|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhu cầu xăng dầu giảm trong dài hạn, nhiều doanh nghiệp thuộc PVN tìm cách cắt giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng

13:49 | 09/03/2020
Chia sẻ
Việc nhu cầu xăng dầu trong 10 - 20 năm tới sụt giảm trong khi công suất các nhà máy lọc hóa dầu tăng 15% sẽ dẫn đến dư thừa công suất lọc dầu.
Nhu cầu xăng dầu giảm trong dài hạn, nhiều doanh nghiệp dầu khí triển khai cắt giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng - Ảnh 1.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Ảnh: PVN

Theo dự báo từ một số tổ chức quốc tế như IEA, Bloomberg; tốc độ tăng trưởng nhu cầu xăng dầu toàn cầu sẽ giảm trong 10 - 20 năm tới vì những tiến bộ trong việc tiết kiệm nhiên liệu động cơ, sự thay thế bởi xe điện và nhiên liệu sạch.

Song song đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho biết công suất các nhà máy lọc hóa dầu sẽ tăng khoảng 15% trong giai đoạn 2018 - 2040, từ 100 triệu thùng/ngày lên 115 triệu thùng/ngày, dẫn đến dư thừa công suất lọc dầu.

Vì vậy, yêu cầu cấp thiết để các nhà máy lọc dầu có thể tồn tại và cạnh tranh được là nâng cao hiệu quả hoạt động như: tối ưu hóa chi phí, tìm kiếm nguồn nhiên liệu giá rẻ thay thế, sử dụng năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sinh khối…), tối ưu giá nguyên liệu đầu vào và nâng cao giá trị sản phẩm đầu ra.

Ngoài ra, các công tác tiết kiệm năng lượng tại các nhà máy lọc hóa dầu cũng có thể giúp tiết kiệm 10 - 20% năng lượng tiêu thụ. Bao gồm các giải pháp như thu hồi năng lượng thừa và tối ưu hóa hệ thống sản xuất.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chế biến dầu khí của PVN đã thực hiện các biện pháp cải tiến và tối ưu tiết kiệm năng lượng.

CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) từ năm 2013 đến 2019 đã giảm chỉ số tiêu thụ năng lượng từ 117% xuống 103,6%. Hiện tại, BSR đang tập trung thực hiện tối ưu tiết kiệm năng lượng cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong giải đoạn 2020 - 2025 với chỉ tiêu chỉ số tiêu thụ năng lượng (EII) dưới 102 và tiêu thụ năng lượng nội bộ dưới 7.

Trong tương li, giai đoạn 2025 - 2030, BSR đặt mục tiêu EII  dưới 100, tiêu thụ năng lượng nội bộ dưới 6,9. Sau năm 2030, chỉ tiêu EII dưới 95, tiêu thụ năng lượng nội bộ dưới 6,8.

CTCP Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) lên kế hoạch tăng cường hiệu suất tạo hạt, giảm lưu lượng vòng tuần hoàn rắn đi vào thiết bị sấy, tiết kiệm lượng khí đốt sử dụng sấy tại phân xưởng NPK và đưa chương trình tối ưu hóa lò hơi 10B8001 vào vận hành.

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) cũng đang triển khai lộ trình tiết kiếm năng lượng giai đoạn đến năm 2020, bao gồm: thu hồi khí xả tại cụm trung áp xưởng ureventa, áp dụng công nghệ ORC để phát điện, thu hồi CO2 trong dòng Permeate gas và Flashgas, mua hơi công nghiệp thay thế một phần khí nhiên liệu...

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề chi phí, PVN cũng gợi ý Chính phủ xem xét mô hình khu công nghiệp lọc hóa dầu trên đảo Jurong tại Singapore. Tại đây, nhờ chính sách tối ưu nên đã thu hút khoảng 100 công ty lọc dầu hàng đầu thế giới với tổng vốn đầu tư khoảng 47 tỉ USD. 

Bên cạnh đó, chính sách qui hoạch tích hợp các tiện ích, dịch vụ dùng chung cũng giúp tối ưu hóa sử dụng năng lượng. Song song đó, hình thành nên chuỗi chế biến sâu lọc hóa dầu: sản phẩm của nhà máy này là nguyên liệu của nhà máy khác, giúp tối ưu chi phí logistics. 

Thiên Cơ