|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu tiêu thụ cà phê của Trung Quốc tăng 15%/năm, doanh nghiệp Việt chớp cơ hội bằng cách nào?

21:15 | 29/07/2022
Chia sẻ
Nhu cầu tiêu thụ cà phê của Trung Quốc tăng 15%/năm, tập trung vào các sản phẩm cà phê hòa tan, chế biến sâu 3 trong 1. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo đây là hướng đi tốt cho doanh nghiệp nâng cao thị phần và giá trị gia tăng cho cà phê Việt tại Trung Quốc.

Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 21.450 tấn cà phê, tương đương 66 triệu USD, giảm 24% về lượng nhưng tăng 2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. 

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Chia sẻ tại Phiên tư vấn xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam thông tin trong khi các thị trường khác chủ yếu nhập khẩu cà phê nhân, thô thì Trung Quốc lại có xu hướng nhập khẩu các sản phẩm cà phê hòa tan, chế biến sâu.

Cụ thể, xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan, 3 trong 1 đạt khoảng 8.352 tấn, tương đương 41 triệu USD, chiếm 62% so với tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc 6 tháng đầu năm.

Thực tế, tại thị trường Trung Quốc, cà phê hòa tan, cà phê chế biến sẵn đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp Việt có thể tập trung vào phân khúc này để nâng cao giá trị gia tăng.

Ông Tôn Chính, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành nghề cà phê Trùng Khánh cho biết nhu cầu tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc đang tăng với tốc độ trung bình 15%/năm vì nhu cầu thưởng thức cà phê của người dân tăng. Chính vì vậy, tiềm năng nhập khẩu cà phê Việt Nam của Trung Quốc còn rất lớn.

Bên cạnh đó, người dân Trung Quốc không ngại khám phá những lối sống mới cũng là một đặc điểm thúc đẩy tiêu thụ cà phê chế biến sâu tại thị trường này. 

Nắm bắt xu hướng này,một số thương hiệu Việt Nam chinh phục thị trường Trung Quốc nhờ đầu tư cho chế biến sâu như Trung Nguyên, An Thái, Phương Vi, K+…

Mặt khác, logistics từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng thuận lợi và gần hơn so với các thị trường khác như Mỹ, EU. Doanh nghiệp có thể vận chuyển cà phê bằng cả đường biển và đường sắt.

“Hiện có tuyến đường sắt từ Hà Nội- Trùng Khánh- Matxcova (Nga) và tuyến Lào-Trùng Khánh. Đặc biệt tuyến đường sắt Lào sang Trùng Khánh có giá rẻ hơn từ Hà Nội -Trùng Khánh nên doanh nghiệp có thể cân nhắc phương thức vận chuyển này.

Còn vận chuyển đường biển đến Khâm Châu (Quảng Tây) thì sau đó, doanh nghiệp vẫn phải dùng đường sắt vận chuyển đến Trùng Khánh và các tỉnh thành khác nên chi phí cao hơn”, ông Chính phân tích.

Thị trường Trung Quốc càng hấp dẫn, sức cạnh tranh ở đây càng lớn. Ngoài mua cà phê của Việt Nam, Trung Quốc còn nhập khẩu cà phê từ nhiều thị trường khác như Brazil, Indonesia, và nhập cà phê chế biến sẵn từ Mỹ, các nước châu Âu.

Chuyên gia này khuyến cáo doanh nghiệp Việt nên chú trọng phân loại cà phê theo các cấp độ giúp giảm tải các chi phí vận chuyển và tăng giá trị lợi nhuận, khẳng định được thương hiệu.

Còn theo kinh nghiệm của ông Ly Wilson, đại diện tập đoàn cà phê Trung Nguyên tại Thượng Hải, doanh nghiệp cà phê Việt muốn có chỗ đứng ở thị trường Trung Quốc cần phải xây dựng mạng lưới phân phối từ đại lý, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa hay bán hàng bằng hình thức livestream.

Đặc biệt, hình thức bán sản phẩm cho các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng bán lẻ đang phát huy tác dụng hiệu quả vì qua hình thức tiêu thụ từng gói nhỏ, sẽ giúp doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng mục tiêu.

Hoàng Anh