại của Syria, gần 12 triệu người dân nước này phải sống nhờ viện trợ nhân đạo.