Nhu cầu tiêu thụ thịt heo có thể chững lại vì thời tiết nắng nóng
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 5 giá heo hơi tại các vùng trên cả nước bắt đầu nhích lên 14 – 19% so với đầu năm, lên mức 56.000 – 58.000 đồng/kg.
Giá heo tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại nhờ các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, các nhà hàng, nhà ăn tại trường học và nhà máy mở cửa trở lại.
Ngoài ra, nguồn cung của một số tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và dịch tả heo châu Phi bùng phát.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo thời gian tới, giá heo hơi dự báo sẽ khó tăng bật, chỉ dao động quanh mức 60.000 đồng/kg bởi bất lợi thời tiết, nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm.
Mặt khác, dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng, họ vẫn hạn chế với các hoạt động ăn uống ngoài gia đình nên lượng tiêu thụ thịt vẫn khó tăng nhanh.
Trong tháng 5, đàn heo và gia cầm cả nước phát triển ổn định, dịch bệnh lớn không xảy ra, nhưng tình hình chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng.
Kể từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng 5 đợt liên tiếp trong khi giá heo chỉ tăng nhẹ. Điều này khiến giá thành sản xuất cao hơn giá bán, nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch AHAV cho biết: “Hiện nay, người chăn nuôi nông hộ đang sử dụng gần như 100% thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
Bởi vậy, việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã trực tiếp ảnh hưởng tới chi phí sản xuất của những hộ chăn nuôi này. Theo nghiên cứu sơ bộ, chi phí sản xuất của chăn nuôi nông hộ luôn cao hơn so với chăn nuôi công nghiệp từ 10 – 15%”.
Trước thực trạng trên, đại diện AHAV cũng đưa ra một số giải pháp cho ngành chăn nuôi Việt Nam, bao gồm giảm nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, phế phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, giảm tỷ lệ chăn nuôi lợn, gia cầm, tăng cơ cấu chăn nuôi gia súc.