|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhu cầu khám bệnh từ xa tăng vọt vì COVID-19, các ứng dụng khám bệnh trực tuyến tăng cường tuyển thêm bác sĩ, nhưng gặp khó khăn về pháp lí

07:51 | 28/03/2020
Chia sẻ
Qui định bác sĩ khám bệnh trực tuyến ở Mỹ phải có giấy phép ở bang mà bệnh nhân cư trú là rào cản rất lớn đối với các ứng dụng khám bệnh từ xa trong bối cảnh dịch viêm phổi COVID-19 lây lan mạnh.

AFP đưa tin đến sáng 28/3, Mỹ ghi nhận thêm 16.961 ca nhiễm và 312 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 102.396 và 1.607 ca.

Như vậy, số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt xa Trung Quốc và Italy và chiếm vị trí số một trên thế giới. New York, Washington và California là 3 bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tại tâm dịch New York, chính quyền thành phố đã phải dựng các nhà xác dã chiến bên ngoài bệnh viện nhằm ứng phó với trường hợp số ca tử vong do COVID-19 tăng mạnh.

Sự lây lan nhanh của COVID-19 khiến nhu cầu khám bệnh từ xa tăng theo cấp số nhân, khiến các nhà cung cấp dịch vụ quá tải. 

Hàng loạt ứng dụng khám bệnh từ xa ở Mỹ đang ứng phó với sự tăng vọt về nhu cầu của bệnh nhân bằng cách tăng tuyển dụng. Chẳng hạn, PlushCare đang làm việc để tăng từ 50% tới 100% số lượng bác sĩ. 

Hiện tại, luật pháp các bang yêu cầu các bác sĩ khám bệnh từ xa phải có giấy phép tại tiểu bang nơi bệnh nhân sống. Qui định ấy giới hạn phạm vi tiếp cận bác sĩ  cũng như bệnh nhân của một số ứng dụng. 

Nhu cầu khám bệnh từ xa tăng vọt vì COVID-19, các ứng dụng khám bệnh trực tuyến tăng cường tuyển thêm bác sĩ, nhưng gặp khó khăn về pháp lí - Ảnh 1.

Giới chức Mỹ đang khuyến khích người dân sử dụng các app khám bệnh từ xa ngay từ đầu. Ảnh: musthaventures.com

Tiến sĩ Brendan Levy, giám đốc điều hành y tế tại HeyDoctor, nói rằng việc biến cấp phép thành qui trình quốc gia hoặc yêu cầu các bang công nhận giấy phép của nhau sẽ giúp các ứng dụng khám bệnh trực tuyến mở rộng phạm vi tiếp cận.

"Chúng ta đang thấy hệ thống cơ sở hạ tầng y tế ở Mỹ chịu sức ép theo nhiều cách. Thực tế ấy đặc biệt rõ nét đối với ngành khám bệnh từ xa. Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy các quan chức, nhà cung cấp dịch vụ y tế, chương trình chăm sóc sức khỏe và chủ doanh nghiệp gợi ý người dân khám bệnh từ xa ngay từ đầu", Robin Glass, chủ tịch của công ty Doctor on Demand, phát biểu.

Một số ứng dụng khám bệnh từ xa đã tung ra sản phẩm mới để phản ứng với đại dịch COVID-19. Doctor on Demand và HeyDoctor miễn phí dịch vụ đánh giá nguy cơ nhiễm COVID-19. Nếu phát hiện người có nguy cơ mắc nCoV trong quá trình khám, họ sẽ đề nghị bệnh nhân tham vấn bác sĩ qua điện thoại hoặc hội thảo video.

Bên cạnh đó, một số ứng dụng đang xem xét ý tưởng cung cấp dịch vụ xét nghiệm COVID-19 tại nhà. Bệnh nhân sẽ lấy mẫu xét nghiệm ở nhà, gửi chúng tới một phòng thí nghiệm qua bưu điện, rồi nói chuyện với một bác sĩ qua điện thoại. 

PlushCare thông báo họ sẽ tung ra một bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà, song cần một nhà cung cấp que lấy nhớt mũi. Everlywell, một công ty xét nghiệm tại gia, lên kế hoạch bán bộ xét nghiệm COVID-19 vào ngày 23/3. Song với mức giá 135 USD, bộ công cụ ấy sẽ vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người.

Nhiều bang ở Mỹ đang cố gắng đưa khám bệnh từ xa vào danh mục chi trả của chương trình Mediaid. Theo một báo cáo của Trung tâm Chính sách kết nối, tất cả 50 bang ở Mỹ đều đã có một số hình thức thanh toán cho dịch vụ khám bệnh từ xa trong chương trình Mediaid.

Song yêu cầu để thanh toán có thể sẽ khắt khe. Phần lớn chương trình Mediaid qui định bệnh nhân phải khám ở một địa điểm có chức năng khám bệnh - như bệnh viện, trường học hay văn phòng của nhà cung cấp dịch vụ. Qui định ấy xóa những lợi ích về tạo khoảng cách xã hội của dịch vụ khám bệnh từ xa. 

Giới chuyên môn nhận định rằng, nếu bệnh nhân muốn chính phủ thanh toán chi phí khám bệnh trực tuyến, họ phải tới văn phòng của nhà cung cấp dịch vụ. Qui định ấy không phát huy tác dụng trong một tình huống đặc biệt như COVID-19.

Cửu Dương