Nhu cầu sử dụng túi nhựa tăng, ngành sản xuất đồ nhựa hưởng lợi nhiều nhất từ dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung mà còn làm giảm nỗ lực không sử dụng các đồ dùng bằng nhựa. Các nhà sản xuất đồ nhựa là một trong những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ đại dịch COVID-19.
Siam Cement, tập đoàn sản xuất hóa dầu hàng đầu Thái Lan, ước tính doanh số bán các vật liệu đóng gói và đồ hộp của công ty tăng 33% trong quí đầu tiên của năm.
Nikkei Asian Review nhận định xu hướng sử dụng đồ nhựa trên thế giới đang ngày càng tăng nhiều hơn. Nhiều nhà sản xuất đang gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu lớn dần của người tiêu dùng.
Ở Thái Lan, việc sử dụng hộp nhựa dùng một lần vốn đang ở mức thấp hiện đang tăng trở lại khi dịch COVID-19 lan rộng. Lượng chất thải nhựa ở Bangkok đã tăng 62% trong tháng 4 so với một năm trước đó, tương đương với mức tăng 3.440 tấn/ngày, theo dữ liệu từ Viện Môi trường Thái Lan.
Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Siam Cement, tiết lộ doanh số của các hộp đựng thực phẩm bằng nhựa tăng mạnh ở Thái Lan trong quí I, có thể là do các nhà hàng đóng cửa khiến khách hàng phải ở nhà. Ông khẳng định tập đoàn sẽ nỗ lực để đáp ứng nhu cầu đó.
Nhà sản xuất túi nhựa hàng đầu của Thái Lan là TPBI đã chứng kiến doanh số tăng 11% trong phân khúc nhựa dùng một lần vào quí I đầu năm. Phân khúc đó bao gồm túi đựng thực phẩm và túi rác.
Mặc dù các nhà bán lẻ lớn ở Thái Lan đã ngừng cung cấp túi nhựa miễn phí cho khách hàng vào hồi tháng 1, nhưng nhu cầu đã tăng mạnh trở lại khi các cửa hàng và nhà hàng đóng cửa vào tháng 3 và các điểm kiểm dịch riêng xuất hiện, một nhà quản lí của TPBI nói.
Dịch bệnh càng lây lan mạnh, việc sử dụng đồ nhựa cũng tăng lên. Tại các siêu thị ở Bangkok, họ đã bắt đầu gói bánh mì và các mặt hàng đồ ăn nhanh bắt đầu khoảng giữa tháng 4 để giảm sự lây lan của dịch bệnh.
Châu Á là một thị trường quan trọng đối với các nhà sản xuất. Theo QUICK FactSet, có tới 148 công ty đóng gói trên thế giới kiếm 34% doanh thu của họ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm ngoái.
Dữ liệu thống kê cho thấy Mỹ là thị trường lớn nhất, tương đương với 31,7% nhu cầu thế giới. Hai vị trí tiếp theo thuộc về Trung Quốc với 20,1% và Nhật Bản 5,1%.
Trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, nhiều nơi trên thế giới ban hành các qui định nhằm hạn chế việc sử dụng đồ nhựa. Liên minh châu Âu đã thông qua luật vào tháng 5/2019 về việc cấm ống hút nhựa, dĩa, thìa và các mặt hàng khác sử dụng vào năm 2021.
Các động thái tương tự nhằm kiềm chế sự ô nhiễm nguồn nước từ rác thải nhựa đã được lãnh đạo của nhóm G20 và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thảo luận tại cuộc họp vào tháng 6 năm ngoái.
Tuy nhiên, việc sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần trong khi đại dịch bùng phát lại mang đến những lợi ích thiết thực. Túi nhựa khá chắc và bền, rất tiện dụng khi giao đồ ăn và khá hợp vệ sinh.
Tại Trung Quốc, việc sản xuất các sản phẩm nhựa đã tăng 6% trong tháng 3 so với cùng kì năm ngoái. Vào ngày 6/5, Kingfa, một nhà sản xuất vật liệu nhựa của Trung Quốc, tuyên bố họ sẽ mở rộng sang sản xuất bao bì và hộp nhựa.
Ngoài ra, nhiều nơi trên thế giới đã hoãn lệnh cấm trước đó về việc sử dụng túi nhựa trong hoạt động mua sắm. Bang New York đã nhiều lần hoãn lệnh cấm ban đầu do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh vào hồi đầu tháng 3 vừa rồi. Trước đó, New York cấm sử dụng túi nhựa do lo ngại rằng túi tái sử dụng không vệ sinh và góp phần lan truyền dịch bệnh.
Anh cũng đã tạm thời ngừng tính phí 5 pence (tương đương với khoảng 1.500 đồng) cho túi mua sắm nhựa tại các siêu thị để tăng tốc độ giao hàng tận nhà và bảo vệ người lái xe khỏi nguy cơ lây nhiễm.
Maria Coronado Robles, một nhà tư vấn cao cấp tại tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, bình luận: "Truyền thông hậu đại dịch là điều rất cần thiết để phổ biến lại cho người tiêu dùng về tính an toàn của các sản phẩm có thể tái sử dụng".