Nhu cầu hồi phục, xuất khẩu cà phê triển vọng khả quan hơn trong thời gian tới
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2021 Việt Nam đã xuất khẩu 132,1 nghìn tấn cà phê, trị giá 246,4 triệu USD, giảm 22,1% về lượng và giảm 21% về trị giá so với tháng 3/2021, đồng thời so với tháng 4/2020 giảm 20,9% về lượng và giảm 12,5% về trị giá.
Lũy kế sau 4 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 585 nghìn tấn, trị giá gần 1,1 tỷ USD, giảm 14,3% về lượng và giảm 8,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, EU và Mỹ chiếm 41% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cùng với tình trạng thiếu container rỗng và giá cước vận tải biển tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu cà phê của Việt Nam tới châu Âu và Mỹ.
Ngoài ra, sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez thời điểm tháng 3/2021 cũng đã làm chậm quá trình vận chuyển cà phê của Việt Nam sang các thị trường EU và Mỹ.
Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2021, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 200,4 nghìn tấn), Mỹ giảm 27,4% (đạt 40,9 nghìn tấn). Tổng cộng xuất khẩu sang 2 thị trường này giảm đã hơn 75 nghìn tấn sau 4 tháng đầu năm nay.
Do đó, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường như: Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia... tuy có tăng nhưng không thể bù đắp sự sụt giảm lớn từ thị trường Mỹ và EU.
Riêng về thị trường Mỹ, số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho thấy, nhập khẩu cà phê của Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 367 nghìn tấn, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, Việt Nam đứng thứ 3 về nguồn cung cà phê cho thị trường Mỹ nhưng lượng cà phê của Việt Nam vào thị trường này đã giảm mạnh 36,4% (tương ứng 16.877 tấn) so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 29,5 nghìn tấn.
Tương tự, lượng cà phê nhập khẩu của Mỹ từ một thị trường Đông Nam Á khác là Indonesia cũng giảm mạnh 19,6% trong 3 tháng đầu năm 2021.
Để bù đắp cho sự sụt giảm trong các chuyến hàng cà phê từ Đông Nam Á, Mỹ đã phải tăng nhập khẩu từ các nước Nam Mỹ như Brazil, Colombia, Mexico…
Thị trường cà phê toàn cầu trong thời gian gần đây đang cho thấy sự sôi động trở lại nhờ quá trình tiêm chủng vaccine COVID-19 được đẩy nhanh tại Mỹ và châu Âu, trong khi đó nhiều dự báo cho thấy Brazil sẽ thu hoạch vụ mùa thấp hơn trong niên vụ 2021-2022.
Đây sẽ là cơ hội để xuất khẩu cà phê của Việt Nam giành lại thị trường trong thời gian tới.
Tuy vậy, cản trở lớn nhất đối với các nhà xuất khẩu cà phê hiện nay vẫn là giá cước vận tải đi Mỹ và châu Âu tăng cao trong thời gian qua.
Triển vọng phục hồi nhu cầu tiêu thụ đẩy giá cà phê tăng cao
Trên thị trường thế giới, giá cà phê tại các sàn giao dịch chủ chốt có xu hướng tăng từ đầu tháng 4/2021 đến nay do thị trường lo ngại nguồn cung vụ cà phê mới từ Brazil sụt giảm và kỳ vọng nhu cầu hồi phục trở lại.
Ngoài ra, giá cà phê còn được hỗ trợ từ sự gián đoạn nguồn cung tại Colombia do các lệnh cấm đường và các cuộc biểu tình phản đối dự luật cải cách thuế của nước này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/5/2021, giá cà phê arabica giao tháng 7/2021 trên sàn New York đã tăng 2,4% so với cuối tháng 4/2021 và tăng 15,2% so với cuối tháng 3/2021, đạt 146,4 US cent/lb.
Trên sàn giao dịch London, giá cà phê robusta giao tháng 7/2021 cũng tăng 3% so cuối tháng 4/2021 và tăng 7% so với tháng 3/2021, đạt 1.495 USD/tấn.
Tổng hợp từ giacaphe.com (Biểu đồ Hoàng Hiệp)
Viện Địa lý và thống kê Brazil (IBGE) dự báo sản lượng cà phê của nước này trong năm 2021 đạt khoảng 46,7 triệu bao loại 60 kg, giảm 24,3% so với niên vụ trước và thấp hơn 0,6% so với báo cáo được cơ quan này đưa ra trước đó.
Nguyên nhân giảm chủ yếu là do hạn hán tại một số khu vực trồng cà phê chủ chốt của Brazil khiến năng suất giảm mạnh so với vụ mùa năm ngoái. Ngoài ra, diện tích trồng cây cà phê tại quốc gia Nam Mỹ này cũng ghi nhận mức giảm 5,1% so với năm 2020.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 4/2021 đạt 3,3 triệu bao, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng đầu của niên vụ cà phê hiện tại 202021, xuất khẩu cà phê của Brazil đạt 3,9 triệu bao, tăng 16,6% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Mới đây, Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cũng đã hạ dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2020-2021 từ 171,89 triệu bao (bao=60 kg) xuống còn 169,63 triệu bao. Nhu cầu tiêu thụ của thế giới dự báo vào khoảng 166,34 triệu bao.
Trong khi đó, thành công trong việc tiêm vaccine COVID-19 tại Mỹ và các nước châu Âu đã cho phép hàng quán và ngành du lịch hoạt động trở lại đã giúp cho thị trường cà phê nhộn nhịp hơn.
Sự gia tăng của giá cà phê thế giới đã kéo theo sự tăng giá của thị trường cà phê nội địa Việt Nam.
Tính đến ngày 14/5/2021, giá cà phê tại một số tỉnh trồng cà phê trọng điểm của khu vực Tây Nguyên đã tăng 800 – 1.000 đồng/kg so với cuối tháng 3/2021. Theo đó, giá cà phê đạt cao nhất là 33.400 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk và thấp nhất là 32.200 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng.
Nguồn cung cà phê Brazil giảm trong khi nhu cầu đang tăng lên được cho là yếu tố chính hỗ trợ giá cà phê tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tổng hợp từ tintaynguyen.com. (Biểu đồ Hoàng Hiệp)