|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu ghế khung gỗ nhiều tiềm năng, Việt Nam xuất khẩu tăng hơn 120%

07:21 | 19/06/2021
Chia sẻ
Theo Cục Xuất nhập khẩu nhu cầu nhập khẩu ghế khung gỗ trên thị trường thế giới rất lớn, nên các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu ghế khung gỗ trong tháng 4/2021 đạt 346 triệu USD, tăng 260,5% so với tháng 4/2020. 

Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,23 tỷ USD, tăng 121% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu ghế khung gỗ, Mỹ là thị trường có trị giá chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt tốc độ tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2021. 

Trị giá xuất khẩu ghế khung gỗ tới Mỹ đạt 1,04 tỷ USD, tăng 154,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý trị giá xuất khẩu ghế khung gỗ cũng tăng rất mạnh tới các thị trường như Canada, Hà Lan, Ả rập Xê út và Đan Mạch.

"Nhu cầu nhập khẩu ghế khung gỗ trên thị trường thế giới rất lớn, nên các doanh nghiệp xuất khẩu ghế khung gỗ của Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Nhu cầu ghế khung gỗ nhiều tiềm năng, Việt Nam xuất khẩu tăng hơn 120% - Ảnh 1.

Thị trường xuất khẩu ghế khung gỗ tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021. (Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan/Bộ Công Thương)

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu ghế khung gỗ (mã HS 940161+940619) trên thị trường thế giới trong giai đoạn năm 2016 - 2020, trung bình mỗi năm đạt 20,4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 2,8%. 

Trong đó, Mỹ, Đức, Pháp và Anh là 4 thị trường nhập khẩu ghế khung gỗ lớn nhất trên toàn cầu với trị giá đạt trên 1 tỷ USD/năm. 

Các thị trường ghế khung gỗ lớn trên thế giới đều là các thị trường có yêu cầu cao, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và đặc biệt là nguồn gốc gỗ. 

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế khó khăn, khiến các nước có xu hướng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ và không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Như Huỳnh