|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhu cầu mua sắm tăng cao, CPI tháng 1 tăng 1,94% so với cùng kỳ

10:12 | 29/01/2022
Chia sẻ
Do là tháng giáp Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao khiến CPI tháng 1 tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,94% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2022 của Tổng cục Thống kê cho biết, do là tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết.

Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,94% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhu cầu mua sắm tăng cao, CPI tháng 1 tăng 1,94% so với cùng kỳ - Ảnh 1.

Nguồn: GSO.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và một nhóm hàng giảm giá. Riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giữ giá ổn định.

Trong 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 1,18% (làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu.

Tiếp đến là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,57% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng trong dịp Tết khiến giá rượu bia tăng 0,76%; đồ uống không cồn tăng 0,27%; thuốc hút tăng 0,47%.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,26% do nhu cầu mua sắm quần áo chuẩn bị Tết Nguyên đán Nhâm Dần tăng,...

Nhu cầu mua sắm tăng cao, CPI tháng 1 tăng 1,94% so với cùng kỳ - Ảnh 2.

Nguồn: GSO.

Bên cạnh đó, chỉ có duy nhất nhóm bưu chính viễn thông là giảm 0,03%. Trong khi đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giữ giá ổn định. 

Cụ thể, lương thực tăng 0,08%; thực phẩm giảm 0,09%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,18% do giá xăng dầu, giá thực phẩm tươi sống, giá sữa, dầu ăn tăng khiến các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng giá bán.

Lạm phát cơ bản tháng 1 tăng 0,26% so với tháng trước, tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 0,26% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,94%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Phương Trang