|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu phục hồi vững chắc, OPEC+ sẽ tiếp tục bơm thêm dầu thô tại cuộc họp tháng 9

09:30 | 28/08/2021
Chia sẻ
Theo đưa tin từ Bloomberg, OPEC và các đồng minh (OPEC+) dự kiến sẽ tiếp tục kế hoạch phục hồi sản lượng tại cuộc họp vào đầu tháng 9, trong bối cảnh giá dầu thô đã lấy lại đà sau cú vấp hồi đầu tháng 8.

OPEC+ giữ nguyên kế hoạch

Liên minh dầu mỏ OPEC+ đang dần khôi phục sản lượng dầu thô sau thời gian dài kìm nén hồi năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 bùng phát làm sụt giảm nhu cầu và phá hoại thị trường năng lượng.

Đa phần giới thương nhân và chuyên gia mà Bloomberg khảo sát đều dự báo rằng tại cuộc họp vào ngày 1/9 tới, OPEC+ có thể sẽ phê chuẩn kế hoạch tăng sản lượng cho tháng 10. Các phái đoàn OPEC+ cũng chia sẻ riêng với Bloomberg về kết quả tương tự.

Giá dầu thô đã chững lại vào đầu tháng này khi đại dịch tái bùng phát, đe dọa nhu cầu ở Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, giá dầu đã khởi sắc trở lại sau khi hoạt động tiêu thụ nhiên liệu dường như không bị ảnh hưởng bởi làn sóng COVID-19 mới nhất. Nhờ đó, OPEC và các đồng minh có thêm dư địa để hoạch định chính sách.

Ông Ed Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Citigroup, cho biết: "Những bất ổn trong nền kinh tế thế giới và tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc phần lớn đã bị loại bỏ".

"Có bằng chứng vững chắc cho thấy giá dầu thô chỉ tạm thời chạm đáy và cuối cùng đã bật tăng trở lại. Nếu cuộc lội ngược dòng này tiếp tục, OPEC+ nhiều khả năng sẽ bám sát kế hoạch hiện tại của họ", ông Morse nhấn mạnh.

Đến nay, OPEC+ đã khôi phục khoảng 45% khối lượng dầu thô từng bị cắt giảm vào mùa xuân năm ngoái. Dưới kế hoạch do Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman chỉ đạo, liên minh dầu mỏ sẽ bơm phần còn lại ra thị trường với mức tăng hàng tháng khoảng 400.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2022.

Theo Bloomberg, 17 trong tổng cộng 22 nhà giao dịch, nhà phân tích và cơ sở lọc dầu mà hãng tin này đã khảo sát tin rằng sẽ không xuất hiện thay đổi nào tại cuộc họp sắp tới của OPEC+. Điều đó đồng nghĩa rằng mức tăng sản lượng của tháng 10 sẽ diễn ra theo kế hoạch.

Nhu cầu dầu thô khởi sắc, OPEC+ sẽ tiếp tục tăng sản lượng tại cuộc họp tháng 9 - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Áp lực đã qua

Thái độ thận trọng của OPEC+ đã giúp duy trì giá dầu thô ở mức cao vừa phải, vừa đủ để củng cố sự hồi sinh của ngành dầu khí toàn cầu vừa tránh gây ảnh hưởng đến công cuộc phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, liên minh dầu mỏ vẫn phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía.

Đầu tháng này, kế hoạch tăng nguồn cung của OPEC+ đã bị đặt dấu chấm hỏi. Giá dầu thô quốc tế sụt khoảng 11 USD/thùng, tương đương mức giảm 15%, trong ba tuần đầu tiên của tháng 8 khi Trung Quốc phong tỏa trở lại.

Sau đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cắt giảm triển vọng nhu cầu trong phần còn lại của năm 2021 và cảnh báo về nguy cơ dư thừa dầu thô mới vào năm tới. Song, nhu cầu và giá dầu thô đã bật tăng trở lại trong tuần cuối tháng 8.

Nhu cầu dầu thô khởi sắc, OPEC+ sẽ tiếp tục tăng sản lượng tại cuộc họp tháng 9 - Ảnh 2.

Ở diễn biến khác, OPEC+ còn phải chịu sức ép từ Mỹ khi Nhà Trắng công khai thúc giục các nước thành viên bơm thêm dầu ra thị trường để hạ nhiệt giá xăng dầu đang tăng cao.

Dù vậy, nhiều thành viên của OPEC+ khẳng định họ chưa nhận được yêu cầu trực tiếp nào từ Washington và giới phân tích tin rằng thông điệp của Tổng thống Joe Biden chủ yếu nhắm đến công chúng trong nước.

Nhu cầu dầu thô bật tăng

OPEC+ đã khiến thị trường đứng ngồi không yên trong năm nay vì liên minh này đóng băng nguồn cung khi các chuyên gia dự báo tăng và ngược lại. Tuy nhiên, cuộc họp tháng 9 tới có vẻ sẽ suôn sẻ hơn so với cuộc gặp mặt hồi tháng trước.

Hiện tại, OPEC+ không phải đối mặt với viễn cảnh là Iran sẽ ồ ạt bơm dầu ra thị trường, vì các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Tehran với chính phủ Mỹ đã chững lại. Hơn nữa, nhu cầu dầu thô dường như đang khá mạnh, đủ để tiêu thụ hết phần sản lượng của Iran.

Hoạt động đi lại ở các thành phố đông dân của Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi khi quốc gia nhập khẩu dầu thô chủ chốt này ngăn chặn được làn sóng COVID-19 mới nhất.

Tại Mỹ, mức tiêu thụ xăng dầu đang tăng lên trong bối cảnh người dân tận dụng kì nghỉ hè để đi du lịch. Dịch vụ hàng không ở Ấn Độ cũng khởi sắc khi mọi người đổ xô đến các điểm du lịch sau nhiều tháng phong tỏa.

"Chừng nào chính phủ Trung Quốc còn kiểm soát được đợt bùng phát mới nhất, tôi tin OPEC+ sẽ giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng và sẵn sàng điều chỉnh khi cần thiết", bà Helima Croft, chiến lược gia trưởng tại RBC Capital Markets, nhận định.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.