Những cái chết 'ngoài sổ sách' ở Vũ Hán
Wei Junlan, một nữ công nhân nhà máy về hưu 63 tuổi ở Vũ Hán, luôn có sức khỏe tốt, nhưng qua đời ngày 21/1, chỉ khoảng hai tuần sau khi bắt đầu ho và sốt.
Cháu trai Jerry Shang nói rằng bà Wei chưa được xét nghiệm xem có nhiễm nCoV hay không, nhưng bác sĩ tại bệnh viện Vũ Hán cho biết các triệu chứng của bà, bao gồm nhiễm trùng phổi, sốt và ngày càng yếu đi rất giống với người bị nhiễm.
Bà Wei chưa bao giờ đến chợ hải sản Hoa Nam, nơi khởi phát dịch viêm phổi corona (Covid-19), nhưng bà sống cách đó ba km. Shang nghi bà Wei đã lây bệnh từ những người trong khu phố.
Vào những ngày cuối đời, bà không thể đi lại. Lần cuối cùng gia đình nhìn thấy Wei là khi bà được đưa vào phòng cấp cứu. Bác sĩ nói với gia đình: "Đó là bệnh viêm phổi mà khắp đất nước đều biết".
Nhưng trường hợp của bà không được tính vào số liệu thống kê chính thức người tử vong vì dịch Covid-19 mà tỉnh Hồ Bắc công bố hàng ngày, giấy chứng tử chỉ ghi nguyên nhân bà qua đời là viêm phổi nặng. Một số bệnh nhân giống như Wei cũng đã chết mà không được xác nhận thứ gì đã cướp đi mạng sống của họ.
Các bác sĩ địa phương biết nhiều trường hợp như vậy, nhiều người Vũ Hán phàn nàn thân nhân của họ không được xét nghiệm nCoV vì các bệnh viện tuyến đầu bị quá tải do số lượng bệnh nhân cao và tình trạng thiếu nghiêm trọng thiết bị xét nghiệm.
Wei Peng, bác sĩ tại một bệnh viện ở Vũ Hán, nói rằng nhân viên y tế không được phép ghi Covid-19 là nguyên nhân tử vong của bệnh nhân khi chưa được xác nhận bằng kết quả xét nghiệm.
"Tỷ lệ tử vong mà chúng tôi thống kê tại thời điểm này là các trường hợp được xác nhận; có những ca có triệu chứng nhẹ hơn không nằm trong số liệu", Jiao Yahui, quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo tuần trước.
Vấn đề này được thay đổi từ ngày 13/2, khi tỉnh Hồ Bắc thông báo họ sử dụng phương pháp thống kê mới, đưa các ca được chẩn đoán lâm sàng nhiễm virus vào số liệu, có nghĩa là các bệnh nhân được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng phù hợp với Covid-19 nhưng không nhất thiết phải có kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Sau khi áp dụng phương pháp này, số người chết vì Codvid-19 tại Hồ Bắc tăng 242 ca, gấp hơn hai lần hôm qua, lên 1.310. Số ca nhiễm tại tỉnh tăng 14.840, gấp gần 10 lần hôm trước, lên 48.206.
Tuy nhiên, thay đổi này cũng có thể chưa phản ánh được số người tử vong thực tế. Bác sĩ Wei kể rằng một phụ nữ không thể đưa bố đến bệnh viện kịp thời vì cô không đủ sức khênh ông lên xe, trong khi đội ngũ xe cứu thương luôn trong tình trạng quá tải nên không thể đến nhà đưa ông đến viện.
Những bệnh nhân như vậy qua đời ở nhà, họ không được tính vào con số thống kê người chết vì nCoV, Wei nói.
Vì các kênh chính thức bị quá tải, các tình nguyện viên trên cả nước đã cùng nhau giúp xác minh và cập nhật thông tin y tế trực tuyến, cũng như hỗ trợ những người cần được giúp đỡ.
Tình nguyện viên Li Nian tại Bắc Kinh cho biết những trường hợp như bà Wei rất phổ biến và thường cả gia đình có thể nhiễm bệnh.
Li kể một phụ nữ mà cô giúp đỡ đã rất rối trí sau khi chồng qua đời tại nhà. Nhà tang lễ đưa xe đến chở thi hài nhưng bà không biết phải làm gì với khăn trải giường và quần áo của ông, trong khi đang quay cuồng tìm bệnh viện cho mẹ chồng.
Một cư dân Vũ Hán khác, Xia Chengfang, không thể nói lời từ biệt với ông mình, người qua đời ngày 28/1.
"Bệnh viện trực tiếp gọi cho nhà tang lễ để hỏa táng thi hài, chúng tôi không được gặp ông lần cuối. Mẹ và chú tôi đến lấy quần áo của ông tại viện rồi mang đến nơi vắng người để đốt", cô kể.
Nhà tang lễ trong thành phố hoạt động không ngừng nghỉ trong thời gian dịch bùng phát. Một nhân viên họ Huang từ nhà tang lễ Wuchang nói với Tencent News rằng nhân viên đang làm việc theo ca suốt ngày đêm và có rất ít thời gian nghỉ ngơi.
Các gia đình bị cấm tổ chức tang lễ để ngăn chặn sự lây lan của virus. Thay vào đó, các bệnh viện, hoặc gia đình có người qua đời tại nhà, phải liên hệ với các nhà tang lễ để họ xử lý toàn bộ vấn đề. Khi người chết bị nghi nhiễm nCoV, gia đình được yêu cầu vệ sinh nhà trước khi thi thể được mang đi.
"Chúng tôi mặc đồ bảo hộ kín người, với găng tay, khẩu trang và kính", Huang nói. "Khi trở lại nhà tang lễ, chúng tôi xịt khử trùng khắp người và phơi khô quần áo".
Sau khi bà Wei qua đời, Jerry Shang cho biết gia đình không được phép nhìn bà lần cuối và tổ chức đám tang. Thay vào đó, bệnh viện thu thập thi thể các bệnh nhân và để nhà tang lễ địa phương hỏa táng họ cùng nhau.
Shang là thành viên duy nhất trong gia đình bà Wei còn ở lại Vũ Hán. Anh đã khuyên con trai bà Wei đến ở với bố tại Thâm Quyến trước khi Vũ Hán bị phong tỏa. Nhà tang lễ đang giữ tro cốt của bà Wei. "Bệnh viện cho biết em họ tôi có thể đến lấy tro cốt mẹ sau khi hết dịch", Shang nói.