|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Những cổ phiếu BĐS nào không tăng mạnh trong tháng qua?

07:35 | 08/11/2021
Chia sẻ
Nhiều cổ phiếu bất động sản (BĐS) tăng bằng lần trong một tháng gần đây nhưng cũng có nhiều mã bị bỏ lại phía sau, chỉ nhích nhẹ hoặc thậm chí mất giá.

Tính đến hết phiên 5/11 vừa qua, các cổ phiếu bất động sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam có tổng vốn hóa hơn 1,57 triệu tỷ đồng, tăng hơn 200.000 tỷ so với ngày đầu tháng 10. Tỷ trọng của nhóm BĐS so với vốn hóa toàn thị trường là 20,8%, cải thiện từ mức 20%.

Ngược lại, tỷ trọng của nhóm ngân hàng giảm từ 24,5% ngày đầu tháng 10 xuống còn 24% tại ngày 5/11.

Những cổ phiếu BĐS nào không tăng mạnh trong tháng qua? - Ảnh 1.

Trong khoảng một tháng gần đây, nhiều cổ phiếu BĐS diễn biến vượt trội so với thị trường chung với mức tăng lên tới trên 60%, thậm chí trên 100%. Xét theo khung thời gian ba tháng, một số cổ phiếu như IDJ hay API còn tăng trên 300% hoặc gần 500%.

Đa số cổ phiếu tăng nóng nằm trong nhóm vừa và nhỏ, một số mã đã vươn lên gia nhập câu lạc bộ vốn hóa tỷ đô như DIG của DIC Corp hay IDC của Idico. Trong số 60 cổ phiếu có vốn hóa trên 1 tỷ USD hiện nay, nhóm BĐS có 13 đại diện.

Những cổ phiếu BĐS nào không tăng mạnh trong tháng qua? - Ảnh 2.

Nhiều cổ phiếu BĐS có mức tăng khiêm tốn hơn, trong khoảng 20% - 59% trong một tháng qua. Dù vậy kết quả này vẫn khả quan hơn nhiều so với mức tăng 7,5% của VN-Index hay 16,7% của HNX-Index trong cùng thời gian.

Một số doanh nghiệp trong số này công bố kết quả kinh doanh quý III khả quan như Nam Long (Mã: NLG) báo lợi nhuận thuần 295 tỷ đồng, cao gấp 9 lần cùng kỳ, Hodeco (Mã: HDC) lãi sau thuế gần 67 tỷ đồng, gấp đôi quý III/2020.

Một số doanh nghiệp khác có cổ phiếu tăng giá mạnh dù kết quả kinh doanh tiêu cực như Hưng Thịnh Incons (Mã: HTN) thông báo lãi giảm 89% còn 22 tỷ đồng, lãi sau thuế của Becamex và Đất Xanh cũng sụt lần lượt 92% và 28%.

Những cổ phiếu BĐS nào không tăng mạnh trong tháng qua? - Ảnh 3.

Một số cổ phiếu BĐS nổi tiếng có mức tăng dưới 20% như NTL của Nhà Từ Liêm (+19,2%), KDH của Nhà Khang Điền (+16%), CEO của Tập đoàn CEO (+15,7%), FLC của Tập đoàn FLC và PDR của Phát Đạt cùng tăng 13%.

Cả ba cổ phiếu họ Vingroup là VRE, VIC và VHM cùng với NVL của Novaland là những mã vốn hóa lớn tăng dưới 10% trong một tháng qua tại HOSE. 

Ở sàn HNX, cổ phiếu THD của Thaiholdings cũng chỉ tăng 3,4%. Hiện nay THD vẫn là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất HNX với giá trị 82.425 tỷ đồng (tương đương 3,6 tỷ USD). Thị giá 235.500 đồng/cp của THD cũng nằm trong nhóm cao nhất thị trường chứng khoán Việt.

Một số cổ phiếu BĐS còn đi xuống trong một tháng gần đây như BII của Louis Land hay CRE của CenLand. BII từng tăng nóng trong giai đoạn từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9, chạm đỉnh 31.000 đồng/cp. Sau đó, cổ phiếu "họ Louis" này có nhiều phiên lao dốc, kết phiên 5/11 ở 15.500 đồng/cp.

Những cổ phiếu BĐS nào không tăng mạnh trong tháng qua? - Ảnh 4.

Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng cổ phiếu bất động sản có nhiều tiềm năng trong nửa cuối năm 2021 dựa trên ba yếu tố. Thứ nhất là điểm rơi lợi nhuận ngành thường nằm ở quý III và quý IV. Thứ hai là môi trường lãi suất thấp và các gói tài chính linh hoạt sẽ là đòn bẩy hỗ trợ cho sự phục hồi của ngành.

Yếu tố cuối cùng là triển vọng từ việc các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh bán hàng trong những tháng cuối năm thông qua nhiều hình thức trực tuyến (online) cũng như trực tiếp (offline) sau thời gian dài giãn cách.

Song Ngọc

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.