Nhu cầu từ châu Phi, Cuba giúp giá gạo xuất khẩu Việt Nam lên cao nhất trong hơn 4 tháng
Cụ thể, giá gạo chuẩn 5% tấm của Việt Nam đã tăng từ 350 USD/tấn xác lập một tuần trước lên 350 - 355 USD/tấn, mức cao trong 4 tháng rưỡi, do kho dự trữ hạn chế.
"Nguồn cung đang cạn kiệt trong khi nhu cầu vẫn ổn định, đặc biệt từ châu Phi và cả Cuba", một thương nhân có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh cho biết.
Thị trường Việt Nam có thể đón nhận thêm nhu cầu nữa là Philippines, chiếm 36% tổng nhập khẩu từ Việt Nam, có thể sẽ xem xét sớm nới lỏng các hạn chế đối với nhập khẩu gạo, một thương nhân khác cho biết.
Tháng 9, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chạm mức thấp nhất trong gần 12 năm ở 325 USD/tấn, theo Reuters.
Giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ, Thái Lan cũng đồng loạt tăng trong tuần qua
Tại nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm ghi nhận trong khoảng 368 - 372 USD/tấn, tăng từ mức 365 - 370 USD của một tuần trước.
Trong phiên giao dịch ngày 24/10, đồng rupee đã đạt mức cao nhất trong hơn một tuần, theo đó làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, ông B. V. Krishna Rao cho biết nhu cầu từ các nước châu Phi vẫn còn yếu.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã giảm 29% trong tháng 8 so với cùng kì xuống 644.249 tấn với nhu cầu từ các nước châu Phi đối với gạo non-basmati yếu là một trong số các nguyên nhân.
Trong khi đó, quốc gia láng giếng Bangladesh đã không đạt được bất kì thỏa thuận nào với các đối tác ở nước ngoài kể từ khi lệnh cấm xuất khẩu duy trì trong nhiều năm được dỡ bỏ hồi tháng 5, vì gạo giá rẻ từ các đối thủ cạnh tranh.
"Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm một thị trường để xuất khẩu gạo. Ấn Độ có thể xuất khẩu gạo với giá 370 - 390 USD/tấn trong khi chúng tôi yêu cầu thấp nhất là 500 USD", ông Shah Alam Babu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Bangladesh, cho biết.
Giá gạo chuẩn 5% tấm của nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới - Thái Lan đã tăng từ 395 - 400 USD/tấn vào tuần trước lên 396 - 410 USD/tấn vào thứ Năm (24/10).
Theo các thương nhân, giá tăng nhẹ là do những thay đổi trong tỷ giá hối đoái.
"Nhu cầu dường như thay đổi rất nhỏ và nguồn cung, cũng như sức mạnh của động baht đã khiến giá tăng nhẹ", một thương nhân có trụ sở tại Bangkok nói.
Đồng baht mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu đối với gạo Thái Lan trong nhiều tháng nay.
"Nếu đồng baht yếu đi một chút, chúng ta có thể bán được một ít gạo, nhưng hiện tại, gạo Thái Lan quá đắt so với các đối thủ cạnh tranh", một nhà kinh doanh gạo khác cho biết.