|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu tăng, chanh, mít, thanh long... đang tăng giá

16:46 | 11/11/2019
Chia sẻ
Mặc dù nhiều loại trái cây, rau quả sụt giảm về giá nhưng do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tăng mạnh, một số loạt trái cây như chanh, mít, thanh long... có sự tăng đáng kể về giá bán trong tháng 10.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết trong tháng 10/2019, thị trường trái cây trong nước biến động tăng giảm khác nhau tùy theo nhiều loại. 

Cụ thể, vừa qua, giá chanh lại lên cao do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tăng mạnh. Giá tăng lên đến 15.000 - 16.000 đồng/kg trong khi năm ngoái chỉ đạt 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Được biết, vụ thu hoạch chanh năm 2018, giá xuống đáy, nhiều nông dân ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang... đã chặt chanh làm củi. 

Với quả mít, trong tháng qua, do giá mít tăng cao, nông dân Tiền Giang bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp vẫn cứ ồ ạt mở rộng diện tích. 

Đến nay, Tiền Giang là địa phương có diện tích cây mít lớn nhất khu vực ĐBSCL với tổng diện tích hơn 6.000 ha.

Ngoài Tiền Giang, một số địa phương tại Đồng Tháp cũng đang lên liếp trồng mít trên đất ruộng hoặc phá bỏ các loại hoa màu, cây ăn trái khác để trồng mít. Hiện tại, mít Thái giá trên 50.000 đồng/kg, có thời điểm giá lên đến 70.000 đồng/kg.

9b7277c1515db703ee4c

Chanh, mít, thanh long...đang có xu hướng tăng giá do nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh. Ảnh: Như Huỳnh.

Đồng thời cũng trong tháng 10, thị trường rau củ tại Lâm Đồng biến động tăng giảm tùy theo từng loại rau củ. Cụ thể giá cà chua tăng do nhu cầu tăng mạnh, trong khi đó giá một số loại rau củ khác như bắp cải, cải thảo, xà lách, su su, su hào… giảm do nguồn cung tăng vào thời điểm chính vụ trong khi nhu cầu không biến động mạnh.

Ngoài ra, với quả cam, hiện giá trái cam sành, cam mật và cam xoàn tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg so với cách nay khoảng một tháng. 

Tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Vĩnh Long... cam mật được nhiều nông dân bán xô cho thương lái với giá chỉ khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg, cam sành bán xô với giá 8.000 - 9.000 đồng/kg, cam xoàn giá khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá cam xoàn bán lẻ tại nhiều nơi đang ở mức 20.000 - 25.000 đồng/kg, cam sành 12.000 - 17.000 đồng/kg, còn cam mật khoảng 9.000 - 12.000 đồng/kg. 

Giá trái cam giảm chủ yếu do nguồn cung tăng mạnh vì bước vào rộ mùa thu hoạch và nhiều loại cam chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong khi đó, các loại cam trong nước cũng đang chịu nhiều sự cạnh tranh bởi cam nhập khẩu từ Australia và Mỹ. 

Đáng chú ý, với quả thanh long, trong những ngày đầu tháng 10/2019, nông dân ở Bình Thuận thu hoạch thanh long chính vụ để xuất khẩu. 

Mức giá thanh long giao động khoảng từ 5.000 - 8.000 đồng/kg, cao hơn so với chính vụ năm trước và trái cây được thương lái thu mua đều nên người làm vườn có lãi.

Thanh long Bình Thuận được thương lái và các doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu qua Trung Quốc. Một lượng ít trái cây ở vườn VietGAP, GlobalGAP được xuất khẩu qua các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản...

Tuy nhiên, vào những ngày gần đây tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, lượng xe trở thanh long đổ về cửa khẩu đã gia tăng mạnh khiến dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng. Hiện Hải quan đã phối hợp với các cơ quan tỉnh Lạng Sơn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thông quan hàng hoá.

"Các hộ kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản cố gắng nắm bắt kịp thời tình trạng thông quan tại cửa khẩu cũng như các thủ tục khai báo chính xác các loại hàng xuất khẩu chính ngạch để tránh tình trạng bị ùn ứ, làm tăng chi phí, giảm chất lượng hàng nông sản", Bộ NN&PTNT lưu ý.



Như Huỳnh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.